ĐHCĐ Viettel Construction đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với các chỉ tiêu (hợp nhất) doanh thu 8.586 tỷ đồng, tăng trưởng 15% và lợi nhuận sau thuế 414 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2021; Tỷ lệ cổ tức dự kiến chi trả ở mức 20%.
CTR: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Ngày 22/04 đã diễn ra ĐHCĐ thường niên năm 2022 của Tổng CTCP Công trình Viettel – Viettel Construction (Mã CK: CTR). Đại hội đã thông qua nhiều vấn đề quan trọng như kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2022, phương án phân phối lợi nhuận cũng như nhân sự HĐQT nhiệm kỳ mới.
Chi trả cổ tức 2021 tỷ lệ 33,1% , bầu bổ sung 02 thành viên HĐQT mới
ĐHCĐ đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với các chỉ tiêu (hợp nhất) doanh thu 8.586 tỷ đồng, tăng trưởng 15% và lợi nhuận sau thuế 414 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2021; Tỷ lệ cổ tức dự kiến chi trả ở mức 20%.
Viettel Construction cũng thống nhất việc chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 33,1% bao gồm 10% cổ tức bằng tiền (1 cổ phiếu nhận 1.000 đồng) và 23,1% cổ tức bằng cổ phiếu. Lãnh đạo Công trình Viettel cho biết việc chia cổ tức dự kiến được thực hiện trong năm 2022 sau khi được Ủy ban chứng khoán Nhà nước chấp thuận phương án.
Đại hội cũng thông qua miễn nhiệm ông Nguyễn Thanh Nam – Chủ tịch HĐQT CTR nhiệm kỳ 2020-2025 và ông Bùi Thế Hùng – Thành viên HĐQT. ĐHCĐ bầu bổ sung thay thế 02 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 là ông Đỗ Mạnh Hùng và ông Nguyễn Quang Khải.
Thêm vào đó, Đại hội thông qua các HĐ ký với Tập đoàn Viettel về cung cấp dịch vụ đường dây, thuê bao và VHKT hệ thống viễn thông với tổng giá trị đạt 4.500 tỷ đồng, tương đương 61% doanh thu CTR và lợi nhuận 235 tỷ đồng, tương đương 51% lợi nhuận gộp của Tổng công ty.
Kế hoạch 2.500 trạm BTS trong năm nay, “đầu tư vào Công trình Viettel thì tính cho năm 2025 đến 2030 trở đi”
Nhìn lại năm 2021, Viettel Construction đã thực hiện hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất đạt 7.461 tỷ đồng hoàn thành 113% kế hoạch, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2021 đạt hơn 375 tỷ đồng hoàn thành 136% kế hoạch, tăng trưởng 37% so với cùng kỳ năm trước. Những năm gần đây, Viettel Construction đều hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, tăng trưởng kết quả kinh doanh dương.
Ngay trong quý 1/2022, Viettel Construction đạt doanh thu 2.011 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương 23,4% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế quý 1 ước đạt 111,5 tỷ, tăng trưởng 23% so với thực hiện cùng kỳ năm 2021, lũy kế đạt 21,5% Kế hoạch năm.
Về dự kiến đầu tư trạm BTS năm 2022, ông Bùi Thế Hùng – Phó TGĐ Viettel Construction cho biết kế hoạch năm 2022 là xây mới 2.500 trạm BTS, công trình Viettel đang thực hiện tốt và cam kết thực hiện hoàn thành nhiệm vụ này. Trong năm 2022 và các năm tiếp theo CTR sẽ làm việc với chủ đầu tư và các đơn vị khác, dự kiến số lượng cỡ khoảng 2.000-2.500 trạm hàng năm cho đến hết 2025.
“Chi phí 1 trạm BTS trung bình là 210 triệu đồng, có thể tối ưu từ 10-15%. Đối với các dự án trạm BTS, chỉ số IRR khoảng 17-18%. Hiện nay, CTR đã áp dụng phần mềm bảo dưỡng chủ động. Ở đây, bảo dưỡng chủ động đánh giá tác động môi trường, nếu trạm gặp sự cố, sửa ngay lúc đấy sẽ tối ưu chi phí bảo dưỡng lớn, không phát sinh chi phí bảo dưỡng không cần thiết”, ông Hùng chia sẻ thêm.
Ngoài ra, TGĐ Phạm Đình Trường thêm thông tin rằng dự án đầu tư như trạm BTS theo quy định pháp luật cho khấu hao 15 năm. Bản chất dự án của CTR hoàn vốn trong vòng 7 năm, như vậy còn nửa vòng đời nữa. Khi CTR thu hồi hết khấu hao, lợi nhuận sẽ tăng lên nữa. Ông kết luận “Quý cổ đông mà đầu tư vào Công trình Viettel thì tính cho năm 2025 đến 2030 trở đi, đừng tính sang năm”.
