Trong tháng 6, TLG của Tập đoàn Thiên Long có hiệu suất tốt nhất danh mục của Pyn Elite Fund với mức tăng 20,2% trong khi NLG là cái tên tệ nhất với mức giảm đến 25%.
Pyn Elite Fund đã công bố báo cáo hoạt động tháng 6 với hiệu suất âm 7,94% qua đó ghi nhận chuỗi 5 tháng liên tiếp thua lỗ, tệ nhất kể từ giai đoạn tháng 10/2019 đến tháng 3/2020. Tính chung 6 tháng đầu năm, hiệu suất của quỹ ngoại đến từ Phần Lan đã âm hơn 20% tương đương với mức giảm của VN-Index trong cùng thời kỳ.
Theo Pyn Elite, VN-Index giảm 7,4% trong tháng 6 do hiệu suất thấp của nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép và cổ phiếu bất động sản. Sau 6 tháng, VN-Index giảm khoảng 20% trong khi các MSCI’s All-Country World Index giảm 21% và Nasdaq giảm 30% so với đầu năm. Thanh khoản giao dịch của HoSE đã giảm trong bốn tháng liên tiếp, xuống 620 triệu USD từ hơn 1 tỷ USD hồi tháng 3. Các nhà đầu tư trở nên thận trọng khi các Ngân hàng Trung ương trên khắp thế giới thắt chặt chính sách của họ để ngăn chặn lạm phát gia tăng.
Mặt khác, thị trường trái phiếu sơ cấp ấm lên với một công ty đại chúng và 34 công ty tư nhân trong các đợt phát hành trái phiếu tháng 5. Nhóm ngân hàng đã phát hành gần 15.000 tỷ đồng, chiếm 60,7% tổng giá trị trái phiếu. Theo sau là các nhà phát triển bất động sản với 7.000 tỷ đồng, chiếm 28,5%.
Về tình hình vĩ mô, kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ trong quý 2 với GDP tăng trưởng 7,7% cao nhất trong cùng quý giai đoạn 2011-2021. Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng trưởng 8,9% và dịch vụ tăng trưởng 8,6%. Các phân khúc tăng trưởng hàng đầu trong ngành dịch vụ gồm thực phẩm và lưu trú (+26%), giải trí (+14%), hậu cần (+9,4%). CPI tháng 6 tăng 0,7% so với tháng trước tuy nhiên lạm phát nửa đầu năm vẫn nằm trong dự báo ở mức 2,4%.
Tính tới cuối tháng 6/2022, quy mô danh mục Pyn Elite Fund đạt gần 441 triệu Euro (~10.500 tỷ đồng). Top 10 cổ phiếu lớn nhất danh mục của quỹ ngoại này không thay đổi so với tháng trước vẫn gồm những cái tên quen thuộc như VHM (18%), CTG (16,9%), VEA (9,9%), VRE (9,5%), TPB (9%),…
Trong tháng 6, TLG của Tập đoàn Thiên Long là cổ phiếu có hiệu suất tốt nhất danh mục của Pyn Elite với mức tăng 15,8%. Chiều ngược lại, NLG là cái tên tệ nhất danh mục trong tháng 6 với mức giảm đến 25%. Theo sau là 2 cổ phiếu ngân hàng TPB (-16,1%), MBB (-12,8%) trong đó riêng MBB đã có tháng thứ 2 liên tiếp nằm trong top các cổ phiếu tệ nhất danh mục của quỹ.
Trong báo cáo, Pyn Elite đánh giá cao triển vọng tăng trưởng dài hạn của ACV nhờ (1) Nhà ga số 3 tại Tân Sơn Nhất (công suất 20 triệu hành khách mỗi năm) sẽ khởi công xây dựng trong năm nay; (2) Sân bay Long Thành (100 triệu lượt khách/năm) dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025; (3) Việt Nam hiện đã mở cửa cho thị trường du lịch quốc tế và nội địa phục hồi nhanh chóng.
ACV hiện là nhà khai thác cảng hàng không lớn nhất Việt Nam, quản lý 22 sân bay trên toàn quốc. Tổng công ty đặt kế hoạch năm 2022 doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng trưởng lần lượt 17% và 59% so với thực hiện năm ngoái.
Nguồn: cafef.vn