VNDirect: Giá thịt lợn có khả năng đạt đỉnh trong quý 3, triển vọng cổ phiếu chăn nuôi đã được phản ánh vào giá

VNDirect: Giá thịt lợn có khả năng đạt đỉnh trong quý 3, triển vọng cổ phiếu chăn nuôi đã được phản ánh vào giá

Theo VNDirect, nhà đầu tư nên thận trọng và chọn lọc giữa các cổ phiếu sản xuất thịt, bởi triển vọng tích cực phần lớn đã được phản ánh vào giá.

Giá thịt lợn dự báo sẽ sớm đạt đỉnh

Sau thời gian tăng nóng, giá cả hàng hóa đang có dấu hiệu hạ nhiệt rõ rệt. Theo đó, giá lúa mì thế giới tháng 6 giảm 11,6% so với tháng trước, sau khi đạt mức cao kỷ lục trong 5 năm. Trong khi đó, giá ngô và đậu tương vẫn dao động ở mức cao trong tháng 6, song tốc độ tăng giá đã chậm lại so với đầu quý 2/22.

Dựa trên dự báo giá hàng hóa toàn cầu cả năm của World bank, VNDirect kỳ vọng giá hàng hóa sẽ giảm nhẹ khoảng 6-10% trong 6 tháng cuối năm so. Trong đó, giá thức ăn chăn nuôi trong nước có độ trễ hơn so với giá nông sản thế giới. Vì vậy, VNDirect cho rằng chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ vẫn ở mức cao trong quý 3/2022 và hạ nhiệt dần trong quý 4.

Đối với giá thịt lợn, VNDirect thống kê đến ngày 27/7, giá lợn trong nước tăng 19,9% so với tháng trước và 38,6% so với đầu năm, đặc biệt là tại khu vực miền Bắc. Đà tăng giá thịt lợn chủ yếu do thiếu hụt nguồn cung ở một số tỉnh do dịch ASF (dịch tả lợn châu Phi) bùng phát trong quý 1, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao và tác động từ đà tăng giá lợn ở Trung Quốc.  Tuy nhiên, giá lợn hơi Trung Quốc đã hạ nhiệt 9,5% vào ngày 27/7 so với mức đỉnh 23,92 ndt/kg (tương đương 82.600 đồng/kg) vào ngày 6/7.

Do đó, VNDirect kỳ vọng giá lợn Trung Quốc sẽ hạ nhiệt trong ngắn hạn do nguồn cung dần ổn định (kể từ cuối tháng 6, nguồn cung thịt lợn đã tăng 8,4%) và Trung Quốc đang bước vào mùa tiêu thụ thấp. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng đang thực hiện các biện pháp để ngăn giá thịt lợn tăng mạnh.

Về thị trường trong nước, hiện chưa có dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung thịt lợn khi tổng đàn lợn cả nước nửa đầu năm 2022 vẫn tăng 3,8% so với cùng kỳ và sản lượng thịt lợn tăng 5,7%. Thứ hai, giá lợn đóng góp khoảng 4% vào CPI của Việt Nam. Với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm nay, Chính phủ sẽ theo dõi sát diễn biến tăng giá gần đây và có khả năng sẽ áp dụng một số biện pháp bình ổn trong trường hợp giá lợn tăng nhanh hơn nữa. Đội ngũ phân tích kỳ vọng giá lợn hơi sẽ đạt đỉnh ở mức 80.000đ/kg sau đó hạ nhiệt vào quý 4/2022, bình quân cả năm 2022 ở mức 60.000 đồng (-2,9%).

P/E của các doanh nghiệp sản xuất thịt đang ở mức khá cao

VNDirect nhận định thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất thịt đã tăng đáng kể từ ngày 22/6 theo đà tăng giá lợn hơi, bao gồm DBC (+65,0%), HAG (+45,6%) và BAF (+22,2%). Hiện tại, cổ phiếu của các DN sản xuất thịt đang được giao dịch ở mức P/E 11,5-20,7 lần, cao hơn mức định giá của DBC trong giai đoạn tháng 6/2019 – tháng 12/2019 khi giá lợn hơi tăng cao.

Do đó, nhà đầu tư nên thận trọng và chọn lọc giữa các cổ phiếu sản xuất thịt, bởi triển vọng tích cực phần lớn đã được phản ánh vào giá. Tiềm năng tăng giá của cổ phiếu này thời gian tới sẽ đến từ giá ngũ cốc toàn cầu thấp hơn dự kiến, giá lợn hơi cao hơn dự kiến và nhu cầu tiêu thụ thịt mạnh hơn dự kiến. Mặt khác, nhà đầu tư cần lưu ý một số rủi ro đến từ giá nguyên vật liệu đầu vào cho thức ăn chăn nuôi cao hơn dự kiến và  giá lợn hơi thấp hơn dự kiến.

Đối với DBC, VNDirect cho rằng biên lợi nhuận gộp của DBC vẫn sẽ chịu áp lực trong quý 2 do tác động của giá thức ăn chăn nuôi đầu vào tăng cao và giá lợn hơi đi ngang. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp trong quý 3 sẽ phục hồi đáng kể so với quý trước nhờ giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt.

Đối với MML, đội ngũ phân tích ước tính 40% thịt lợn đầu vào của MML được nhập từ bên thứ ba, do đó giá lợn hơi tăng sẽ dẫn đến tăng chi phí đầu vào. Tuy nhiên, MML có sức mạnh đặt giá giúp chuyển chi phí đầu vào tăng sang người tiêu dùng và tăng giá bán lẻ thông qua đa dạng hóa sản phẩm. Do đó, VNDirect cho rằng biên lợi nhuận gộp của MML sẽ cải thiện nhẹ khoảng 1-2% trong quý 3 nhờ giá bán lẻ tăng sẽ bù đắp cho giá heo hơi đầu vào tăng.

Còn với HAG, doanh nghiệp có thể tận dụng sản lượng chuối không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu từ mảng kinh doanh trái cây để làm nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi. Chuối sấy thành bột (cung cấp đạm cho lợn) chiếm 40% nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong khi nguyên liệu nhập khẩu (ngô, đậu tương) chiếm 60%. Do đó, HAG có giá vốn hàng bán khoảng 38.000 đ/kg, thấp hơn so với các đối thủ như DBC, MML và BAF. Biên lợi nhuận gộp của HAG trong quý 3 sẽ tăng rõ rệt nhờ chi phí đầu vào thấp nhất trong số các nhà sản xuất thịt niêm yết.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: