Tổ chức tài chính Quốc Tế (IFC) dự kiến đầu tư 600 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần BaF Việt Nam (BaF, Công ty) thông qua Trái phiếu chuyển đổi. Mở rộng chăn nuôi hiện đại theo mô hình 3F khép kín, nâng quy mô đàn lên gần 1,5 triệu với sản lượng sản xuất gần 4 triệu heo nái và heo thịt năm 2025.
BAF: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Theo Tờ trình Lấy ý kiến Cổ đông bằng văn bản của BaF ngày 27/7/2022, BaF đệ trình Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án chào bán, sử dụng vốn từ đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ trị giá 600 tỷ đồng cho IFC.
IFC – thành viên của Ngân hàng Thế Giới (World bank) là một trong những tổ chức tài chính toàn cầu hoạt động vì sự Phát triển bền vững (PTBV) tập trung vào các nền kinh tế đang phát triển thông qua việc đầu tư vào các Doanh nghiệp tư nhân. Với sứ mệnh thúc đẩy phát triển kinh tế bằng cách khuyến khích phát triển các Doanh nghiệp tư nhân, IFC đã đầu tư hơn 321 tỷ USD trong hơn 60 năm qua. IFC đã tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam gần 10 năm thông các Doanh nghiệp như Techcombank, Masan, GEC…
Nhằm mục đích hỗ trợ khắc phục hậu quả của dịch tả heo châu Phi (ASF) với ngành chăn nuôi heo khu vực châu Á bên cạnh đảm bảo nhu cầu thực phẩm sạch cho người dân, IFC hướng đến đầu tư vào các Doanh nghiệp chăn nuôi hiện đại áp dụng mô hình 3F (FEED-FARM-FOOD) tại Việt Nam mà BaF là một trong những Doanh nghiệp điển hình. Tính đến thời điểm hiện tại, BaF đã hoàn thiện chuỗi 3F thông qua việc sở hữu 2 nhà máy Thức ăn chăn nuôi – 260.000 tấn/năm; 16 trang trại hiện đại với tổng đàn lên đến 200.000 đầu heo; chuỗi phân phối thực phẩm với hơn 50 cửa hàng và 250 Meat Shop.
Khoản đầu tư sẽ được thực hiện dưới hình thức trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có Tài sản đảm bảo (TSĐB). Tổng số lượng trái phiếu chào bán 600 trái phiếu (mệnh giá 1 tỷ đồng) có kỳ hạn 84 tháng. Lãi suất cố định khá cạnh tranh khoảng 5,25%/năm đến 5,5%/năm. Đây được xem là mức lãi suất khá cạnh tranh đối với trái phiếu không TSĐB. Nguồn vốn từ đợt chào bán sẽ phục vụ cho việc đầu tư mở rộng trang trại, nâng quy mô đàn lên gần 1,5 triệu với sản lượng sản xuất gần 4 triệu heo nái và heo thịt năm 2025.
Ngoài ra, dự kiến IFC sẽ hỗ trợ BaF trong công tác Quản trị Công ty (QTCT) hướng đến áp dụng các thông lệ QTCT tốt nhất nhằm tăng tính minh bạch, đảm bảo quyền lợi Cổ đông. Tích hợp các chỉ tiêu PTBV như tiêu chuẩn GRI vào chiến lược phát triển của Doanh nghiệp, đánh giá E&S (môi trường xã hội) các dự án trang trại nhằm hướng đến sự PTBV. Điều này sẽ nâng cao hình ảnh của BaF và mở rộng cơ hội thu hút dòng vốn ngoại với chi phí thấp trong tương lai.
Doanh thu chăn nuôi tăng gần gấp 3 lần trong 6 tháng đầu năm 2022
BaF vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất Q2/2022 với bức tranh tài chính tăng trưởng về Doanh thu và Lợi nhuận bền vững đến từ mảng chăn nuôi. Sản lượng và Doanh thu từ chăn nuôi liên tục bứt phá trong thời gian gần đây.
