Thông thường những khoản lãi lớn đột biến thường được công bố sớm nhưng cũng có một số doanh nghiệp đã chờ đến sát hạn cuối.
Đó là 4 doanh nghiệp Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã CK: KBC), Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel – Viettel Global (mã CK: VGI), Tổng Công ty IDICO (mã CK: IDC), Tổng công ty Sông Đà (mã CK: SJG).
Trong các doanh nghiệp trên, có IDC là trường hợp khá đặc biệt khi công ty được đáp ứng ghi nhận doanh thu một lần các dự án KCN Nhơn Trạch 5, Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng cùng Hựu Thạnh. Do đó, doanh thu thuần ghi nhận tăng mạnh do ghi nhận một lần với 2.196 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 93 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lãi đột biến 1.416 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần cùng kỳ năm 2021.
KBC ghi nhận doanh thu giảm 47% nhưng nhờ khoản thu nhập khác bất thường 1.918 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế quý 2 của KBC đạt 1.934 tỷ đồng, bằng 25 lần cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.457 tỷ đồng, bằng 3 lần cùng kỳ.
Khoản thu nhập bất thường đến từ việc KBC nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng (SDN) từ 19% lên 48% (chi thêm thêm 57 tỷ nâng vốn góp từ 39 tỷ lên 96 tỷ đồng), qua đó từ khoản đầu tư thông thường thành công ty liên kết, tức ghi nhận trên BCTC hợp nhất của KBC theo phương pháp vốn chủ sở hữu.
Mặc dù chỉ có vốn điều lệ 200 tỷ đồng nhưng 48% lợi ích của KBC tại SDN có giá trị tới 2.493 tỷ đồng, tức vốn chủ của đơn vị này tại thời điểm 30/6 lên đến gần 5.200 tỷ đồng.
Còn Tổng Công ty Sông Đà (SJG) ghi nhận lợi nhuận tăng cao nhờ thoái vốn khoản đầu tư. Cụ thể, doanh thu thuần giảm 6% nhưng doanh thu tài chính tăng 40 lần, lên 3.128 tỷ đồng
Trong quý 2, Tổng công ty Sông Đà đã bán đấu giá toàn bộ 41,7 triệu cổ phiếu SJS để giảm sở hữu từ 36,65% về còn 0% vốn điều lệ và chính thức không sở hữu tại công ty với giá đấu giá là 102.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, ước tính Tổng công ty Sông Đà đã thu được 4.258 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính cho khoảng tăng đột biến của doanh thu tài chính.
Lợi nhuận của Tổng Công ty Sông Đà đúng ra còn có thể ấn tượng hơn nhiều nếu như doanh nghiệp này không đồng thời trích lập dự phòng phải thu khó đòi lên đến 1.536 tỷ đồng.
Còn VGI, kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng của công ty đến từ việc doanh thu tăng cao, tình hình tài chính của Viettel Global cũng gặp thuận lợi nhờ biến động của tỷ giá cùng với kết quả của các công ty liên liên doanh, liên kết cũng khởi sắc hơn đáng kể so với cùng kỳ.
Trong quý 2, doanh thu VGI đạt 5.850 tỷ đồng, tăng hơn 700 tỷ so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế quý 2 tăng 39%, từ 800 tỷ lên 1.113 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Viettel Global đạt lợi nhuận sau thuế là 2.517 tỷ đồng, tăng 7,7 lần so với cùng kỳ.
Nguồn: cafef.vn