Khoản vay hợp vốn với giá trị kỷ lục 1 tỷ USD vừa được Techcombank, một trong những ngân hàng nổi bật nhất tại Việt Nam huy động thành công, đã hé lộ nhiều điều về kỳ vọng của các nhà đầu tư đối với nhà băng này cũng như đối với thị trường Việt Nam.
Việt Nam đang “làm tốt một cách đáng kinh ngạc”
Techcombank đã tạo dựng được những dấu ấn đáng chú ý trong thời gian gần đây. Vào tháng Tư vừa qua, Techcombank, đã tổ chức Đại hội Cổ đông thường niên để thông báo về tình hình kinh doanh năm 2021. Theo đó, ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tăng 47.1% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 23,2 nghìn tỷ và trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam vượt mốc lợi nhuận 1 tỷ USD.
Sau đó, vào tháng Sáu, nhà băng này thiết lập một cột mốc mới về huy động vốn với khoản vay hợp vốn trị giá 1 tỷ USD có thời hạn 3 – 5 năm. Đây cũng là khoản vay hợp vốn trung – dài hạn có giá trị lớn nhất từng được một định chế tài chính Việt Nam huy động thành công.
Euromoney đã có buổi phỏng vấn nhanh với CEO Jens Lottner vào thời điểm Techcombank chốt khoản vay nói trên. Ban đầu, khoản huy động này được bảo lãnh bởi Standard Chartered và UOB, sau đó có sự tham gia của ANZ, HSBC và SMBC với vai trò là các ngân hàng được chỉ định thu xếp vốn chính, ngân hàng bảo lãnh và ngân hàng dựng sổ. Thương vụ này được xem như một tuyên bố về thành công của Việt Nam cũng như Techcombank, và thể hiện cảm nhận về khẩu vị nhà đầu tư trong giai đoạn triển vọng kinh tế toàn cầu đầy biến động.
Các ngân hàng “cơ bản đều nhận định rằng vay hợp vốn là một thị trường tương đối nhiều thách thức”, ông Lottner chia sẻ, dù Techcombank đã có kinh nghiệm từ hai lần huy động vốn từ thị trường quốc tế trước đó với giá trị các khoản vay lần lượt là 500 triệu USD năm 2020 và 800 triệu USD năm ngoái. “Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đang cố gắng tiếp cận thị trường Việt Nam. Ngay cả khi Việt Nam chưa phải là thị trường đầu tư có thứ hạng cao, nhưng nếu chúng tôi là một tổ chức đi vay uy tín, thì các nhà đầu tư vẫn sẽ quan tâm và tin tưởng”, ông Jens cho hay.
“Tại Việt Nam, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng là rất lớn và có rất nhiều kế hoạch xây dựng các khu công nghiệp mới”, ông Lottner nhận định. Tình hình phong tỏa kéo dài tại Trung Quốc, thêm vào đó là căng thẳng địa chính trị Mĩ – Trung đã khiến nhiều doanh nghiệp mong muốn phát triển dây chuyền sản xuất tại Việt Nam. “Tuy nhiên, quỹ đất ở thời điểm hiện tại thực sự rất khan hiếm”, ông Lottner chia sẻ. “Nhu cầu lớn nhưng nguồn cung đang bị hạn chế”.
Techcombank xác lập tiêu chuẩn mới
Ông Lottner cũng chia sẻ về khát vọng chuyển đổi của Techcombank qua việc đầu tư vào ba trụ cột – dữ liệu, số hóa, nhân tài và thành lập một bộ phận chuyên về dữ liệu và phân tích vào tháng 10 năm 2020. Vào thời điểm ông Lottner gia nhập, nhà băng này có khoảng 400 đến 500 nhân sự trong mảng công nghệ, và ông kỳ vọng đến cuối năm nay, con số này sẽ tăng lên 1400 người. Techcombank từng không có nhân sự nào chuyên về dữ liệu, và đặt mục tiêu thu hút từ 150 đến 200 nhân sự cho mảng này. “Ở thời điểm hiện tại, 15% nguồn nhân lực của chúng tôi đang phụ trách các công việc liên quan đến công nghệ và dữ liệu”, ông Lottner cho biết. “Tôi nghĩ chúng tôi cần tăng tỷ lệ này lên 20 đến 25% để hiện thực hóa các mục tiêu trong tương lai”.
Trên thực tế, Techcombank đã triển khai ứng dụng mới, dịch chuyển hầu hết dữ liệu lên đám mây (cloud) cũng như đảm bảo các công cụ/thiết bị đầu cuối (front-end) đã sẵn sàng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đạt được những bước tiến lớn trong các lĩnh vực thường thấy khác của ngành ngân hàng: biên lợi nhuận thuần ở mức tốt nhờ nỗ lực phối hợp nhằm giảm chi phí huy động vốn; tỷ lệ CASA vượt mốc 50% trong quý 4/2021 và được duy trì trong quý 1/2022 ở mức 50.4% bất chấp áp lực cạnh tranh ngày một lớn; thu nhập từ phí, đặc biệt từ hoạt động bán bảo hiểm tăng mạnh.
“Tài giỏi hay may mắn?”
Hành trình đến với Techcombank của ông Lottner khá thú vị. Từng làm việc cho McKinsey, ông Lottner luôn ghi nhớ câu hỏi kinh điển trong bài kiểm tra về cách tiếp cận chiến lược cho các nhà tư vấn quản trị. Sau đó, ông nắm giữ nhiều chức vụ tại Siam Commercial Bank Thái Lan – một tổ chức tài chính có thế mạnh về cải tiến công nghệ trong khu vực.
Khi được hỏi ông học được gì trong thời gian làm việc tại Thái Lan và mang tới Việt Nam, ông Lottner đưa ra một vài ví dụ. “Hãy tính toán thật kỹ ngay từ đầu vì ta không có nhiều tiền để lãng phí vào các sai lầm”, ông nói. Một câu hỏi tranh luận thường thấy là liệu ngân hàng có thể chuyển đổi từ bên trong hay cần tới các start-up từ bên ngoài. Câu trả lời cho từng thị trường sẽ khác nhau, “nhưng điều quan trọng là phải đặt ra mục tiêu và kiên trì với mục tiêu đó”.
Techcombank đang đứng trước nhiều thời cơ, nhưng ông Lottner dự đoán áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng lớn. Ông cho rằng khá khó hiểu khi các ngân hàng hàng đầu khu vực chưa có nhiều động thái đẩy mạnh hoạt động tại thị trường Việt Nam. Một số ngân hàng còn e ngại tiến vào thị trường Việt Nam có lẽ do họ chưa nhìn thấy một hướng đi thật rõ ràng cho việc giành được quyền kiểm soát tại thị trường này. Đó cũng có thể là lý do tại sao các quỹ đầu tư như Warburg Pincus và GIC – vốn được biết đến là hai bên rót vốn lớn của Techcombank – chọn cách tiếp cận thị trường này qua các ngân hàng trong nước.
“Tôi dự đoán áp lực cạnh tranh sẽ lớn dần trong tương lai”, ông Lottner chia sẻ.
Nguồn: cafef.vn