VNDirect Research chỉ ra 4 yếu tố hỗ trợ thị trường trong nửa cuối năm 2022

VNDirect Research chỉ ra 4 yếu tố hỗ trợ thị trường trong nửa cuối năm 2022

Trong 6 tháng đầu năm, hầu hết các ngành (trừ ngành Thép và Ngân hàng) đều có thanh khoản tăng đột biến. Báo cáo cũng nêu rõ những rủi ro mà nhà đầu tư cần phải quan sát thêm.

Sau khi đạt mức cao lịch sử tại 1.528,6 điểm vào ngày 6/1/2022, chỉ số VN-Index đã giảm mạnh trong những tháng tiếp theo. Tính từ đầu năm đến 23/6, tâm lý tiêu cực lan rộng khiến chỉ số VN-INDEX giảm 20,7%, chỉ số HNX-INDEX đã giảm 41,5% và UPCOM-INDEX cũng giảm 23,1%.

Theo báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm mới cập nhật, VNDirect Research chỉ ra nguyên nhân của việc bán tháo có thể là do FED đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, dẫn đến lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại do lạm phát cao, gián đoạn chuỗi cung ứng và tình trạng tài chính toàn cầu thắt chặt. Ngoài ra, từ đầu năm, tâm lý thị trường tiêu cực do các vụ bắt giữ một số chủ tịch công ty lớn liên quan đến thao túng cổ phiếu và gian lận phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Cùng với diễn biến xấu của VN-Index, thanh khoản thị trường sụt giảm kể từ tháng 12/21, tuy nhiên giá trị giao dịch bình quân 6 tháng năm 2022 vẫn cao hơn so với cùng kỳ. Tổng thanh khoản trên 3 sàn chính tăng 13,4% lên 25.844 tỷ đồng/phiên. Trong 5 tháng đầu năm, các nhà đầu tư trong nước đã mở tổng cộng 1,38 triệu tài khoản, gần bằng tổng số tài khoản được mở trong cả năm 2021 (1,53 triệu), nâng tỷ lệ sử dụng tài khoản chứng khoán của Việt Nam lên khoảng 5,7%.

Dòng tiền đổ về nhóm Hóa chất, ngành Cung cấp nước và khí đốt diễn biến tốt nhất trong 6T/22

Bên cạnh đó, báo cáo VNDirect cũng đưa ra thống kê về diễn biến dòng tiền. Nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ đã từng là động lực chính giúp VN-Index có kết quả ấn tượng trong 6 tháng cuối năm 2021, tuy nhiên xu hướng đó đã thay đổi. VNSML trở thành chỉ số có diễn biến xấu nhất trong 6 tháng đầu năm với mức giảm 35,4%, theo sau là VNMID (-30,3%).

Hiện tại, tỷ trọng nhóm vốn hóa trung bình chiếm khoảng 41,6% giá trị giao dịch hàng ngày, tiếp theo là VN30 (38,3%) và nhóm vốn hóa nhỏ (14,2%).

Trong 6 tháng đầu năm, hầu hết các ngành (trừ ngành Thép và Ngân hàng) đều có thanh khoản tăng đột biến. Trong số đó, ngành Hóa chất (+134% so với cùng kỳ) có dòng tiền đổ vào nhiều nhất do giá phốt pho và phân bón tăng cao, xuất phát từ tình hình địa chính trị ở Ukraine.

Các ngành khác thu hút dòng tiền bao gồm Xây dựng (+99%), Bán lẻ (+89%), Điện (+74%), Khí đốt (+59%), Vận tải (+56%), CNTT (+29%), Vật liệu xây dựng (+29%), Bất động sản (+28%), Dầu mỏ (+23%), Thực phẩm & Đồ uống (+21%) và Chứng khoán (+9%). Ở chiều ngược lại, dòng tiền rời khỏi ngành Ngân hàng và ngành Thép với thanh khoản giảm lần lượt 37% và 18%.

Trái với sự biến động tiêu cực của chỉ số chính, nhóm Cung cấp nước & khí đốt (+15,7%), Bán lẻ (+3,2%), CNTT (+2,7%), Đồ uống (+1,6%) là 4 ngành duy nhất ghi nhận diễn biến tích cực trong 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, chứng khoán là ngành có diễn biến kém nhất trong 6 tháng đầu năm, ghi nhận mức sụt giảm 48,9%, là kết quả của thanh khoản suy yếu so với tháng trước. Đặc biệt, một số ngành có hiệu suất kém hơn so với VN-INDEX như Viễn thông (-22,7%), Bất động sản (-28%), Xây dựng (-36,7%), Ô tô (- 36,8%) và Thép (-40,4%).

Yếu tố hỗ trợ và những rủi ro còn tồn tại

Cân nhắc những yếu tố xúc tác cũng như rủi ro, VNDirect Research đánh giá những yếu tố hỗ trợ chính cho thị trường trong nửa cuối năm 2022 đến từ tăng trưởng GDP dự kiến cải thiện, đội ngũ phân tích lạc quan về tăng trưởng GDP ở mức 7,1% so với cùng kỳ năm 2022. Việc chính phủ đẩy nhanh thực hiện gói kích thích kinh tế, bao gồm gói cấp bù lãi suất và thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư công cũng góp phần hỗ trợ.

Ngoài ra, VNDirect cũng lạc quan về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết duy trì ở mức tăng trưởng cao, có thể đạt 23% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, động lực thúc đẩy VN-Index còn đến từ định giá là thị trường rất hấp dẫn so với mức lịch sử và các thị trường khác trong khu vực. Cụ thể, ngày 23/6/2022, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 12 tháng là 12,9 lần, chiết khấu 22% so với P/E trung bình 5 năm. Định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam đang chiết khấu trung bình khoảng 17% so với các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á.

Song, báo cáo cũng nêu rõ những rủi ro mà nhà đầu tư cần phải quan sát thêm. Chủ yếu do căng thẳng Nga – Ukraine kéo dài hơn dự kiến và lệnh phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc, việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh hơn kỳ vọng của thị trường cũng như lạm phát ở Việt Nam cao hơn dự kiến.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: