Tưởng như nghịch lý, Việt Nam đã nấu vàng miếng SJC – thường có giá cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới quy đổi – để xuất khẩu.
Cuối tuần qua Ngân hàng Nhà nước đã ngồi lại với đại diện các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn để đánh giá về thị trường vàng, đặc biệt là về vấn đề chênh lệch giá và vai trò của Nghị định 24 (khung pháp lý về hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng).
Tại cuộc họp này, bà Lê Thúy Hằng – Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đưa một thông tin đáng chú ý và tưởng như nghịch lý.
Bà Hằng cho biết, số lượng vàng trên thị trường Việt Nam còn rất ít, bởi có những năm, những thời điểm, giá nguyên liệu và giá vàng SJC thấp hơn hoặc bằng, các thương hiệu trong nước nấu vàng miếng của SJC để sản xuất nhẫn và nữ trang.
Đặc biệt, năm 2019, thị trường vàng xuất đi nước ngoài rất nhiều cho nên lượng vàng SJC trên thị trường hiện nay còn rất ít. Nguồn cung hiện tại không có trong khi nhu cầu thị trường có, do vậy tạo ra độ chênh về giá so với vàng thế giới, Tổng giám đốc SJC lý giải.
Cao điểm trong lịch sử, vào năm 2012 thị trường Việt Nam từng ghi nhận có khoảng 20 triệu lượng vàng miếng SJC đã được đưa ra thị trường. Từ đó đến nay, Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng với thương hiệu SJC; SJC chục năm qua cũng không được dập một miếng vàng nào từ nguyên liệu.
Với thông tin trên, lượng vàng miếng SJC hiện có trên thị trường đã giảm đi, song chưa có con số thống kê cụ thể được công bố hoặc ước lượng.
Còn khớp với thông tin từ Tổng giám đốc SJC, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy cũng chính trong năm 2019 Việt Nam đã xuất khẩu một lượng vàng lớn. Quy mô xuất khẩu này tiếp tục đột biến sang năm 2020.
Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm từ 627,4 triệu USD năm 2018 đã tăng vọt tới 2,1 tỷ USD năm 2019; trong đó có lượng vàng miếng SJC được nấu, rồi chế tác thành sản phẩm vàng nữ trang, mỹ nghệ cho xuất khẩu.
Quy mô xuất khẩu những mặt hàng này năm 2020 tiếp tục tăng lên tới 2,6 tỷ USD. Nhưng sang năm 2021 dòng chảy này thu hẹp lại còn 836,23 triệu USD; cập nhật đến giữa tháng 7 năm nay ở mức 581,72 triệu USD.
Diễn biến trên, đặc biệt trong các năm 2019-2020, đã có một lượng vàng miếng SJC nấu để chuyển hóa thành vàng nữ trang, mỹ nghệ để xuất khẩu. Doanh nghiệp chuyển hóa như vậy để có vàng nữ trang, mỹ nghệ có giá trị gia tăng cao hơn; nhưng điều này cũng cho thấy họ khó khăn trong nguồn vàng nguyên liệu để chế tác cho xuất khẩu nên buộc phải nấu vàng miếng SJC.
Với Nghị định 24, Nhà nước vẫn độc quyền nhập khẩu vàng, các doanh nghiệp đầu mối không được nhập vàng nguyên liệu. Vàng nguyên liệu vào Việt Nam thời gian qua được phát hiện qua nhiều vụ quy mô lớn bằng nhập lậu.
Theo đó, thời gian qua cho đến nay vẫn thường có đề xuất Nhà nước mở cơ chế cho doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu, phục vụ cho sản xuất vàng nữ trang, mỹ nghệ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước cũng như để xuất khẩu.
Nguồn: cafef.vn