Người dân chán vàng?

Sự nhảy múa liên tục của giá vàng đã khiến kim loại quý này bớt hấp dẫn trong lựa chọn đầu tư của nhiều người.

“Khác với trước, giờ thấy giá vàng giảm, mẹ mình cũng không còn ham như trước nữa. Vì biết là có ra xếp hàng mua thì cũng không có mua được”, một tài khoản mạng xã hội cho biết.

“Mỗi lượng vàng miếng SJC sáng nay giảm tiếp 1 triệu đồng mỗi lượng, nhưng vẫn đắt hơn thế giới 17 triệu đồng. Vì vậy nếu mua, thì mình sẽ mua vàng nhẫn 9999 thay vì vàng miếng SJC, vì chất lượng như nhau, trong khi vàng miếng SJC đắt hơn 13 – 14 triệu đồng/lượng tùy thời điểm”, một tài khoản khác nêu quan điểm. 

“Theo mình quan sát, vàng miếng SJC đã có 4 tháng đứng ở mức cao mà không thể nhích thêm, dưới góc độ đầu tư, khả năng rớt giá của nó dễ dàng xảy ra”, một tài khoản khác cho hay.

“Đầu tư vàng giờ gần như không có lời, kém hẳn gửi tiền ngân hàng, mua bất động sản hoặc ngoại tệ nên là tâm lý của mình giờ cũng chả còn mặn mà mấy với vàng nữa”, một tài khoản khác bình luận.

Hiện nay chênh lệch giữa giá mua và giá bán vàng trong nước đã được nới rộng lên tới 2 triệu đồng/lượng, cao gấp 3 lần so với hồi đầu tháng. Các đơn vị kinh doanh vàng cho biết thường để chênh lệch giá mua – bán cao vì sợ lỗ những khi giá biến động mạnh, công ty vừa mua vào mà chưa bán ra được thì run. Trong khi giá tăng giảm thất thường vài trăm đến hơn triệu đồng mỗi lượng. Từ chỗ chiếm 90% thị phần, hiện vàng miếng SJC chỉ chiếm khoảng 10% thị phần, giao dịch vài trăm lượng một ngày.

“Thanh khoản yếu, biên lợi nhuận thấp nên dẫn đến hệ lụy là nhiều tiệm vàng đã rời bỏ thị trường”, một tài khoản mạng xã hội cho biết.

“Với lại Nghị định 24 của Nhà nước quy định, các tiệm vàng tư nhân không còn được phép thu đổi ngoại tệ và chính thức không được kinh doanh vàng miếng. Điều này khiến vàng miếng mất dần chức năng thanh toán”, một tài khoản khác cho hay.

“Tôi đồng ý là không nên đầu cơ vàng. Sự tồn tại, giao dịch vàng miếng không góp phần vào tăng trưởng kinh tế, ngược lại có thể dẫn đến ứ đọng vốn trong dân”, một tài khoản nói.

Sau nhiều giải pháp đồng bộ được Ngân hàng Nhà nước đưa ra áp dụng để kiểm soát thị trường vàng, đến nay tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế đã chấm dứt. Người dân cũng hầu như không còn tình trạng “quy ra vàng” khi giao dịch mua bán nhà đất hoặc các loại tài sản có giá trị lớn. 

Giá vàng trong nước tăng, giảm hay chênh lệch bao nhiêu so với thế giới đều không gây xáo trộn, tác động, ảnh hưởng đến giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ khác. Thói quen tích trữ vàng trong dân dần dần thay đổi, khuyến khích người dân chuyển vàng thành tiền đưa vào sản xuất, kinh doanh.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: