Đồng USD tăng 12% từ đầu năm đến nay làm dấy lên lo ngại trên toàn cầu, và chắc chắn điều này sẽ là chủ đề tranh luận của các nhà hoạch định chính sách nhóm G20 trong kỳ họp sẽ diễn ra vào ngày 15-16/7. Và tình hình sẽ càng thêm căng thẳng nếu USD ngang giá so với EUR lần đầu tiên trong vòng 20 năm.
Tình hình chính trị của Vương quốc Anh, các đợt phong tỏa chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc, kết quả kỳ họp của ngân hàng trung ương Mỹ cũng như thái độ “diều hâu” của họ cũng sẽ là tâm điểm theo dõi của thị trường trong tuần tới.
1 / USD tăng mạnh làm “tổn thương” khắp nơi trên thế giới
Đồng tiền chung châu Âu là nạn nhân mới nhất của việc USD tăng giá. Hiện đồng euro đang ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm, khoảng 1,016 USD, và có thể sớm giảm về mức ngang bằng với USD, do sức hút mạnh mẽ của đồng USD cũng như giá khí đốt tăng cao làm gia tăng nguy cơ suy thoái ở khu vực đồng euro.
Dữ liệu vào thứ Tư tuần tới (13/7), dự kiến cho thấy lạm phát của Mỹ tháng 6/2022 tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái và so với mức 8,6% của tháng 5/2022, có thể củng cố kỳ vọng của thị trường vào một đợt tăng lãi suất “khổng lồ” khác của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), để từ đó sẽ đẩy USD lên cao nữa.
Cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương G20, vào ngày 15-16 tháng 7 tại Bali, đang thu hút sự quan tâm của các nhà giao dịch. Các điều kiện tài chính thắt chặt đã khiến thị trường trở nên tồi tệ, và với việc đồng USD quá mạnh, một loại ‘chiến tranh tiền tệ ngược’ đang diễn ra, nơi các quốc gia thích tỷ giá hối đoái mạnh để giảm lạm phát.
2 / Kinh tế Anh lao đao
Việc Thủ tướng Anh Boris Johnson từ chức đồng nghĩa với việc nền kinh tế lớn thứ năm thế giới sẽ biến động hơn nữa khi đồng bảng Anh dao động gần mức thấp nhất trong hai năm và người Anh phải chịu đựng tình trạng chi phí sinh hoạt tốn kém nhất trong nhiều thập kỷ. Trong bối cảnh này, các nhà giao dịch lựa chọn việc “ngồi yên theo dõi” từ bên ngoài thị trường. Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi khi chính phủ mới công bố rõ ràng các ưu tiên trong chính sách và mục tiêu của mình.
Ông Nadhim Zahawi, Bộ trưởng Tài chính Anh vừa được bổ nhiệm chỉ vài ngày trước, có thể xem xét một số kế hoạch tăng thuế và có thể cắt giảm những kế hoạch khác. Tuy nhiên, trong khi việc “nới lỏng hầu bao” có thể hỗ trợ đồng bảng Anh, thì điều đó lại có thể làm tăng lạm phát, vốn đã vượt qua mức 11%.
Dữ liệu GDP của Anh có thể sẽ được công bố vào thứ Tư (13/7) – dự đoán sẽ cho thấy rõ về tình trạng tăng trưởng ảm đạm của nền kinh tế Anh.
3 / Kết quả kinh doanh của các ngân hàng trên Phố Wall không khả quan
Các ngân hàng Mỹ bắt đầu công bố mức thu nhập trong quý 2 và kết quả không khả quan. Rõ ràng tăng lãi suất là cần thiết, nhưng tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng đang chậm lại.
Theo ước tính của Refinitiv, thu nhập tổng thể của S&P 500 tăng 6% trong quý 2/2022 so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thu nhập tài chính ước tính sẽ giảm 20%. Phần lớn sự sụt giảm đó bắt nguồn từ triển vọng mức lỗ từ các khoản vay ngày càng trở nên tồi tệ hơn, khi lãi suất cao dần lên làm tăng rủi ro vỡ nợ của người đi vay.
Công ty môi giới Wedbush nhận định các khoản nhập từ thuế phí cũng có thể thấp do áp lực từ các khoản thế chấp và doanh thu từ thị trường vốn.
Morgan Stanley và JPMorgan sẽ công bố doanh thu vào thứ Năm tuần tới (14/7), tiếp đến là Citi, State Street và Wells Fargo vào ngày 15/7.
Nhìn chung, kết quả kinh doanh trong quý 2 sẽ làm sáng tỏ triển vọng về tỷ suất lợi nhuận, chi phí đầu vào và tuyển dụng. Do đó, thị trường đang “lắng nghe” những gì các ông chủ của công ty nói về một cuộc suy thoái tiềm ẩn.
4 / Chi phí của chính sách Zero Covid
Nhiều tuần sau khi dỡ bỏ các lệnh phong tỏa kéo dài suốt 2 tháng, hiện tại Trung Quốc lại đang chạy đua để ngăn chặn một làn sóng dịch Covid-19 mới bùng phát từ một phòng hát Karaoke ở Thượng Hải. Với việc số ca nhiễm Covid-19 mới đang bùng phát, quốc gia này đang tiến hành xét nghiệm hàng loạt, và đã bắt đầu một đợt giới hạn mới các hoạt động của người dân.
Chính sách Zero Covid của Trung Quốc mất bao nhiêu chi phí? Điều đó sẽ sáng tỏ qua dữ liệu GDP quý 2 của nước này công bố vào thứ Sáu (15/7).
Các nhà kinh tế cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP chính thức 5,5% của Trung Quốc là không khả thi, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn giữ nguyên các cam kết với chính sách Zero Covid, lựa chọn việc tốn kém chi phí kinh tế “tạm thời” thay vì gây nguy hiểm đến tính mạng của nhân dân.
Các nhà đầu tư đang rất quan ngại. Chứng khoán Thượng Hải đã kết thúc chuỗi 5 tuần tăng khi quay đầu giảm trong tuần qua, khi lo ngại về tăng trưởng đã đẩy giá quặng sắt xuống mức thấp nhất trong năm 2022.
5 / Nhiều ngân hàng nâng lãi suất thêm 1/2 điểm
Khi ngay cả các ngân hàng trung ương như Thụy Sĩ cũng tăng lãi suất thêm nửa phần trăm, Ngân hàng Hoàng gia Canada và Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) khó có thể lựa chọn động thái chỉ tăng 25 điểm cơ bản.
RBNZ đã tăng lãi suất 5 lần liên tục lên 2%. Với dự báo lãi suất sẽ tăng gấp đôi lên 4% trong năm tới, các nhà phân tích cho rằng ngân hàng này sẽ nâng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm nữa vào ngày 13 tháng 7.
Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Canada có thể tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lên 2,25%, sau khi tăng 50 điểm. Đó sẽ là bước “chuyển mình” lớn nhất kể từ năm 1998
Nhưng hãy lưu ý rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể bị chậm lại. Niềm tin kinh doanh của New Zealand đang xấu đi và thị trường nhà ở đang giảm dần. Trong khi đó, Canada được cho là có 35% khả năng suy thoái trong năm tới.
Tham khảo: Refinitiv
Nguồn: cafef.vn