Các cổ phiếu như BCM, SAB, VRE, NVT… tăng giá mạnh nhờ công bố kết quả kinh doanh quý II tích cực.
Thị trường chứng khoán biến động giằng co trong tuần giao dịch từ 25-29/7 nhưng VN-Index vẫn vượt được mốc 1.200 điểm. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 1.206,33 điểm, tương ứng tăng 11,57 điểm (0,97%) so với tuần trước đó. Trong khi đó, HNX-Index giảm 0,22 điểm (-0,08%) xuống 288,61 điểm, UPCoM-Index tăng 0,77 điểm (0,87%) lên 89,61 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 14.084 tỷ đồng/phiên, giảm 2%, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân giảm 6,7% xuống còn 12.143 tỷ đồng/phiên.
Nhiều nhóm ngành cổ phiếu tăng giá tốt trong tuần qua, trong nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán có 20 mã tăng, trong khi số mã giảm là 10. BCM của Becamex IDC (HoSE: BCM) tăng mạnh nhất với 10,5%. Doanh nghiệp này vừa công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu thuần 1.924 tỷ đồng, tăng 13,7% so với đầu năm. Trong đó, doanh thu kinh doanh bất động sản và bất động sản đầu tư đạt 1.511 tỷ đồng, tăng 24% và chiếm 78,5% tổng doanh thu. Đơn vị này ghi nhận 978,5 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng hơn 88% so với quý II/2021. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 919 tỷ đồng, tăng 90%.
SAB của Sabeco ( HoSE: SAB ) và VRE của Vincom Retail ( HoSE: VRE ) tăng lần lượt 8,4% và 7,7%. Cả hai doanh nghiệp này đều có kết quả kinh doanh quý II tích cực. Đối với Sabeco, công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng 25% so với cùng kỳ lên 9.000 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế tăng 67% lên 1.793 tỷ đồng. Tron khi đó, doanh thu thuần của Sabeco đạt 1.850 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 773 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, MWG của Đầu tư thế giới di động ( HoSE: MWG ) giảm mạnh nhất trong top 30 vốn hóa với 5,4%. Doanh thu quý II của doanh nghiệp này đạt 34.337 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.131 tỷ đồng; lần lượt tăng 8% và giảm 6,6% so với quý II/2021.
Bên cạnh đó, VIC của Vingroup ( HoSE: VIC ) và HPG của Hòa Phát ( HoSE: HPG ) giảm lần lượt 3,7% và 3%.
Tăng giá
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HoSE thuộc về NVT của Ninh Vân Bay ( HoSE: NVT ) với 22,6%. Theo BCTC hợp nhất quý II, Ninh Vân Bay lãi sau thuế hợp nhất 10,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái báo lỗ. Nguyên nhân chính được doanh nghiệp này đưa ra đó là hoạt động kinh doanh của các công ty con đã tăng trưởng mạnh bởi phục hồi của các hoạt động du lịch trong nước.
Đứng thứ hai trong danh sách tăng giá sàn này là VNS của Ánh Dương Việt Nam ( HoSE: VNS ) với 21,6%. Quý II, công ty ghi nhận doanh thu đạt 246,83 tỷ đồng, tăng 64,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 56,84 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 66,62 tỷ đồng.
Tại sàn HNX, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thuộc về CLM của Xuất nhập khẩu Than – Vinacomin ( HNX: CLM ) với 60,6%. Trong tuần, CLM đã có trọn vẹn cả 5 phiên tăng trần từ 55.600 đồng/cp lên 89.300 đồng/cp. Trong quý II, công ty ghi nhận doanh thu đột biến 6.154 tỷ đồng, gấp 7,7 lần cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế 273 tỷ đồng, gấp 37 lần cùng kỳ năm trước.
Tiếp sau đó, cổ phiếu TTT của Du lịch – Thương mại Tây Ninh ( HNX: TTT ) tăng gần 46% chỉ sau một tuần giao dịch. Tuy nhiên, thanh khoản của TTT chỉ ở mức thấp với khối lượng khớp lệnh bình quân là 640 đơn vị/phiên.
Trong tuần, “tân binh” PCH của Nhựa Picomat (HNX: PCH) tăng gần 43%. PCH lên sàn HNX vào ngày 28/7 với giá tham chiếu 11.000 đồng/cp. Kết phiên 29/7, giá cổ phiếu PCH leo lên mức 15.700 đồng/cp. Nhựa Picomat được thành lập vào tháng 3/2010 với vốn điều lệ là 1 tỷ đồng tại Hà Nội với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Nghiên cứu và Phát triển vật liệu Promat, Công ty TNHH Wecan. Năm 2018, công ty chuyển đổi mô hình và tên gọi mới là Công ty cổ phần Nhựa Picomat. Năm 2019, Nhựa Picomat có hai đợt tăng vốn lên tiếp lên 141,67 tỷ đồng theo phương thức phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Tháng 3/2022 vừa qua, Nhựa Picomat thực hiện IPO với mức giá 10.000 đồng/cp, tăng vốn điều lệ lên 200 tỷ đồng.
Ở sàn UPCoM, NHV của Đầu tư NHV ( UPCoM: NHV ) tăng giá mạnh nhất với 44%. Các cổ phiếu còn lại trong danh sách tăng giá mạnh sàn UPCoM đều thuộc nhóm thanh khoản rất thấp.
Giảm giá
SVI của Bao bì Biên Hòa ( HoSE: SVI ) giảm giá mạnh nhất sàn HoSE với 11,25%, đây cũng là cổ phiếu duy nhất ở sàn này có mức giảm trên 10%.
Tiếp sau đó, DBC của Dabaco ( HoSE: DBC ) giảm gần 10% chỉ sau một tuần giao dịch. Trong quý II, Dabaco ghi nhận doanh thu đạt 2.966,37 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 14,28 tỷ đồng, giảm 93,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ở sàn HNX, cổ phiếu MHL của Minh Hữu Liên ( HNX: MHL ) giảm mạnh nhất với 20,2%. Tuy nhiên, thanh khoản của MHL chỉ duy trì ở mức rất thấp. Tương tự, SJE của Sông Đà 11 ( HNX: SJE ) cũng giảm hơn 20% chỉ sau một tuần giao dịch.
Cổ phiếu TBR của Địa ốc Tân Bình ( UPCoM: TBR ) giảm mạnh nhất sàn UPCoM với 45%. Đây cũng là mã có mức giảm mạnh nhất thị trường trong tuần qua. Cổ phiếu TBR mới chỉ giao dịch trên UPCoM từ 14/7 với giá tham chiếu 29.000 đồng/cp. Tuy nhiên, ngay sau khi lên sàn, cổ phiếu này liên tục giảm giá và phải đến phiên 29/7 mới có một phiên tăng giá.
Các cổ phiếu còn lại trong danh sách giảm giá sàn UPCoM cũng đều thuộc diện thanh khoản rất thấp.
Nguồn: cafef.vn