Trung bình mỗi tài khoản thanh toán của người dân hiện có bao nhiêu tiền?

Trung bình mỗi tài khoản thanh toán của người dân hiện có bao nhiêu tiền?

Khách hàng giao dịch tại Sacombank (ảnh minh họa)

Số dư tiền gửi thanh toán cá nhân có xu hướng tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022 trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đã bớt “nóng”, mặt bằng lãi suất tăng mạnh.

Theo số liệu được công bố từ NHNN, đầu năm 2022 số dư tiền gửi tài khoản thanh toán cá nhân của người dân tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng mạnh. Cụ thể, dữ liệu cập nhật đến hết quý 1/2022 toàn hệ thống có 118,645 triệu tài khoản thanh toán thuộc sở hữu của khách hàng cá nhân, tăng thêm khoảng 3% từ mốc 115,191 triệu tài khoản cuối quý 4 năm ngoái.

Trong khi đó, số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán đã chính thức vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tăng gần 103.600 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 11% so với quý liền trước đó. Còn nếu so với cùng kỳ năm 2021, số dư tiền gửi đã tăng hơn 40%, tăng ròng gần 300.000 tỷ đồng trong vòng 1 năm.

Tại hội thảo “Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt do NHNN, Báo Tuổi Trẻ và Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức mới đây, số liệu NHNN công bố cho thấy hiện nay có khoảng 68% tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán. Như vậy, nếu tính bình quân đầu người, trung bình mỗi khách hàng cá nhân đang có khoảng 20,1 triệu đồng trong các tài khoản ngân hàng.

Tiền gửi thanh toán ngày càng tăng mạnh chủ yếu do công nghệ thanh toán càng phát triển. Theo NHNN xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt của người dân đã tăng mạnh thời gian qua. Thống kê gần nhất, đến tháng 4 năm nay, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng; 267,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76% qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR Code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xu hướng gia tăng tiền trong tài khoản của người dân, theo giới chuyên gia, một phần do dòng tiền đang có dấu hiệu chuyển hướng về hệ thống ngân hàng trong bối cảnh các kênh đầu tư khác “nguội” dần. Thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay cũng có những dấu hiệu của sự điều chỉnh, chỉ số VN-Index đã giảm từ mức đỉnh 1.536 điểm từ tháng 1 về mốc 1.149 điểm ở thời điểm hiện tại. Đặc biệt trong giai đoạn chấn chỉnh, xử lí các vụ sai phạm, thị trường chứng khoán càng có xu hướng rớt điểm. Cổ phiếu cũng vì thế mà không còn quá hấp dẫn như trước với các dòng tiền đầu cơ và cũng có thêm những nhà đầu tư rời bỏ thị trường.

Thị trường trái phiếu, bất động sản sau một thời gian tăng nóng và sự việc của một số doanh nghiệp cũng khiến việc đầu tư vào các tài sản này không còn dễ dàng như trước bởi sự nâng cấp quản lý chặt chẽ của các cơ quan chính quyền với sản phẩm trái phiếu, bất động sản. Điều này làm góp phần thúc đẩy xu hướng nhà đầu tư rút tiền về tài khoản ngân hàng.

Mặt khác, thời gian qua, trước áp lực của lạm phát, rất nhiều ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất khiến cho mặt bằng lãi suất liên tục tăng. Tính từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã tăng 1-2%/năm và xu hướng tăng chưa dừng lại trong nửa sau năm 2022, theo dự báo của các chuyên gia.

Tuy tiền gửi ở tài khoản thanh toán trên là những khoản tiền gửi không kỳ hạn, và thông thường chỉ được hưởng mức lãi suất 0,1-0,3%, nhưng đây đã là quý thứ 8 liên tiếp số dư tiền gửi thanh toán cá nhân ghi nhận tăng trưởng dương, và lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu tỷ đồng. Số dư tiền gửi này đã tăng liên tục từ quý 1/2020 đến nay, nhưng mức tăng bình quân hàng quý trước đó chỉ dưới 10%.

Sự kiện:
Dịch chuyển dòng tiền

Xem tất cả >>

  • Trung bình mỗi tài khoản thanh toán của người dân hiện có bao nhiêu tiền?
  • Cuộc đua lãi suất huy động vì sao vẫn chưa hạ nhiệt?
  • Vì sao lãi suất tiền gửi “dậy sóng”?
  • Lượng lớn trái phiếu đáo hạn và tín dụng bị kiểm soát, doanh nghiệp BĐS xoay sở dòng tiền trả nợ như thế nào?
  • Lãi suất huy động tăng, người dân đua nhau gửi tiền ngân hàng

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: