Đồng euro và đồng bảng Anh tăng giá so với các đồng tiền trú ẩn an toàn trong ngày thứ Hai (4/7) do tâm lý của các nhà đầu tư toàn cầu đối với tài sản rủi ro được cải thiện trong bối cảnh hoạt động giao dịch trầm lắng do các thị trường Mỹ nghỉ lễ Độc lập.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 4/7 theo giờ Việt Nam giảm 0,03% xuống 105,02, song vẫn gần sát mức cao nhất trong vòng 2 thập kỷ, là 105,790, đạt được vào tháng trước.
Đồng bảng Anh và đồng euro đều tăng giá so với USD, yen Nhật và franc Thụy Sĩ trong phiên vừa qua. Theo đó, EUR lúc kết thúc ngày 4/7 theo giờ Việt Nam tăng 0,2% lên 1,044 USD, trước đó có lúc chạm mức thấp nhất trong vòng 5 tháng, là 1,0349 USD; trong khi bảng Anh tăng 0,4% lên 1,2344 USD, sau khi chạm mức thấp nhất trong vòng 2 tuần, là 1,1976 USD hôm 1/7.
Trên thị tường Việt Nam, tỷ giá trung tâm và giá USD tại đa số ngân hàng Thương mại tăng so với cuối tuần qua nhưng giá bán USD trên thị trường tự do giảm nhẹ. Theo đó, tỷ giá USD tại thị trường ngân hàng tiếp tục tăng ở nhiều ngân hàng, trong đó, của Vietcombank cùng tăng 70 đồng ở cả hai chiều mua bán và VPBank tăng 60 đồng giá mua và tăng 80 đồng giá bán.
Shaun Osborne, chiến lược gia phụ trách mảng tiền tệ của Scotiabank cho biết: “Giao dịch phiên đầu tuần không sôi động khi chứng kiến đồng USD suy yếu so với hầu hết các tiền tệ chủ chốt”.
Mặc dù vậy, ông Osborne cho hay các báo cáo rằng Nhà Trắng sẽ công bố việc nới lỏng một số thuế quan đối với Trung Quốc vào cuối tuần này với nỗ lực giảm lạm phát đã giúp tạo nên một số tâm lý lạc quan cho thị trường.
Và mặc dù tăng giá trong phiên vừa qua, nhưng trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, đồng euro vẫn ở gần mức thấp nhất trong 5 năm so với đồng đô la.
Nhu cầu trú ẩn an toàn đã giữ cho đồng USD ở mức cao ngay cả khi các thị trường đã giảm bớt một số kỳ vọng vào việc Mỹ sẽ tăng lãi suất mạnh mẽ. Hiện thị trường đang đặt cược 85% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất trong kỳ họp tới, và lãi suất của Mỹ sẽ ở mức 3,25% đến 3,5% vào cuối năm 2022, trước khi quay đầu giảm vào năm 2023.
Sự việc ở Ukraine và suy thoái kinh tế, đặc biệt là lạm phát giá lương thực và năng lượng tăng vọt, là lực cản lớn đối với đồng euro – vốn đã suy yếu 8% so với đồng USD trong năm nay. Sự khác biệt giữa phản ứng của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và của Fed đối với lạm phát cao hơn cũng ảnh hưởng đến đồng euro.
Dữ liệu hôm thứ Sáu (1/7) cho thấy lạm phát của khu vực đồng euro tăng lên mức kỷ lục khác, thêm một lý do để ECB tăng lãi suất trong tháng này – lần tăng đầu tiên trong một thập kỷ.
Jeremy Stretch, người đứng đầu mảng chiến lược ngoại hối các nước G10 của CIBC, cho biết ông dự kiến những cơn gió ngược với đồng euro sẽ tiếp tục tồn tại khi ECB dự kiến sẽ tăng lãi suất vào ngày 21 tháng 7 thêm “chỉ 25 điểm cơ bản”.
Ông nói: “Hành động của ECB vẫn ở mức vừa phải khi so sánh với mức tăng 75 điểm cơ bản của Fed”, “Ngoài cuộc thảo luận về chính sách tiền tệ của ECB, biến số rủi ro chính của Liên minh châu Âu liên quan đến lĩnh vực năng lượng.”
Trong phiên vừa qua, không chỉ các tiền tệ rủi ro cao tăng giá, mà chứng khoán thế giới cũng đồng loạt xanh.
Chỉ số chứng khoán MSCI toàn cầu lúc kết thúc ngày 4/7 theo giờ Việt Nam tăng 0,38% sau khi tuần trước mất 2,3%. Điều này đáng ngạc nhiên khi mà chứng khoán toàn cầu đã chạm mức thấp nhất trong 18 tháng vào tháng trước do lo lắng về lạm phát và lãi suất tăng, nhưng kể từ đó đã hồi phục nhẹ.
Cũng trong phiên vừa qua, chứng khoán Liên minh châu Âu và chỉ số chứng khoán của Anh đồng loạt tăng điểm nhờ lợi nhuận của các công ty dầu khí cao. Lúc kết thúc ngày 4/7 theo giờ Việt Nam, chứng khoán châu Âu tăng 0,8% so với đóng cửa phiên liền trước, trong khi chứng khoán Anh tăng hơn 1%, được thúc đẩy bởi lợi nhuận của các công ty dầu khí.
Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không tính Nhật Bản phiên vừa qua cũng tăng 0,34%. Các blue chip Trung Quốc kết thúc phiên tăng 0,7%, chủ yếu nhờ cổ phiếu của nhóm chăm sóc sức khỏe Trung Quốc tăng 4,65%. Các thành phố ở miền đông Trung Quốc đã thắt chặt các hạn chế chống COVID-19 từ Chủ nhật, 3/7, trong bối cảnh bùng phát một số ổ dịch mới. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản phiên vừa qua tăg 0,84%.
Tuy nhiên, chỉ số S&P 500 hợp đồng tương lai và Nasdaq kỳ hạn tương lai đã giảm lần lượt 0,4% và 0,5% trong ngày 4/7 cho thấy nỗi lo sợ của các nhà đầu tư về việc dữ liệu thị trường việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ có thể không như mong đợi.
Sebastien Galy, chiến lược gia vĩ mô cấp cao tại Nordea Asset Management cho biết: “Một số thị trường đang bắt đầu tìm được chỗ đứng của mình nhưng hiện tại có rất nhiều biến động.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin lùi xa mức 20.000 USD, trong phiên vừa qua có luc xuống sát 19.000 USD. Đồng tiền này kết thúc năm ở mức 19.956 USD.
Giá vàng trong phiên vừa qua giảm, theo đó vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 4/7 giảm 0,2% xuống 1.807,40 USD/ounce, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất trong 5 tháng, là 1.783,50 USD vào thứ Sáu; vàng giao tháng 8 cũng tăng 0,4% lên 1.809 USD,
Trong thời gian từ nay đến của tuần, các nhà đầu tư đang chờ Fed công bố biên bản cuộc họp tháng trước thứ Tư (6/7) và dữ liệu việc làm vào thứ Sáu (8/7).
Ngân hàng trung ương của Australia sẽ họp vào thứ Ba và các thị trường đã định giá lãi suất tăng 40 điểm cơ bản (bp).
Tham khảo: Refinitif
Nguồn: cafef.vn