Cổ phiếu ILC đã có 6 phiên tăng điểm liên tiếp từ đầu tháng 7 đến nay, trong đó có 5 phiên tăng trần. Hiện thị giá mã này đạt 11.200 đồng/cp, tăng 80,6% sau 2 tuần. Thanh khoản cổ phiếu thấp, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên khoảng 2.090 đơn vị.
Đóng cửa phiên 11/7, cổ phiếu ILC của Hợp tác lao động với nước ngoài ( UPCoM:ILC ) đứng tại mức giá tham chiếu, chấm dứt chuỗi 6 phiên đóng cửa tăng điểm liên tiếp trong đó có 5 phiên tăng trần. Trước đó, cổ phiếu này có phiên đóng cửa tăng trần ngày 28/6, tức tăng gần 81% sau 2 tuần lên 11.200 đồng/cp. Thanh khoản cổ phiếu thấp, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên khoảng 2.090 đơn vị.
Hợp tác lao động với nước ngoài được hình thành trên cơ sở cổ phần hóa công ty Hợp tác lao động với nước ngoài, đơn vị thành viên của Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam vào tháng 1/1999. Đơn vị hoạt động trong lĩnh vực môi giới, đại lý và trực tiếp xuất khẩu lao động, vận tải biển trong nước và nước ngoài kết hợp với đào tạo thuyền viên. Vốn điều lệ doanh nghiệp đạt hơn 61 tỷ đồng. Trong cơ cấu cổ đông, Thành viên HĐQT Trịnh Thị Nga sở hữu nhiều cổ phần nhất với 24,97% vốn điều lệ, tương đương hơn 1,5 triệu cổ phiếu ILC.
Năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất tăng 36,8% lên 183,4 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập từ cho thuê thuyền viên chiếm phần lớn cơ cấu doanh thu với 160,2 tỷ đồng, tăng 38,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 12,9 tỷ đồng, tăng 38,7%. Lãi cơ bản trên cổ phiếu 2.114 đồng, cùng kỳ 1.531 đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2021, quy mô tài sản tăng 128,2% lên 102,7 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn chiếm 88,9% tương đương 91,3 tỷ đồng.
Tiền và các khoản tương đương tiền giảm 31% xuống 12,9 tỷ đồng, bởi đơn vị cắt giảm lượng tiền gửi ngân hàng từ 11,4 tỷ đồng xuống 9,6 tỷ đồng, và các khoản tiền gửi tương đương tiền (khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại SHB – chi nhánh Hải Phòng, lãi suất 3,2%/năm) từ 7 tỷ đồng còn 3 tỷ đồng.
Đầu tư tài chính ngắn hạn, là các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng tại ngân hàng với lãi suất từ 4,7% đến 6,25%/năm, tăng từ 4 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng. Nguyên nhân biến động là do đơn vị phát sinh 30 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng OCB – chi nhánh Hải Phòng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là 5 hợp đồng tiền gửi tại đây có giá trị 10 tỷ đồng.
Trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn gấp 2,7 lần lên 26,8 tỷ đồng, chủ yếu bởi trong kỳ phát sinh 11 tỷ đồng khoản trả trước ngắn hạn cho Đầu tư Xây dựng Thương mại và vận tải Đức Nhân. Đây là khoản tạm ứng tiền mua vật liệu san lấp trong quá trình giải phóng mặt bằng thực hiện dự án khu trụ sở văn phòng, nhà cán bộ công nhân viên và khu kinh doanh dịch vụ tổng hợp tại xã Thống Nhất, TP Hạ Long.
Về nguồn vốn, tổng nợ vay tài chính đạt hơn 45,6 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ hơn 6,2 tỷ đồng. Riêng khoản vay ngắn hạn tăng từ 35,3 triệu đồng lên hơn 39,5 tỷ đồng do đơn vị phát sinh 30 tỷ đồng vay tại Agribank – chi nhánh Đông Hải Phòng, và 9,5 tỷ đồng tại OCB – chi nhánh Hải Phòng. Còn khoản vay dài hạn đi ngang so với đầu năm với mức 6,1 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2021 là âm 80,2 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần gần 47,2 tỷ đồng và vốn góp chủ sở hữu 61 tỷ đồng.
Nguồn: cafef.vn