Mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay được các ngân hàng dự báo có thể tăng nhẹ trong quý III và cả năm nay
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả cuộc điều tra Xu hướng kinh doanh quý III/2022 đối với toàn bộ tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, nhu cầu tổng thể của khách hàng đối với việc sử dụng dịch vụ ngân hàng trong quý II/2022 được các tổ chức tín dụng đánh giá ở mức khá cao, cải thiện mạnh hơn quý trước và tiếp tục duy trì đà phục hồi bền vững kể từ quý IV/2021. Diễn biến này trái ngược với xu hướng phổ biến là giảm tốc trong 3 quý đầu các năm từ 2018-2021.
Nhu cầu vay vốn, dịch vụ thanh toán và thẻ đều được nhận định cải thiện mạnh hơn quý trước, chỉ riêng nhu cầu gửi tiền được nhận định tăng với tốc độ chậm lại trong quý II/2022. Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng tiếp tục tăng trong quý III/2022 và cả năm nay, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng tăng nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Thực tế này cũng khiến các tổ chức tín dụng dự báo huy động vốn toàn hệ thống cả năm chỉ tăng khoảng 11,5%, trong khi dư nợ tín dụng được kỳ vọng tăng tới 15% trong năm nay. Đáng chú ý, mặt bằng lãi suất cho vay – tiền gửi được các ngân hàng dự báo có thể tăng nhẹ trong quý III/2022 và năm 2022 trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng và xu hướng tăng lãi suất phổ biến trên thế giới.
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Người Lao Động, lãi suất huy động đã tăng đáng kể ở nhiều ngân hàng thương mại, trong đó có ngân hàng điều chỉnh tăng khoảng 1 điểm % năm – mức tăng khá cao ở một số kỳ hạn. Đồng thời, khách hàng cũng phản ánh lãi suất cho vay đã nhích lên, trong đó tăng mạnh nhất là lãi suất cho vay mua nhà đối với khách hàng cá nhân tại một số ngân hàng đang áp dụng hiện lên tới 11%-12%/năm, khá cao so với trước đây.
Vì sao lãi suất “dậy sóng”? Trong báo cáo kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm, TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, đã phân tích trong nửa đầu năm, lãi suất huy động của các ngân hàng có xu hướng tăng với mức 0,5-1 điểm % chủ yếu ở các kỳ hạn từ 6-12 tháng. Nguyên nhân là do thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng không còn dồi dào như năm 2021, nhu cầu tín dụng tăng cao, khi tăng trưởng tín dụng hết tháng 6 đạt khoảng 8,5%, cao hơn nhiều so với mức 6,44% cùng kỳ năm 2021, trong khi huy động vốn chỉ tăng gần 4% so với cùng kỳ… đã kéo theo nhu cầu vốn tăng.
Công ty chứng khoán SSI cũng nhận định trong nửa cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và trong điều kiện phù hợp sẽ thông qua việc nới trần tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Thực tế, hiện nhiều ngân hàng đã cạn hạn mức tín dụng (room tín dụng) nên không thể giải ngân mới mà phải chờ nới room.
Sự kiện:
Dịch chuyển dòng tiền
Xem tất cả >>
- Trung bình mỗi tài khoản thanh toán của người dân hiện có bao nhiêu tiền?
- Cuộc đua lãi suất huy động vì sao vẫn chưa hạ nhiệt?
- Vì sao lãi suất tiền gửi “dậy sóng”?
- Lượng lớn trái phiếu đáo hạn và tín dụng bị kiểm soát, doanh nghiệp BĐS xoay sở dòng tiền trả nợ như thế nào?
- Lãi suất huy động tăng, người dân đua nhau gửi tiền ngân hàng
Nguồn: cafef.vn