Hiện nay, nhiều nông dân ở tỉnh Tiền Giang găp khó khăn do phải vay tiền với lãi suất cao. Trong khi đó, công việc sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn không khả năng chi trả phải bán nhà, cầm cố đất dẫn đến trắng tay. Đối tượng cho vay thì thu nhập cao, tích tụ tài sản từ người mắc nợ.
Gia đình bà Phan Thị Yên, ở ấp Song Thạnh, xã Tân Bình Thạnh sống nhờ vào 2 công đất vườn thanh long. Trước đây, do túng quẫn bà vay 70 triệu đồng từ ông Trần Văn Thôi (tức Út Lức) – đối tượng chuyên cho vay tại xã Tân Bình Thạnh với lãi suất 6%/tháng. Do không khả năng chi trả nên 2 công đất vườn vào tay chủ nợ. Hiện nay, bà Yên và người con trai phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày rất vất vả.
Cũng tại ấp Song Thạnh, xã Tân Bình Thạnh, gia đình ông Phạm Văn Lùn phải giao căn nhà lầu 1 trệt, 1 tầng cho ông Út Lức vì nợ tiền chơi hụi và tiền vay. Hiện nay, bị mất nhà, gia đình ông Lùn phải trôi dạt qua tỉnh Long An để mưu sinh.
Tại xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, thời gian qua có rất nhiều nông dân do trồng thanh long kém hiệu quả, thất bại trong sản xuất kinh doanh cần số tiền gấp phải vay mượn lãi suất cao từ đối tượng này. Không có tiền trả lãi và vốn phải chấp nhận mất nhà, mất đất. Bà Phạm Thị Bé Nhỏ, trồng 1,3 ha cây thanh long tại xã Tân Bình Thạnh bị thua lỗ phải vay 200 triệu đồng từ ông Út Lức với lãi suất 6%/tháng. Rất may bà vay từ ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được 700 triệu đồng trả lại cho chủ nợ mới giữ được mảnh vườn.
“Tôi bị vụ dịch Covid-19, trồng thanh long lỗ nên vay Út Lức đấp vô đó. Vay nhà nước thì lòng vòng đem xuống huyện phải cả vợ chồng, con cái ký vô hết thấy lâu. Vay ở ngoài nhanh hơn ít bữa trả lại. Tôi vay Út Lức một triệu thì mỗi ngày đóng 2.000 đồng. Lãi cao quá, tôi ngán quá, sau đó tôi làm đơn vay ngân hàng. Vay ở ngoài dễ lắm, chỉ mình ký tên là lấy tiến, vay tiền nhà nước hơi khó, nên mình phải chịu”, bà Phạm Thị Bé Nhỏ nói.
Khi vay tiền ngoài xã hội, dù lãi suất cao nhưng thủ tục đơn giản, người vay chỉ cần ký vào giấy biên nhận là được nhận tiền. Tuy nhiên, người vay phải trả tiền lãi, tiền gốc đúng hẹn nếu không thì dẫn đến mâu thuẫn có thể bị chủ nợ uy hiếp, mắng chửi gây mất tình làng, nghĩa xóm. Ông N, người dân xã Tân Bình Thạnh cho rằng, tình trạng cho vay lãi suất cao kèm theo chơi hụi tại địa phương này đã phổ biến, gây ra hệ lụy khó lường, nhất là đối với các hộ dân nghèo, trình độ nhận thức kém… dễ sa vào bẫy các đối tượng “hành nghề” này. Do đó, chính quyền và các ngành chức năng địa phương phải có biện pháp kiên quyết đẩy lùi vấn nạn này.
“Cho vay lãi suất cao, thấy tình trạng đó cũng nhiều, mình làm một tháng thu nhập có bao nhiêu, thanh long bị dịch bệnh rẻ quá, chỉ đóng lãi không có tiền chứ làm sao trả vốn nổi, mà kẹt quá nên người dân cứ vay. Lãi suất vay từ nhà nước thì thấp, nhưng phải có điều kiện này kia rất khó khăn. Theo tôi muốn giảm tình hình này thì chính quyền phải can thiệp”, ông N. cho hay.
Trao đổi với phóng viên VOV, lãnh đạo Đảng ủy – UBND xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đều thừa nhận có tình trạng nông dân vay lãi suất cao từ bên ngoài xã hội; trong đó bà con phần lớn vay từ đối tượng tên Trần Văn Thôi (tức Út Lức). Chính quyền, đoàn thể địa phương sẽ có giải pháp chấn chỉnh tình trạng này.
“Đối tượng này, tôi có nắm được, tôi biết từ này giờ làm nghề cho vay từ hàng chục tỷ đồng, lãi suất từ 5-7% trở lại, rất cao, nặng lãi. Biện pháp ngăn chặn là mình sẽ tuyên truyền vận động người dân làm ăn sản xuất kinh doanh phải vay ngân hàng. Tôi chỉ đạo các đoàn thể họp hội viên vận động khi hội viên có hoàn cảnh khó khăn thì giới thiệu ngân hàng cho vay. Riêng đối tượng này tôi bàn với Ủy ban xã và các ngành đoàn thể mời vô trao đổi, trình bày những khó khăn của người dân rồi mình giáo dục, răn đe”, ông Mai Văn Việt, Bí thư Đảng ủy xã Tân Bình Thạnh cho biết.
Bức xúc trước tình trạng cho vay nặng lãi, có nhiều người dân xã Tân Bình Thạnh đã ký đơn tố cáo gửi đến ngành chức năng, mong được vào cuộc điều tra, xử lý, ngăn chặn hành vi trên của đối tượng Trần Văn Thôi, để cuộc sống vùng nông thôn này được yên bình./.
Nguồn: cafef.vn