Giá trị cổ phiếu thép trong tay khối ngoại giảm gần 70.000 tỷ đồng từ đầu năm

Giá trị cổ phiếu thép trong tay khối ngoại giảm gần 70.000 tỷ đồng từ đầu năm

Giá trị cổ phiếu thép trong tay khối ngoại giảm mạnh có 2 nguyên nhân đến từ việc giá cổ phiếu lao dốc và hoạt động bán ròng từ đầu năm.

HPG: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam

Giá hiện tại
39.9
Thay đổi

Xem hồ sơ doanh nghiệp

Khác với sự bùng nổ trong phần lớn thời gian của năm ngoái, cổ phiếu thép đã mang đến cho cổ đông nhiều nỗi buồn từ đầu năm đến nay. Không chỉ nhà đầu tư trong nước, khối ngoại cũng đau đầu với nhóm này. Thống kê cho thấy giá trị cổ phiếu nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp thép đã giảm đến gần 70.000 tỷ đồng từ đầu năm trong đó phần lớn đến từ 5 cái tên HPG, POM, HSG, SMC, NKG.

Cả 5 cổ phiếu trên đều có lượng tiền ngoại nắm giữ trên ngưỡng nghìn tỷ hồi đầu năm nhưng đến nay chỉ còn duy nhất HPG. Dù vậy, giá trị cổ phiếu đầu ngành thép trong tay khối ngoại cũng đã “bốc hơi” 62.600 tỷ đồng từ đầu năm. Đến hết ngày 19/7, nhà đầu tư nước ngoài còn giữ 27.770 tỷ đồng (~ 1,2 tỷ USD) các cổ phiếu thép.

Giá trị cổ phiếu thép trong tay khối ngoại giảm mạnh có 2 nguyên nhân đến từ việc giá cổ phiếu lao dốc và hoạt động bán ròng. Sau nhiều nhịp giảm sâu, nhóm thép đa phần đã mất 35-50% thị giá từ đầu năm. Thêm nữa, nhà đầu tư nước ngoài còn bán ròng trên hầu hết các cổ phiếu thép trong đó tâm điểm vẫn là HPG với giá trị gần 5.800 tỷ đồng, lớn nhất sàn từ đầu năm.

Những động thái trên không gây bất ngờ khi khó khăn của ngành thép đã phần nào được dự báo từ trước. Tại Đại hội cổ đông thường niên 2022 diễn ra hồi tháng 5, ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Hòa Phát từng chia sẻ “Lúc này ngành thép đang không thuận lợi. Đợi hai tháng nữa sẽ có kết quả kinh doanh quý 2, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào”.

Thực tế đã chứng minh nhận định của ông Long là hoàn toàn có cơ sở khi chỉ mới vào đầu mùa báo cáo tài chính quý 2 đã có một loạt doanh nghiệp thép như Gang thép Thái Nguyên (mã TIS), Thép SMC (mã SMC), Gang thép Cao Bằng (mã CBI), Thép Mê Lĩnh (mã MEL),…báo lãi sụt giảm mạnh từ 75% đến hơn 90% so với cùng kỳ, thậm chí Thép Thủ Đức (mã TDS) còn lỗ.

Các doanh nghiệp thép đồng loạt tăng trưởng lợi nhuận âm là điều không quá khó hiểu khi đỉnh chu kỳ của ngành thép đã nằm tại quý 2-3 năm ngoái cùng với cơn sốt giá thép trên thế giới. Giá thép có dấu hiệu hạ nhiệt và quay đầu giảm mạnh đã ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp thép.

Sau khi tăng mạnh vào lúc xảy ra xung đột Nga-Ukraine, hiện giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại EU đã quay đầu giảm khoảng 35%. Giá HRC tại Trung Quốc và Mỹ cũng giảm khoảng 15-20% trong 3 tháng qua do ít hoạt động xây dựng và sản xuất hơn. Tại thị trường Trung Quốc, giá thép thanh vằn tương lai hiện đang dao động quanh mức 3.800 nhân dân tệ/tấn, giảm 35% so với đỉnh và đánh mất toàn bộ đà tăng trong năm trước.

Tại thị trường nội địa, giá thép xây dựng cũng không nằm ngoài xu hướng khi giảm 9 lần liên tiếp trong hơn 2 tháng qua với tổng mức giảm đến hơn 3,3 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu và loại thép. Nguyên nhân dẫn đến đà giảm kéo dài của giá thép đến từ nhu cầu tiêu thụ suy yếu và chi phí nguyên liệu đầu vào hạ thấp.

Mặt khác, áp lực lên tỷ suất lợi nhuận trong ngắn hạn có thể vơi bớt nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm. Giá than cốc đã giảm 36% so với mức đỉnh hồi tháng 3, trong khi giá quặng sắt cũng giảm 13% trong 3 tháng qua do sản lượng thép sản xuất giảm (đặc biệt là từ Trung Quốc). Nguyên liệu đầu vào rẻ hơn có thể giúp giảm chi phí sản xuất trong các quý tiếp theo tuy nhiên điều này cũng có thể dẫn đến việc các công ty phải trích lập dự phòng hàng tồn kho trong ngắn hạn.

Về triển vọng xuất khẩu thép, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá mức xuất khẩu cao của năm 2021 sẽ khó lặp lại. Nguyên nhân do các đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, kết hợp với nhu cầu hàng không thiết yếu suy giảm do lạm phát kỷ lục tại châu Âu; cạnh tranh tại Mỹ gia tăng do nước này đã nới lỏng chính sách thuế quan với thép Nhật; và châu Âu và Nga đặt mục tiêu xuất khẩu nhiều hơn sang Đông Nam Á.

Theo dự báo của SSI Research, lợi nhuận năm 2022 của HPG có thể đạt 26.500 tỷ đồng, giảm hơn 23% so với cùng kỳ chủ yếu do giả định giá thép giảm. Lợi nhuận dự phóng năm 2022 của HSG cũng giảm 67% so với cùng kỳ, dự kiến ở mức 1.400 tỷ đồng chủ yếu do sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu giảm. Tương tự với NKG, lợi nhuận năm 2022 cũng được dự báo sẽ giảm 39% so với cùng kỳ xuống 1.350 tỷ đồng.

Lạc quan hơn đôi chút nhưng Chứng khoán BSC cũng đánh giá biên lợi nhuận ngành thép sẽ suy giảm do giá bán thép bình quân năm 2022 giảm khi cạnh tranh trong ngành gia tăng. CTCK này dự phóng lợi nhuận sau thuế của HPG sẽ giảm nhẹ 3,1% xuống 36.375 tỷ đồng trong khi HSG và NKG đều sụt giảm mạnh lần lượt 19% và 14,7% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 3.493 tỷ đồng và 2.002 tỷ đồng.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: