Ghi nhận tại các chợ dân sinh và các siêu thị lớn, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hàng hóa nhu yếu phẩm đã hạ nhiệt.
Sau khi những số liệu mới nhất về tình hình giá cả tháng 7 được công bố, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về tăng cường biện pháp quản lý, điều hành giá, đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là trong bối cảnh mặt hàng xăng dầu đã hạ nhiệt.
Bước đầu ghi nhận tại các chợ dân sinh và các siêu thị lớn, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống đã hạ nhiệt. Doanh nghiệp và các cơ quan quản lý giám sát diễn biến thị trường tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp dài hạn từ nay đến cuối năm.
Theo khảo sát tại chợ Thành Công B, Hà Nội, giá các mặt hàng rau, củ, quả tươi giảm mạnh nhất, dao động từ 20 – 30%.
Cũng theo đà giảm, giá thịt lợn móc hàm ghi nhận xuống nhẹ 2.000 đồng/kg, khiến giá mỗi kg lợn thành phẩm giảm 10 – 20% so với tuần trước đó.
Cách đây 2 tuần, 1 kg thịt cốt lết có giá 130.000 đồng, nhưng hiện chỉ còn 100.000 đồng. Một số sản phẩm khác như thịt nạc xay, ba rọi, chân giò lợn, mức giá đến tay người tiêu dùng cũng đã giảm xuống từ 10.000 – 40.000 đồng/kg.
Tại một siêu thị ở TP Hồ Chí Minh, hàng hóa nhu yếu phẩm như mì gói, dầu ăn, thực phẩm, sữa… giảm giá phổ biến từ 10 – 30%. Giá các sản phẩm tươi sống, rau, củ, quả… cũng đã điều chỉnh giảm, nhiều nhất đến 33%.
“Nếu giảm giá được thì người dân mua đồ dễ dàng hơn, giảm được 10% rồi, như khi mình mua xà bông, cũng giảm được mấy chục ngàn một chai xà bông”, chị Thới Thị Mỹ Linh, Quận 8, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.
“Mặt hàng sữa với trái cây mình đang lựa thì mình thấy giảm nhiều, ví dụ trái cây như dưa hấu mình thấy giảm 20% luôn, tuần trước mình đi thấy giá cao hơn. Thực tế mình thấy cùng với số tiền đó, mình mua được nhiều hàng hơn, giỏ hàng đầy hơn”, chị Nguyễn Huỳnh Như, Quận 7, TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Đại diện siêu thị cho biết, nếu các đơn vị cung ứng, nhà sản xuất sản phẩm đầu vào giảm giá thì phía siêu thị cũng hạ giá ngay trên kệ hàng. Bình thường công tác điều chỉnh giá phải mất từ vài tháng, nhưng nay chỉ còn dưới 15 ngày, một số mặt hàng tươi sống cập nhật hàng ngày.
Chi phí vận tải giảm theo giá xăng, dầu và sự điều chỉnh giá sản phẩm từ quốc tế là yếu tố tác động đến việc giảm giá hàng hóa.
“Một số ngành hàng phụ thuộc vào tăng, giảm từ thị trường quốc tế, khi có những tín hiệu giảm từ thị trường quốc tế thì ngay lập tức chúng tôi làm việc với nhà cung cấp để điều chỉnh giá kịp thời, cũng như gia tăng chương trình khuyến mãi giúp khách hàng có sản phẩm với giá cả hợp lý, rẻ hơn so với trước đây”, ông Nguyễn Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Ngành hàng Thực phẩm khô Lotte Mart Việt Nam, cho hay.
Hiện các hệ thống siêu thị tại TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp để điều chỉnh giá với những mặt hàng chịu tác động bởi giá xăng dầu. Tuy nhiên, chi phí đầu vào như nguyên liệu, bao bì… vẫn còn neo ở mức cao cũng tác động không nhỏ đến việc đưa giá hàng hóa thị trường về trạng thái cân bằng.
Nguồn: cafef.vn