Masan dự kiến vay tối đa 600 triệu USD từ loạt ngân hàng nước ngoài

Masan dự kiến vay tối đa 600 triệu USD từ loạt ngân hàng nước ngoài

Kế hoạch năm 2022, Masan Group dự kiến phát hành 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi, không có bảo đảm và không kèm chứng quyền ra thị trường quốc tế.

MSN: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam

Giá hiện tại
39.9
Thay đổi

Xem hồ sơ doanh nghiệp

Ngày 15/7/2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) vừa có thông báo Nghị quyết HĐQT về việc ký kết hợp đồng tín dụng với các bên cho vay nước ngoài và các nội dung liên quan khác.

Cụ thể, Masan công bố phê duyệt việc ký hợp đồng tín dụng với BNP Paribas, Credit Suisse AG – chi nhánh Singapore, Standard Chartered Bank (Singapore) Limited, The Hong Kong and Shanghai Banking Corporation Limited – chi nhánh Singapore và các bên khác (nếu có). 

Theo đó, Masan được vay tổng số tiền ban đầu không vượt quá 205 triệu USD, cùng với quyền chọn gia tăng khoản vay thêm tối đa 45 triệu USD. Như vậy, tổng số tiền vay tối đa lên tới 250 triệu USD, tương đương hơn 5.800 tỷ đồng.

Đồng thời, Nghị quyết cũng phê duyệt việc Công ty TNHH The Sherpa (The Sherpa) – công ty con thuộc sở hữu trực tiếp của Masan – ký kết hợp đồng tín dụng với các bên nêu trên. The Sherpa được vay tổng số tiền ban đầu không vượt quá 170 triệu USD, cùng với quyền chọn gia tăng khoản vay thêm tối đa 180 triệu USD. Tổng số tiền vay tối đa lên tới 350 triệu USD, tương đương hơn 8.100 tỷ đồng.

Masan bảo lãnh cho nghĩa vụ thanh toán của The Sherpa liên quan và phát sinh từ Hợp đồng tín dụng The Sherpa.

Trước đó, vào tháng 2/2022, HĐQT Techcombank cũng đã phê duyệt khoản tín dụng 250 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần Phúc Long Heritage – công ty con do Masan sở hữu gián tiếp 51% vốn thông qua The Sherpa.

Đến tháng 3/2022, Techcombank tiếp tục thực hiện cấp khoản vay 1.500 tỷ cho hai doanh nghiệp khai khoáng thuộc sở hữu gián tiếp của Masan là Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo và Công ty TNHH Vonfram Masan. Đây là khoản tín dụng ngắn hạn nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về tình hình vay nợ, BCTC hợp nhất quý I/2022 của Masan cho thấy tại thời điểm 31/3/2022, đơn vị có khoản nợ ngắn hạn 38.735 tỷ đồng, tăng thêm hơn 4.000 tỷ so với đầu năm, vay và nợ dài hạn giảm nhẹ còn 48.811 tỷ đồng. Trong đó, các khoản vay dài hạn chủ yếu là phát hành trái phiếu và nợ thuê tài chính chiếm hơn 39.000 tỷ đồng.

Kế hoạch năm 2022, Masan Group dự kiến phát hành 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi, không có bảo đảm và không kèm chứng quyền ra thị trường quốc tế. Giá dự kiến 100.000 USD/trái phiếu hoặc bội số của 1.000 USD, thời hạn 5 năm. Thời gian dự kiến phát hành là năm 2022 hoặc 2023 và được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Singapore. Mục đích phát hành trái phiếu để thực hiện đầu tư dự án của công ty, góp vốn vào công ty con, bổ sung vốn cho các hoạt động và cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài. Masan dự kiến phát hành 5% số cổ phiếu đang lưu hành để chuyển đổi trái phiếu.

Về The Sherpa, đây là công ty con được thành lập vào tháng 6/2020, hiện Masan nắm 99,9% tỉ lệ lợi ích. The Sherpa đang đồng thời sở hữu trực tiếp và gián tiếp nhiều đơn vị gồm The CrownX (sở hữu WinCommerce và Masan Consumer), CTCP Mobicast, CTCP Đầu tư Draco, CTCP Đầu tư Fornax, CTCP Phúc Long Heritage và CTCP The O2 (tại ngày 31/3/2022 The Sherpa chưa góp vốn vào công ty con mới thành lập này).

Tháng 4/2022, The Sherpa cũng đã đầu tư 65 triệu USD (tương ứng 25,1% lợi ích của chủ sở hữu) vào CTCP Trusting Social.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: