Lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm nay có lẽ không đến nhiều từ hệ sinh thái chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản như vẫn thường thấy…
Lợi nhuận tăng mạnh
Một nửa quãng đường năm tài chính 2022 đã đi qua, những ngân hàng thương mại (NHTM) đầu tiên đã bắt đầu công bố kết quả kinh doanh 6 tháng. Dù mới chỉ là những con số sơ bộ nhưng cũng cho thấy những tín hiệu khả quan.
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 tổ chức mới đây, ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc MB cho biết, 6 tháng đầu năm, doanh thu toàn tập đoàn xấp xỉ 29,9 nghìn tỷ đồng với lợi nhuận 11,92 nghìn tỷ đồng, tăng 49% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước.
Lãnh đạo Eximbank thì cho biết, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của ngân hàng ước đạt khoảng 1.800 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm trước. Nếu tính riêng lợi nhuận trước thuế trong quý 2/2022, Eximbank dự kiến tăng gấp 3 lần cùng kỳ.
Tại SeABank, 6 tháng đầu năm ghi nhận nhận lợi nhuận trước thuế 2.806 tỷ đồng, tăng trưởng tới 180% so với con số đạt được cùng kỳ năm 2021, theo công bố mới nhất của ngân hàng.
Tương tự, TPBank gặt hái kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm khả quan với lợi nhuận trước thuế đạt gần 3.800 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ. Riêng trong quý 2, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 2.200 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với kết quả của quý 1 và cao hơn 73% so với cùng kỳ năm 2021.
Chưa có con số cụ thể, nhưng ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho hay, 5 tháng đầu năm nay, tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng đạt khoảng 30%. Tín dụng phục hồi mạnh mẽ trong khi huy động tiền gửi không kỳ hạn tiếp tục tăng ấn tượng là những yếu tố giúp ngân hàng đạt mức tăng trưởng trên.
Lấy lượng bù chất, tín dụng tăng cao kỷ lục
Trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn sau thời gian “chấn thương” do đại dịch, ngành ngân hàng vẫn ghi nhận những con số lợi nhuận khả quan.
Những con số trên có lẽ không đến nhiều từ hệ sinh thái chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản như vẫn thường thấy, khi những mảng này đang gặp khó khăn, những biến cố lớn và bị xáo trộn rồi co cụm lại nửa đầu năm nay.
Thay vào đó, các ngân hàng tập trung nâng cao khối lượng cho vay đề bù lại và cân đối nguồn thu. Điều này càng thể hiện rõ ràng hơn khi nhiều thành viên đã gần dùng hết “room” tín dụng, dù mới chỉ đi hết một nửa quãng đường.
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, chỉ trong 4 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng đã đạt 9% trong khi mức tín dụng được cấp cho cả năm là 10%.
Tương tự, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc ngân hàng MB cho biết, đến cuối tháng 4, tín dụng của ngân hàng đã tăng tới hơn 14%, gần chạm chỉ tiêu 15% mà ngân hàng này được cấp hồi đầu năm.
Ngân hàng ACB cũng đạt mức tăng trưởng tín dụng 8% sau 4 tháng đầu năm 2022, dù chỉ tiêu được cấp là 10%.
Tại Eximbank, ngân hàng này đã “dùng” hết 7% trong tổng chỉ tiêu tăng trưởng 10% được cấp sau 6 tháng.
Để có cái nhìn bao quát hơn, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, đến 20/6, tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế đã đạt 8,51%, cao hơn nhiều so với con số cùng kỳ năm trước là 5,47%.
Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong hơn 10 năm qua, tính đến kỳ công bố 20/6 hàng năm của Tổng cục Thống kê và cũng cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng trung bình 5% trong giai đoạn này.
Còn theo số liệu mới cập nhật từ NHNN, tính đến ngày 30/6, và so với cuối năm 2021, tín dụng đã tăng 9,35% (so với mức 6,47% vào 2021).
Như vậy, so với số liệu được công bố tính đến 20/6, chỉ trong 10 ngày, hơn 87 nghìn tỷ đồng đã được bơm mới vào thị trường, cao hơn cả tổng lượng tín dụng đã được bơm vào thị trường trong 2 tháng đầu năm 2021 (60,5 nghìn tỷ đồng).
Tín dụng được bơm ra nhanh cũng đồng nghĩa với việc “cỗ máy” tạo ra 80% – 90% lợi nhuận của các ngân hàng đã được mở rộng rất mạnh ngay từ nửa đầu năm.
Điều này trở nên khá “bất thường”, khi trong lịch sử nhiều năm của hệ thống, tăng trưởng tín dụng thường rất thấp và thậm chí âm những tháng đầu năm.
Nhưng, như trên, tình hình đã đảo ngược hoàn toàn và nền tạo lợi nhuận cho ngân hàng được đôn cao hẳn ngay nửa đầu năm nay.
Hay nói cách khác, các ngân hàng đã dùng phần lớn “tài nguyên” cho lợi nhuận của cả năm ngay trong 6 tháng đầu năm nay. Đây điểm khác biệt đáng chú ý nhất với tình hình lợi nhuận các thành viên trong kỳ công bố này.
Nguồn: cafef.vn