Đưa ra chiến lược đầu tư, ông Minh cho rằng trong ngắn và trung hạn nên bắt đầu quan sát nhóm cổ phiếu đặt kỳ vọng tăng trưởng thời gian tới.
Khép lại năm 2021 với hàng loạt nhóm ngành đua nhau dẫn dắt thị trường lên những đỉnh cao mới. Nửa đầu năm nay, thị trường liên tục trồi sụt trước những thông tin tiêu cực và thiếu động lực từ các nhóm cổ phiếu trụ.
Đưa ra quan điểm trong buổi Talkshow mới đây do Báo Đầu Tư tổ chức, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam nhận định nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể dẫn dắt thị trường trong nửa cuối năm nay.
Theo phân tích của chuyên gia, xét về định giá xét về định giá, PB dự phóng năm 2022 của nhóm này ở mức1,2 lần, thấp hơn nhiều so với mức định giá chuẩn là 2 lần. Đây là mức định giá hấp dẫn cho cổ phiếu ngân hàng cho giai đoạn này
Mặt khác, thời gian qua room tín dụng bị ảnh hưởng là nguyên nhân tác động tiêu cực đến cổ phiếu ngân hàng. Trong kịch bản tích cực room tín dụng được nới trong quý 3, dự báo ROE đạt 21% trong 2022, vẫn đảm bảo tỷ suất tốt với mặt bằng chung thị trường hiện nay. Đây cũng là chất xúc tác chính cho đà tăng của nhóm này trong thời gian tới.
Nhiều nhà đầu tư lo ngại Thông tư 14 dừng thì nợ xấu sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng. Song, theo phân tích của chuyên gia, mức nợ cơ cấu có khuynh hướng giảm từ tháng 12/2021 là tín hiệu tốt, nên tác động của Thông tư 14 cũng sẽ có phân hoá giữa các nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Về khả năng dự phòng, tổng quan thì vẫn tăng 5% so với cùng kỳ vì tỷ lệ bao phủ nợ nhiều ngân hàng đang thấp so với mặt bằng chung. Những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, được xử lý trong năm 2021 thì áp lực chi phí dự phòng không cao trong 2022.
“Với những phân tích trên, tôi cho rằng đây là thời điểm an toàn để quay lại nhóm cổ phiếu vua. An toàn ở đây được nhìn mức độ giảm của thị trường – tức nhìn về khả năng giảm giá đang thấp so với khả năng upside trong nửa cuối năm”, ông Nguyễn Thế Minh đánh giá.
Các nhóm ngành khác sẽ phân hoá trong nửa cuối năm
Theo đánh giá của chuyên gia, sức mua toàn cầu ảnh hưởng khi lạm phát tăng mạnh, qua đó ảnh hưởng tới tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tăng mạnh, nên biên lợi nhuận gộp ít nhiều ảnh hưởng. Mặt bằng chung so sánh tăng trưởng cùng kỳ 2021 vẫn dương, nhưng so với quý 1 thì sụt giảm hơn.
Đối với doanh nghiệp sản xuất, ông Minh kỳ vọng sẽ duy trì được đà tăng trưởng trong 2022 dù ngành hàng không thiết yếu cũng sẽ bị ảnh hưởng, tiêu dùng bán lẻ cũng ảnh hưởng vì sức mua đã giảm. Với doanh nghiệp sản xuất, thực phẩm thức uống vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt. Nhóm điện nước, công nghệ, ngân hàng kỳ vọng vẫn tăng trưởng trong 2022.
Về triển vọng cổ phiếu bất động sản, ông Minh vẫn giữ quan điểm thận trọng, chưa thể tích cực. Dòng chứng khoán thì sẽ phụ thuộc diễn biến chung của thị trường, trong quý tới, kết quả kinh doanh có thể vẫn khó khăn, khi thanh khoản sụt giảm, tự doanh cũng tác động rất nhiều
Với nhóm xuất khẩu, quý 2 tương tự như nhóm sản xuất thực phẩm, vẫn tăng tốt so với cùng kỳ, vì doanh nghiệp thay đổi được chất lượng sản phẩm và đi vào các thị trường chấp nhận được mức giá tốt hơn. Quý 3 và quý 4, ông Minh vẫn kỳ vọng nhóm này, vì nửa cuối năm 2021 là cơ sở thấp, tăng trưởng thấp, nên trong nửa cuối 2022 có thể có tăng trưởng đột biến.
Đưa ra chiến lược đầu tư, ông Minh cho rằng trong ngắn và trung hạn nên bắt đầu quan sát nhóm cổ phiếu đặt kỳ vọng tăng trưởng thời gian tới. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần lưu ý đặt chiến lược phòng thủ lên hàng đầu. Bởi tình hình vĩ mô vẫn còn nhiều yếu tố khó lường như lạm phát chưa hạ nhiệt về vùng thấp 2022.
Trong 6 tháng cuối năm, dòng tiền có khả năng trở lại nhóm tài chính, đặc biệt là ngân hàng. Về dài hạn vẫn là cơ hội tích lũy cổ phiếu trong thời điểm giảm mạnh là chiến lược đúng đắn. Đặc biệt hiện nay, ông Minh cũng nhấn mạnh vùng hỗ trợ mạnh 1.000 – 1.100 điểm là vùng hỗ trợ dài hạn của thị trường.
Nguồn: cafef.vn