Đồng euro mất giá mạnh so với USD, xuống ngưỡng thấp nhất 20 năm. Theo Bộ Công Thương, trong ngắn hạn, việc đồng euro mất giá có thể ảnh hưởng nhất định đến một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam có hợp đồng thanh toán bằng đồng euro.
Trong báo cáo vừa công bố, các chuyên gia phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế – Ngân hàng MSB cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 15/7, đồng euro đã giảm tới hơn 11% so với đồng USD, xuống mức gần tương đương USD.
Chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới sự suy yếu của đồng euro là những quan ngại về nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, đặc biệt khi đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 (Nord Stream 1) đưa khí đốt từ Nga tới châu Âu bắt đầu tạm ngừng vận hành từ ngày 11/7 để bảo trì định kỳ.
Bối cảnh đó đặt NHTW Châu Âu ECB vào tình thế khó khăn khi vừa phải nỗ lực kiềm chế lạm phát, vừa phải nâng đỡ nền kinh tế đang trên đà giảm tốc, với kế hoạch tăng lãi suất đi vay lần đầu tiên kể từ năm 2011.
Theo Bộ Công Thương, trong ngắn hạn, việc đồng euro mất giá có thể ảnh hưởng nhất định đến một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam có hợp đồng thanh toán bằng đồng euro.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, cùng một lượng euro thu về số tiền quy đổi ra nội tệ ít hơn nên sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia, tỷ trọng sử dụng đồng euro để thanh toán với các doanh nghiệp thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam hiện mới ở mức từ 5-7%; trong khi sử dụng USD chiếm từ 65-70%.
Hiện chỉ có khoảng 15 – 20% doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam ký hợp đồng thanh toán bằng euro, còn lại chủ yếu bằng USD nên thiệt hại được giảm thiểu đáng kể.
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ EU chi phí sẽ rẻ hơn nên việc nhập khẩu sẽ có lợi hơn. Mặc dù kim ngạch nhập khẩu từ khu vực này là không lớn, nhưng lại là các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đặc biệt là máy móc, thiết bị và một số vật tư mang tính chiến lược nên có thể coi đây là tín hiệu tích cực.
Về lâu dài, việc đồng nội tệ yếu kéo lạm phát lên cao tại EU, hàng hoá nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Sức mua yếu làm người tiêu dùng EU có thể hạn chế chi tiêu, nhất là với các mặt hàng không thiết yếu. Điều này có thể làm giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các thị trường, trong đó, có Việt Nam.
Một khó khăn nữa là về giá cả sản xuất. Hiện nay, do thiếu nhân công, đa số doanh nghiệp phải tăng lương để tuyển dụng; chi phí nhập khẩu nguyên phụ liệu tăng cao, tình trạng khan hiếm hàng do Trung Quốc thực hiện chính sách “zero COVID,” chi phí logistics tăng…cũng đẩy chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng 15-20%.
Do đó, giá sản phẩm Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu ở nhiều ngành hàng có thể trở nên cao hơn, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam ở thị trường này. Châu Âu là thị trường nhập khẩu đứng thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Mỹ, việc này có khả năng làm giảm kim ngạch xuất khẩu nói chung của Việt Nam.
Thảo luận về một số ngành hàng cụ thể giao thương giữa Việt Nam và Châu Âu, Bộ Công Thương cho biết, ngành dệt may, da giày Việt Nam có tỷ lệ xuất khẩu lớn vào thị trường châu Âu, nhưng thực tế không bị ảnh hưởng nhiều khi đồng euro mất giá vì hầu hết các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu sang thị trường châu Âu chủ yếu giao dịch bằng đồng USD.
Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu ngành da giày đạt khoảng 13 tỷ USD và tăng trưởng 13%; tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường EU chiếm khoảng chiếm 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Tuy nhiên, một số mặt hàng xuất khẩu khác, đơn cử ngành thủ công mỹ nghệ, lại không được như vậy. Thanh toán hợp đồng bằng euro và ký thống nhất giá từ đầu năm nên việc đồng tiền này giảm giá đã khiến doanh nghiệp bị thiệt hại.
Tình trạng như vậy cũng diễn ra với một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản khi họ đã ký với nhà nhập khẩu EU đơn hàng từ đầu năm bằng đồng euro…
Để giảm thiểu thiệt hại từ biến động tỷ giá, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các chuyên gia đều khuyên các doanh nghiệp, khi ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu trong bối cảnh các đồng tiền quốc tế biến động phức tạp, doanh nghiệp nên tính đến các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá, đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm Việt Nam, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đặc biệt EVFTA.
Nguồn: cafef.vn