Cổ phiếu HSG không nằm ngoài xu hướng giảm của ngành thép khi các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến nền tảng cơ bản thay đổi theo chiều hướng không thuận lợi.
HSG: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam
Xem hồ sơ doanh nghiệp
CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) vừa thông báo đã hoàn tất đợt chào bán hơn 4,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1% lượng cổ phiếu lưu hành) theo hình thức ESOP. Kết quả, công ty đã phân phối được 99,3% lượng cổ phiếu chào bán cho 124 người lao động. Trước đó, HSG đã phải nhiều lần kéo dài thời gian nộp tiền do “ế” dù mức giá chào bán thấp hơn đến 42% so với thị giá.
Một trong những nguyên nhân khiến HSG khó chào bán được lượng cổ phiếu ESOP xuất phát từ việc cổ phiếu trên thị trường liên tục dò đáy thời gian qua. Sau liên tiếp những nhịp giảm sâu, cổ phiếu này đã đánh mất toàn bộ thành quả tăng giá của cả năm 2021 trước đó và hiện vẫn loanh quanh vùng đáy dù có hồi nhẹ.
So với thời điểm đầu năm 2022, thị giá HSG đã giảm hơn một nửa xuống mức 17.150 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường tương ứng gần 8.500 tỷ, chỉ bằng 1/3 so với đỉnh đạt được hồi giữa tháng 10/2021 tức là mất hơn 16.000 tỷ đồng chỉ trong vòng 9 tháng.
Trong bối cảnh cổ phiếu không ngừng dò đáy, Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen – công ty của ông Lê Phước Vũ lại bất ngờ thoái toàn bộ 17,75 triệu cổ phiếu HSG. Giao dịch được thực hiện thông qua phương thức thoả thuận với mức giá bình quân 14.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền ước tính thu về hơn 250 tỷ đồng.
Đây không phải lần đầu tổ chức này bán ra lượng lớn cổ phiếu HSG. Trong giai đoạn từ ngày 25/11/2020 đến 2/1/2021, Đầu tư Hoa Sen cũng đã bán ra hơn 57 triệu cổ phiếu HSG. Thời điểm đó, cổ phiếu này đang trong đà tăng mạnh và không lâu sau cũng vượt đỉnh cũ chứ không miệt mài dò đáy như hiện nay.
Động thái thoái vốn lần này của Đầu tư Hoa Sen diễn ra khá bất ngờ khi ông Lê Phước Vũ mới hứa hẹn về bức tranh tươi sáng của HSG trong tương lai tại Đại hội đồng cổ đông niên độ tài chính 2021 – 2022 diễn ra hồi tháng 3.
“Trong 5 – 10 năm tới, công ty sẽ hình thành hệ thống Hoa Sen Home (phân phối vật liệu xây dựng và nội thất), đây là hệ thống bước ngoặt cho Tập đoàn, Hoa Sen không tập trung vào sản xuất, mà tập trung nguồn lực vào cái nào tạo ra giá trị lớn nhất, tiềm năng nhất. Khi phát triển hệ thống phân phối, doanh số từ hệ thống phân phối có thể đóng góp từ 40.000 – 50.000 tỷ đồng vào Tập đoàn” – ông Vũ nhấn mạnh.
Theo ông Vũ, khi chuỗi Hoa Sen Home thành công, định giá cổ phiếu HSG sẽ theo chuỗi bán lẻ với định giá P/E là 25 lần, không còn mức khoảng 4 – 5 lần như các công ty hoạt động trong lĩnh vực thép. Đặc biệt, chủ tịch Hoa Sen Group còn khẳng định, nếu điều hành tốt, giá cổ phiếu HSG có thể gấp nhiều lần so với thời điểm đó (38.000 đồng/cổ phiếu đóng cửa phiên 21/3/2022). Tuy nhiên, viễn cảnh này vẫn ở thì tương lai còn hiện tại quá trình dò đáy của HSG đã khiến không ít cổ đông mất kiên nhẫn.
Nhìn chung, cổ phiếu HSG không nằm ngoài xu hướng giảm của ngành thép khi các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến nền tảng cơ bản thay đổi theo chiều hướng không thuận lợi. Điển hình như giá thép đã điều chỉnh đáng kể trong những tháng gần đây do nhu cầu yếu. Giá thép xây dựng tại Việt Nam đã giảm khoảng 11% so với mức đỉnh vào tháng 3, trong khi giá thép HRC cũng giảm 25% so với mức đỉnh vào đầu tháng 4, theo diễn biến của giá thép thế giới.
SSI Research dự báo tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép sẽ giảm trong quý 2 và 3/2022 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức đáy trong giai đoạn 2018-2019 do ít áp lực từ việc tăng công suất ngành và tỷ lệ nợ ở mức an toàn hơn.
Với HSG, Bộ phận phân tích này dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 1.400 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ, mặc dù doanh thu vẫn ổn định do giá bán bình quân đã tăng trước đó. Sản lượng tiêu thụ sẽ giảm 12,7% xuống 1,96 triệu tấn, chủ yếu do sản lượng xuất khẩu giảm 26% so với mức đỉnh vào năm 2021, trong khi doanh số bán hàng trong nước có thể phục hồi 6% so với cùng kỳ.
Nguồn: cafef.vn