Doanh thu thuần hợp nhất trong 6 tháng đầu năm đạt 3.164 tỷ đồng đến từ Doanh thu hoạt động chăn nuôi và Doanh thu bán nông sản. Sản lượng heo bán ra tăng mạnh trong các tháng đầu năm đã thúc đẩy Doanh thu hoạt động chăn nuôi đạt hơn 800 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ. Cơ cấu Doanh thu có sự chuyển dịch tích cực khi Doanh thu hoạt động chăn nuôi chiếm tỷ trọng đến 25% cao hơn hẳn mức 6% cùng kỳ năm trước thể hiện sự chuyển mình trong chiến lược trở thành tập đoàn chăn nuôi hiện đại theo mô hình 3F hàng đầu tại Việt Nam.
Việc giảm tỷ trọng từ mảng kinh doanh nông sản đã thúc đẩy Biên Lợi Nhuận Gộp (LNG) đạt 7% tăng mạnh so với mức 5% cùng kỳ. Chi phí Quản lý doanh nghiệp và Chi phí bán hàng ghi nhận mức tăng so với cùng kỳ để bắt kịp việc phát triển các trang trại nuôi heo hiện đại và mở rộng mạng lưới chuỗi cửa hàng Siba Food và Meat Shop. Lợi nhuận trước thuế và Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm lần lượt ghi nhận 155 tỷ đồng và 128 tỷ đồng. Biên Lợi nhuận ròng đạt 4% cao hơn mức 3% cùng kỳ. Biên EBIT và EBITDA tăng nhẹ lần lượt đạt 5% và 6% thể hiện sự hoạt động hiệu quả và kiểm soát tốt chi phí hoạt động.
Tính đến thời điểm 30/06/2022, Tổng tài sản của BaF ghi nhận 4.856 tỷ đồng giảm 11% so với đầu kỳ chủ yếu đến từ việc thu hồi các khoản phải thu. Các khoản phải thu ngắn hạn giảm mạnh 45% chỉ còn 1.582 tỷ đồng khi BaF tích cực thu hồi công nợ, dồn các nguồn lực để đầu tư và mở rộng thêm hệ thống trang trại. Hàng tồn kho đạt 1.449 tỷ đồng tăng 33% so với đầu kỳ chủ yếu là heo Nái và heo Thịt sẽ được tung ra thị trường vào các tháng sắp đến trong bối cảnh giá heo đang tăng cao do tiết cung trong các tháng gần đây. Tài sản cố định ghi nhận 733 tỷ đồng tăng 35% khi BaF đưa vào vận hành một loạt các trang trại hiện đại trong năm vừa qua. Nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng ghi nhận 420 tỷ đồng tăng nhẹ so với đầu kỳ để đáp ứng cho việc tăng quy mô đàn, đầu tư trang thiết bị và chuồng trại hiện đại. Tuy nhiên, các chỉ số tài chính của BAF phản ảnh tình trạng sức khỏe tài chính vững vàng, tỷ số thanh toán hiện hành và tỷ số thanh toán nhanh lần lượt đạt 1,13 và 0,6 lần. Hệ số Nợ vay/Vốn chủ sở hữu chỉ đạt 0,27 lần.
Tác động của dịch bệnh ASF đã làm ảnh hưởng nghiêm trong đến nguồn cung thịt heo, giá thu mua heo hơi tiếp tục tăng 21% từ đầu Quý 3/2022. Giá thu mua heo hơi đang dao động trong mức cao quanh mức 69.000 đồng/kg và dự kiến sẽ duy trì đến cuối năm. Do đó sẽ đóng góp rất lớn vào Doanh thu và Lợi nhuận của BaF trong các tháng cuối năm. Bên cạnh đó, việc tiếp cận được dòng vốn kịp thời từ IFC sẽ giúp cho BaF mở rộng quy mô, gia tăng tổng đàn để thực hiện theo chiến lược trở thành Top 3 Công ty chăn nuôi tại Việt Nam.
Nguồn: cafef.vn