SSI Research cho rằng, dù giá bán bình quân dự kiến sẽ tăng trở lại, nhưng sẽ không đạt được mức cao nhất trong quý 2/2022 nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu yếu đi trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi dự kiến sẽ giảm đi do giá hàng hóa đã ở mức cao nhất. Do đó, SSI tin rằng tăng trưởng lợi nhuận của VHC đã đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022.
VHC: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,06 tỷ USD, tương ứng tăng 34,5% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu tôm và cá tra lần lượt đạt 457 triệu USD và 248 triệu USD, tăng 31% và 67%. Hai thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc; giá bán trung bình của tôm và cá tra sang thị trường Mỹ lần lượt đạt 12 USD/kg (tăng 20% so với cùng kỳ) và trong khoảng 4,50 USD – 5 USD/kg (tăng 60% so với cùng kỳ), trong khi giá bán bình quân cá tra sang thị trường Trung Quốc ở mức 3,10 USD/kg (tăng 20% so với cùng kỳ).
Bên cạnh nhu cầu mạnh mẽ và đang phục hồi từ các thị trường xuất khẩu lớn, nhu cầu cũng được thúc đẩy bởi các đơn đặt hàng bị dồn nén do hạn chế sản xuất trong nửa cuối năm 2021 vì giãn cách xã hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhu cầu đã có dấu hiệu chững lại kể từ tháng 5 năm 2022, do lượng hàng tồn kho tại các thị trường xuất khẩu ở mức cao vào thời điểm này.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tồn kho tại trị trường Mỹ đã ở mức cao. Cùng với áp lực lạm phát, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý 3/2022. Tuy nhiên, báo cáo mới đây của SSI Research tin rằng nhu cầu sẽ tăng nhanh trước kỳ nghỉ lễ quý 4/2022 (Lễ Tạ ơn và Giáng sinh).
Hiện trên thị trường nguyên liệu, theo thống kê Agromonitor. giá cá giống đã giảm đáng kể, khoảng 40% so với mức đỉnh vào tháng 4 năm 2022, Mặt khác, giá tôm nguyên liệu và cá nguyên liệu vẫn ở mức cao do chi phí thức ăn thủy sản cao (tăng 15% so với đầu năm, tăng 30% so với cùng kỳ).
Tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý 3 năm 2022, lợi nhuận gộp các doanh nghiệp lấy thị trường Mỹ là chính sẽ bị ảnh hưởng
Theo SSI Research, hầu hết các công ty thủy sản cho biết tồn kho tại các thị trường xuất khẩu (đặc biệt là Mỹ) đã đạt mức cao, do khối lượng nhập khẩu cao trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2022. Cùng với việc vào mùa xuất khẩu thủy sản thấp điểm, SSI dự báo tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý 3 năm 2022.
Tuy nhiên, bất chấp áp lực lạm phát, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vẫn kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng nhanh trong tháng 9, ngay trước kỳ nghỉ lễ từ tháng 11 đến tháng 12. Mặt khác, vì giá bán bình quân của tôm thẻ chân trắng Việt Nam hiện đã cao hơn Ấn Độ và Ecuador tại thị trường Hoa Kỳ, nên các doanh nghiệp xuất khẩu khó có thể giữ giá bán bình quân của tôm cao như mức giá trong nửa đầu năm 2022. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp chế biến tôm vốn lấy thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu chính, do giá tôm nguyên liệu dự kiến sẽ cao hơn trong nửa cuối năm 2022 bởi nguồn cung thiếu hụt vì dịch bệnh bùng phát.
Là đại diện tiêu biểu nhóm thuỷ sản xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Vĩnh Hoàn (VHC) trong 6 tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận doanh thu thuần đạt 7,4 nghìn tỷ đồng (tăng 82% so với cùng kỳ), nhờ doanh thu cá tra tăng 82% so với cùng kỳ. Doanh thu xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 132% so với cùng kỳ.
Theo SSI Research, mặc dù nhu cầu vẫn ổn định trong 5 tháng đầu năm 2022, nhưng doanh thu cá tra trong tháng 6/2022 đã giảm 41% so với tháng trước. Điều này là do nhu cầu giảm khi lượng hàng tồn kho cao và áp lực lạm phát và một số nhà bán buôn bán phá giá hàng tồn kho ở Mỹ trong hai tuần cuối năm tài chính của họ. Tuy nhiên, SSI Research lưu ý rằng doanh thu xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục tăng kể từ đầu quý 2/2022, doanh thu cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 46% so với cùng kỳ và 19% so với tháng trước. Điều này phù hợp với chiến lược mở rộng cơ sở khách hàng của VHC tại Trung Quốc trong thời gian tới. VHC đang cố gắng thâm nhập vào phân khúc cao cấp của thị trường Trung Quốc, nơi giá cả ít biến động.
SSI Research cho rằng, dù giá bán bình quân dự kiến sẽ tăng trở lại, nhưng sẽ không đạt được mức cao nhất trong quý 2/2022 nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu yếu đi trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi dự kiến sẽ giảm đi do giá hàng hóa đã ở mức cao nhất. Do đó, SSI tin rằng tăng trưởng lợi nhuận của VHC đã đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022.
Trong báo cáo gần nhất, Vĩnh Hoàn cũng vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 6 với tổng doanh thu 1.063 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên nếu so với tháng 5 trước đó, doanh thu của doanh nghiệp cá tra này giảm 30%, trong đó doanh thu cá tra lại sụt giảm 41% về 608 tỷ đồng,
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ là thị trường chủ lực của Vĩnh Hoàn khi đóng góp 330 tỷ đồng trong tháng 6, chiếm gần 1/3 tổng doanh thu và tăng trưởng 11% so với tháng 6/2021 nhưng vẫn đi lùi trong doanh thu so với tháng 5 trước đó, giảm 59%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn đạt 7.496 tỷ đồng doanh thu, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản doanh thu tăng trưởng này đặt trong bối cảnh giá cá tra tăng mạnh cùng với nhu cầu tăng cao.
Với cả năm 2022, SSI Research kỳ vọng VHC sẽ đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 13.500 tỷ đồng (tăng 49% so với cùng kỳ) và 2.000 tỷ đồng (tăng 84% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận ròng sẽ chậm lại trong 6 tháng cuối năm, ở mức 30% so với cùng kỳ. Sang tới năm 2023, SSI ước tính VHC sẽ đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 12.900 tỷ đồng (giảm 4,1% so với cùng kỳ) và 1.740 tỷ đồng (giảm 15% so với cùng kỳ).
Nguồn: cafef.vn