Đây là số liệu được Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ tại Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó, số dư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là 18.304 tỷ đồng.
Trình bày tại Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, các tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia thị trường BĐS với vai trò cho vay đối với các chủ thể tham gia thị trường BĐS, trực tiếp mua trái phiếu của doanh nghiệp kinh doanh BĐS, bảo lãnh cho các chủ thể trên thị trường và trong một số trường hợp có thể trực tiếp mua, nắm giữ BĐS.
Với vai trò bảo lãnh, TCTD thực hiện cấp bảo lãnh cho các chủ thể tham gia thị trường như bảo lãnh vay vốn, bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thanh toán…
Ngoài ra, theo Luật Kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng. Do đó, tổ chức tín dụng tham gia thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.
Theo Thống đốc, đến 31/5/2022, số dư bảo lãnh là 685.495 tỷ đồng; trong đó, số dư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là 18.304 tỷ đồng, tăng 5,96% so với cuối năm 2021.
Với vai trò cho vay đối với các chủ thể tham gia trên thị trường: Đến thời điểm 31/05/2022, dư nợ tín dụng của các ngân hàng đối với lĩnh vực BĐS là 2,33 triệu tỷ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm ngoái, đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, chiếm tỷ trọng 20,66% tổng dư nợ tín dụng chung đối với nền kinh tế.
Trong số 2,33 triệu tỷ đồng dư nợ, tín dụng lĩnh vực BĐS tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng (1,55 triệu tỷ đồng, tăng 14,41%, chiếm tỷ trọng 66,3%), dư nợ tín dụng với mục đích kinh doanh BĐS là hơn 786 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4% so với cuối năm ngoái và chiếm tỷ trọng 33,7% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS.
Ngoài việc thực hiện cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS từ nguồn vốn huy động của người gửi tiền, trong những năm qua, hệ thống các tổ chức tín dụng còn thực hiện một số chương trình, tín dụng về nhà ở theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được áp dụng các quy định đặc thù về đối tượng, điều kiện vay vốn, lãi suất như:
Đối với chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP từ năm 2013. Chương trình đã hoàn thành việc giải ngân vào cuối năm 2016 với doanh số là 29.679 tỷ đồng tạo điều kiện cho hơn 53.000 đối tượng gặp khó khăn có điều kiện tiếp cận về nhà ở. Hiện nay, Chương trình đang ở giai đoạn thu nợ, nợ tái cấp vốn được thu đầy đủ, đúng hạn. Đến ngày 30/06/2022, Chương trình đã thu nợ lũy kế là 22.486 tỷ đồng; dư nợ cho vay còn lại là 7.189 tỷ đồng.
Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP: Hiện nay, ngân sách bố trí vốn cho NHCSXH để cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP giai đoạn 2016-2020 là 2.163,22 tỷ đồng. Năm 2021, ngân sách bố trí thêm 1.000 tỷ đồng cho NHCSXH. Đồng thời, tại Nghị quyết 11/NQ-CP, NHCSXH được bố trí thêm 15.000 tỷ đồng để cho vay theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Đến ngày 31/05/2022, NHCSXH đã giải ngân được 8.223 tỷ đồng và dư nợ là 7.036 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại được chỉ định (bao gồm Vietinbank, Agribank, BIDV và Vietcombank) chưa triển khai cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP do chưa bố trí được ngân sách nhà nước triển khai chương trình này.
Các chương trình cho vay về nhà ở đối với các đối tượng chính sách: Đến ngày 31/05/2022, dư nợ cho vay tại NHCSXH của các chương trình cho vay về nhà ở đối với các đối tượng chính sách là 3.131 tỷ đồng với hơn 129 nghìn khách hàng còn dư nợ.
Với vai trò trực tiếp mua trái phiếu của doanh nghiệp kinh doanh BĐS: Số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của toàn hệ thống là 309.506 tỷ đồng, tăng 12,7%.
Chia sẻ thêm về việc tổ chức tín dụng với vai trò đầu tư trái phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, Thống đốc cho rằng, theo quy định pháp luật hiện hành, tổ chức tín dụng được trực tiếp mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có trái phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Đến cuối tháng 5/2022, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của toàn hệ thống là 309.506 tỷ đồng. Trong đó, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản của toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 154.050 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 49,8% so với tổng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của toàn hệ thống.
Với vai trò trực tiếp mua và nắm giữ bất động sản: Theo quy định của Luật Các TCTD, các TCTD không được kinh doanh BĐS, trừ một số trường hợp: (i) Mua, đầu tư, sở hữu BĐS để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của TCTD; (ii) Cho thuê một phần trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết, thuộc sở hữu của TCTD; (iii) Nắm giữ BĐS do việc xử lý nợ vay. Tuy nhiên, khi nắm giữ thế này các TCTD vẫn phải bán đi để đảm bảo quy định của pháp luật về nắm giữ BĐS.
Nguồn: cafef.vn