Dự báo tăng trưởng hạ tầng viễn thông nhờ đấu thầu tần số 5G
Khi được hỏi về kế hoạch, quy mô triển khai 5G trong tương lai, ông Phạm Đình Trường cho biết đứng về phía nhà mạng, đầu tư thiết bị 5G bao gồm chi phí thiết bị và chi phí nguồn cho thiết bị đó, do vậy giá trị trạm 5G ít nhất gấp đôi trạm 4G. Đồng thời, thời gian dự kiến tắt sóng 2G có thể từ năm 2024, đối với Viettel sẽ tắt các trạm 3G. Tuy nhiên vẫn chưa có văn bản chính thức quy định về vấn đề này. Các yếu tố này sẽ quyết định quy mô về các trạm 5G.
TGĐ Viettel Construction cho biết thêm Tốc độ sử dụng data ở Việt Nam chưa phát triển, cuối năm nay và năm sau mới bước vào đầu tư và hoàn thiện 5G. Trong thời gian tới, đấu thầu tần số 5G dự kiến sẽ giúp bùng nổ thị trường viễn thông. Sau 2023, tốc độ tăng trưởng mảng này 25-30%, nhu cầu các trạm small cell lớn và rải rác khắp cả nước để đảm bảo vùng phủ, số lượng.
Trả lời cổ đông về vấn đề chuyển trạm từ Tập đoàn Viettel, ông Hùng cam kết kế hoạch này vẫn đang được TCT theo đuổi. Tuy nhiên việc bán tài sản từ công ty nhà nước sang công ty cổ phần không đi nhanh được, phải từng bước và lộ trình cụ thể.
Đặc biệt, Viettel Construction còn có lợi thế lớn khi thuộc Tập đoàn Viettel nên có đủ năng lực đảm nhận, thi công số lượng trạm vượt trội so với các đơn vị khác. Lực lượng Viettel Construction có 10.000 nhân sự, trải khắp 63 tỉnh thành, đảm bảo thi công vài nghìn trạm 5G/ tháng.
Cơ hội từ mảng xây dựng B2C, nơi mà Hòa Bình, Coteccons khó có thể vươn tới
Về mảng xây dựng dân dụng, trả lời câu hỏi của cổ đông có hướng đến thiết kế thi công, thi công EPC hay chìa khóa trao tay? TGĐ CTR khẳng định cả 2 nhóm xây dựng B2B và B2C năng lực đều đủ khả năng.
Mảng xây dựng B2C là lĩnh vực rất tiềm năng. Viettel Construction có thể đi từ tư vấn, thiết kế, xây dựng giải pháp nội thất, Nhà thông minh,.. sau khi hoàn thiện cung cấp cả dịch vụ kỹ thuật. Hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ là lợi thế mà Viettel Construction có so với đối thủ cùng ngành. Ngoài ra, công trình xây dựng xong được bảo hành trong 12 tháng, CTR còn hỗ trợ người dân các quy định thủ tục pháp luật về xây dựng..
B2B và B2C còn khởi đầu hệ sinh thái của Viettel Construction, ông Trường nhấn mạnh rằng lợi thế lớn nhất của Viettel Construction là sở hữu đội ngũ cả xây thô và cả lắp đặt kỹ thuật, không nên nhìn vào biên lợi nhuận 3-5% lớn nhất mảng xây dựng. Quan trọng sau này, GPTH cung cấp nội thất, dịch vụ kỹ thuật hậu mãi mới có biên lợi nhuận mới cao.
Ngoài ra, TGĐ Phạm Đình Trường còn hé lộ cập nhật dự án xây dựng trụ sở Viettel Construction, khả quan sẽ mua tài sản hình thành trong tương lai. Nhanh thì cuối năm 2024 có trụ sở, các công ty thành viên và tập đoàn Viettel dự định mua 2 tòa tháp rơi vào ngã 4 đường Mạc Thái Tông và Nguyễn Chánh, đây là vị trí rất đắc địa. Hiện tại tập đoàn đang đứng ra chủ trì giải quyết các thủ tục.
Hết 2022, ông Trường đánh giá quy mô mảng xây dựng dân dụng của người dân và doanh nghiệp tiềm năng đạt 300 nghìn tỷ.
Trả lời cổ đông về việc lạm phát chi phí nguyên vật liệu đầu vào có ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp trong tương lai hay không? Cựu TV HĐQT Bùi Thế Hùng cho biết cơ bản biên LNG mảng hạ tầng cho thuê 20-25%, đóng góp cơ cấu 20% lợi nhuận của công ty, không bị ảnh hưởng từ chi phí. Do Viettel Construction nhận gói trạm 2.500 từ tháng 11 năm ngoái hoặc từ đầu năm đều có kế hoạch mua sắm nguyên vật liệu ở các thời điểm trước đó rồi. Ngoài ra, Viettel Construction có các “partner” lớn ở các mảng NVL, sắp thép, xi măng ngay khi công ty có đơn hàng sẽ đảm báo giá từ đầu. Đồng thời, trong công thức tính toán giá cho thuê khi đầu vào biến động đồng nghĩa với việc đầu ra có sự tăng đảm bảo hiệu quả dự án.
TGĐ Phạm Đình Trường chia sẻ thêm về lợi thế cạnh tranh lớn nhất của công ty: “Hiện tại Viettel Construction đã chuẩn bị sẵn sàng từ vốn, từ chiến lược, từ con người. Câu chuyện còn lại là thị trường bao giờ bùng nổ, ngay khi bùng nổ Viettel Construction tự tin đứng top 1”.
Nguồn: cafef.vn