Những gam màu sáng vẫn xuất hiện tại một số CTCK thuần về dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ cho vay margin khi “ngược dòng” tăng trưởng mạnh mẽ.
Thị trường chứng khoán vừa trải qua thời gian đầy “sóng gió” trướchàng loạt động thái xử lý xi phạm trên thị trường, căng thẳng địa chính trị, lạm phát leo thang khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phải mạnh tay tăng lãi suất. Bên cạnh những cú giảm sâu, việc thanh khoản “mất hút” cũng khiến giao dịch trên thị trường trở nên kém sôi động.
Trong bối cảnh thị trường diễn biến tiêu cực, không chỉ những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ chịu ảnh hưởng nặng nề mà nhiều công ty chứng khoán cũng ghi nhận tăng trưởng âm, thậm chí lỗ đậm khi hoạt động tự doanh và môi giới kém sắc.
Thống kêtổng lợi nhuận trước thuế của top 30 công ty chứng khoán hàng đầu chỉ còn khoảng 3.300 tỷ đồng, tức đã giảm 3.000 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn khoảng 5.000 tỷ đồng so với con số kỷ lục của quý 4/2021.
Một loạt CTCK lớn ghi nhận lợi nhuận “đi lùi” trong quý 2 có thể kể đến như Chứng khoán SSI (-26%), VCSC (-30%), FPTS (-58%), TCBS (-17%),… Bên cạnh đó, hàng loạt CTCK còn lỗ do tự doanh kém hiệu quả, điển hình như Chứng khoán Tiên Phong (TPS), Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Chứng khoán SHS.
Không chỉ suy giảm về lợi nhuận, quy mô vốn hóa của hàng loạt doanh nghiệp cũng lao dốc nhanh chóng. Thậm chí, hiện cả VNDirect và SSI đều đã không thể trụ vững trong nhóm công ty vốn hóa tỷ USD.
Nhìn chung, trong bối cảnh thị trường chung liên tục trồi sụt, bức tranh chung của ngành chứng khoán trong quý 2 khá ảm đạm. Đa số các CTCK phụ thuộc lớn vào mảng tự doanh và môi giới ghi nhận kết quả “đi lùi”, thậm chí thua lỗ nặng nề. Tuy vậy, những gam màu sáng vẫn xuất hiện tại một số CTCK thuần về dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ cho vay margin khi “ngược dòng” tăng trưởng mạnh mẽ.
Điển hình là một số công ty chứng khoán ngoại cũng có những điểm sáng nhờ lãi cho vay và phải thu. Đơn cử như Chứng khoán KBSV cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 2 đạt gần 76 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Theo KBSV, kết quả kinh doanh khả quan có được do doanh thu từ mảng cho vay margin tăng cao cộng thêm việc tiết giảm chi phí hoạt động. Mặt khác, việc hoàn tất tăng vốn điều lệ cũng giúp công ty có nguồn vốn dồi dào hoạt động phục vụ kinh doanh.
Tương tự, Chứng khoán Mirae Asset cũng là CTCK ngoại có diễn biến khá tích cực trong quý 2. Theo đó, mảng cho vay margin – mảng chủ lực của công ty duy trì tăng trưởng tốt cộng với nguồn thu từ mảng đầu tư giữ đến ngày đáo hạn (HTM) tăng 88% so với cùng kỳ giúp Mirae Asset báo lãi trước thuế tăng 11% lên 239 tỷ đồng. Lãi sau thuế cũng tăng 30% lên 195 tỷ đồng.
Chứng khoán VNDirect cũng là một trong những cái tên đáng chú ý với màn lội dòng ấn tượng khi doanh thu quý 2 đạt hơn 1.800 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ. Sở dĩ doanh thu của VNDirect tăng mạnh trong quý này nhờ lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ tăng mạnh gấp 3 lần so với cùng kỳ, đặc biệt là hoạt động đầu tư vào cổ phiếu PTI mang lại khoản lãi lớn. Bên cạnh đó, lãi từ hoạt động cho vay margin tăng 73% cũng là một điểm sáng cho kết quả kinh doanh công ty chứng khoán này.
Mặc dù VNDirect cũng có khoản lỗ FVTPL hàng trăm tỷ đồng nhưng tác động không quá tiêu cực đến kết quả chung. Kết quả, VNDirect lãi trước thuế 647 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. VNDirect cho rằng doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tốt nhờ khoản dư nợ cho vay ký quỹ bình quân tăng 30%. Mặt khác, dù thanh khoản thị trường tuy giảm mạnh trong quý 2 nhưng lượng khách hàng của công ty lại tăng lên so với cùng kỳ.
Cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, Chứng khoán VPS ghi nhận lãi trước thuế quý 2 đạt 281 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng ấn tượng có được nhờ mảng cho vay margin khi tăng mạnh 62% lên mức 322 tỷ đồng. Mặt khác, trong bối cảnh thị trường kém sôi động, doanh thu từ hai mảng chủ lực của VPS là tự doanh và môi giới chỉ giảm nhẹ, lần lượt 1% và 4% so với cùng kỳ. Kết quả, VPS lãi trước thuế 281 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 41% so với cùng kỳ lên hơn 225 tỷ đồng.
Bứt phá mạnh từ mức nền thấp, Chứng khoán Smart Invest (AAS) cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng hơn 37 lần lên mức 149 tỷ đồng. Đà tăng ngoạn mục của AAS chủ yếu do công ty chỉ ghi nhận khoản lãi vỏn vẹn 4 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước, cộng thêm nguồn thu từ bán các tài sản tài chính FVTPL và cổ tức tiền lãi phát sinh từ tài sản tài chính tăng khá mạnh.
Theo phân tích của ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta (Việt Nam), đa phần hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán vẫn tiếp tục ghi nhận kết quả không mấy khả quan trong quý 2/2022, phản ánh thanh khoản ảm đạm trên thị trường. Tuy vậy, sự phân hoá vẫn diễn ra khi phần lớn lợi nhuận của các công ty chứng khoán không đến từ mảng môi giới và kết quả tự doanh vẫn khá tích cực.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh giữa các CTCK trong nước và CTCK ngoại cũng ngày càng rõ rệt hơn. Sự phân mảng của các công ty chứng khoán trong nước đang rõ rệt hơn, trong khi các công ty chứng khoán nước ngoài vẫn tiếp tục thâm nhập vào thị trường, đặc biệt là đối với mảng cho vay ký quỹ (margin).
Theo đó, chuyên gia cho rằng các yếu tố về chất lượng dịch vụ, cơ chế tính phí cạnh tranh sẽ làm cho biên lợi nhuận từ mảng khách hàng cá nhân sẽ khó khăn hơn, đòi hỏi các công ty chứng khoán phải phát triển các sản phẩm đầu tư, mang đến biên lợi nhuận tốt hơn.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng dự báo thị trường chứng khoán có thể vẫn sẽ ảm đạm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nửa cuối năm 2022, sẽ có xấp xỉ 3 tỷ USD vốn được bổ sung vào nguồn cho vay ký quỹ khi các công ty chứng khoán tăng vốn cổ phần. Điều này sẽ giúp thúc đẩy hoạt động thị trường và cả lợi nhuận của các công ty chứng khoán trong nửa cuối năm.
Nguồn: cafef.vn