Nhiều tháng nay, hàng chục người mua biệt thự tại dự án khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Eurowindown Nha Trang, do Công ty CP đầu tư du lịch Eurowindown Nha Trang (Công ty Eurowindow Nha Trang – làm chủ đầu tư) mong muốn chủ đầu tư và UBND tỉnh Khánh Hòa tháo gỡ vấn đề cấp chứng nhận quyền sở hữu.
Đây là những căn được xây dựng trên “đất ở không hình thành đơn vị ở”, do đó, đang gặp điểm nghẽn về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho những căn hộ này trong nghị định hướng dẫn Luật Đất đai.
Điểm nghẽn pháp lý
Bà Nguyễn Thị Lê Minh – ngụ Đà Nẵng, chủ sở hữu căn Mov 43-01, thuộc dự án khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Eurowindown Nha Trang, cho biết mình cùng gần 20 người khác đang trong tình trạng chưa được cấp sổ đỏ cho những sản phẩm đã mua.
Nhiều khách hàng mong muốn được cấp sổ đỏ tại dự án Movenpick. Ảnh: T.N.
Theo bà Minh, trong hợp đồng mua bán, khách hàng sẽ đóng tiền theo tiến độ dự án và nhận được hồ sơ xin cấp sổ đỏ trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà, công trình xây dựng cho người mua. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 12 tháng kể từ khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng, nhưng khách hàng chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Trao đổi với Zing, đại diện Công ty Eurowindow Nha Trang cho biết doanh nghiệp cũng đang cố gắng giải quyết các vướng mắc khách hàng phản ánh. Theo đó, toàn bộ dự án được cấp sổ là đất hỗn hợp, bên cạnh đất thương mại dịch vụ thì có đất ở nông thôn – đất ở không hình thành đơn vị ở.
Phần đất ở nông thôn được cấp phép xây 118 biệt thự để bán cho nhà đầu tư thứ cấp để sở hữu lâu dài. Căn cứ vào đó, chủ đầu tư đã ký hợp đồng và bán cho khách hàng.
Về vấn đề chưa ra sổ đỏ cho khách hàng như hợp đồng đã ký kết, đại diện Movenpick hiện vướng một số chính sách.
“Chúng tôi cũng mong Luật Đất đai sửa đổi sẽ gỡ vướng cho nhà đầu tư cũng như khách hàng đã ký hợp đồng với công ty”, vị này cho hay.
Tại một cuộc hội thảo mới đây, ông Bùi Văn Doanh – Viện trưởng Viện nghiên cứu bất động sản Việt Nam – cho rằng vấn đề pháp lý đang gây trở ngại lớn đến sự phát triển của bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
“Khoảng 2-3 năm trở lại đây, vấn đề này không những không được giải quyết triệt để mà ngày càng trầm trọng hơn. Nhất là việc cấp sổ hồng, sổ đỏ cho các loại hình mới như: Condotel, shophouse, shoptel, villa hay gọi chung là căn hộ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng do chưa có quy định của pháp luật rõ ràng”, ông Doanh nhìn nhận.
GS TS Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Tài chính – ngân sách Quốc hội, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng nên thừa nhận khái niệm “đất ở không hình thành đơn vị ở” vì đây là một giải pháp để tạo điều kiện phát triển thị trường.
“Tuy nhiên, chủ đầu tư không được bắt các nhà đầu tư thứ cấp chuyển lại sản phẩm để chủ đầu tư kinh doanh. Song, chủ đầu tư có quyền đưa ra các tiêu chí cho những sản phẩm nghỉ dưỡng nhằm đảm bảo quy hoạch được đồng bộ, thống nhất. Tóm lại, chúng ta nên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản cho những loại hình này”, ông nêu quan điểm.
Tháo gỡ điểm nghẽn để thu hút nhà đầu tư
Liên quan dự án Movenpick, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết đã yêu cầu Công ty Eurowindow Nha Trang làm hồ sơ về khu đất “đất ở không hình thành đơn vị ở” để báo cáo tham mưu UBND tỉnh chuyển mục đích sang đất thương mại dịch vụ.
Còn Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa cho biết chủ đầu tư muốn chuyển đổi tính chất sử dụng đất phải điều chỉnh quy hoạch, thay đổi giấy chứng nhận đầu tư thì sở mới có căn cứ xử lý các bước tiếp theo.
Nhiều dự án ở bắc bán đảo Cam Ranh có “đất ở không hình thành đơn vị ở”. Ảnh: T.N.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, chỉ riêng tại khu vực bắc bán đảo Cam Ranh qua rà soát có 18 dự án liên quan đến “đất ở không hình thành đơn vị ở”.
Hiện, 16 dự án đã được UBND tỉnh Khánh Hòa giao đất, cho thuê đất đối với loại đất kể trên với diện tích rất lớn như khu nghỉ dưỡng Cam Ranh Flower (hơn 4,2 ha), dự án Cam Ranh Bay Cortages (hơn 4,8 ha), khu du lịch Sài Gòn – Cam Ranh Resort (hơn 4,6 ha)… Trong số này, có 10 dự án chuyển từ “đất ở không hình thành đơn vị ở” sang đất thương mại dịch vụ, còn 8 dự án khác vẫn chưa thực hiện việc chuyển đổi.
Về việc này, một lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết địa phương đã trình Chính phủ những vướng mắc về pháp lý liên quan “đất ở không hình thành đơn vị ở”.
“Chúng tôi đang chờ ý kiến, hướng dẫn từ Trung ương để xử lý. Ngoài ra, địa phương cũng chủ động chỉ đạo các sở ngành liên quan làm việc với nhà đầu tư để giải quyết”, vị lãnh đạo này nói.
GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – cũng cho rằng Chính phủ nên có một văn bản sau khi đã xin ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội về cách áp dụng pháp luật hiện hành để giải quyết các dự án đang bị ách tắc.
Về lâu dài, để khơi thông thị trường bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng, ông cho rằng phải có chính sách thu hút vốn đầu tư một cách hiệu quả, tạo ra sự hấp dẫn về lợi ích cho các bên tham gia và tăng thu ngân sách.
“Nếu các bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được sử dụng đất lâu dài sẽ thu hút các nhà đầu tư thứ cấp”, ông Võ nói.
Bà Hoàng Thị Vân Anh, vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Đất đai, cho biết dự thảo nghị định hướng dẫn Luật đất đai sắp tới sẽ bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ đỏ) cho các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Các địa phương sẽ tiến hành thẩm định kỹ tính pháp lý các dự án trước khi thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho người mua bất động sản nghỉ dưỡng.
Hiện, nhiều dự án mà UBND tỉnh Khánh Hòa giao đất cho các chủ đầu tư triển khai các dự án căn hộ du lịch, khách sạn có khái niệm “đất ở không hình thành đơn vị ở” với diện tích hàng trăm nghìn mét vuông tập trung chủ yếu ở TP Nha Trang và khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), tính đến tháng 9/2021, có tổng số 239 dự án bất động sản du lịch, trong đó ước tính giá trị dự án condotel đạt khoảng 297.128 tỷ đồng; dự án villas ước tính 243.990 tỷ đồng và dự án shophouse ước tính khoảng 154.245 tỷ đồng. Tổng giá trị 3 sản phẩm này khoảng 681.886 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD |
iframe#playerVideo{
width: 100%;
}
Nguồn: cafeland.vn