USD và bảng Anh lao dốc, vàng tăng mạnh lên cao nhất 1 tháng

USD và bảng Anh lao dốc, vàng tăng mạnh lên cao nhất 1 tháng

USD giảm giá so với hầu hết các loại tiền tệ chủ chốt do dự đoán dữ liệu việc làm mới mà Mỹ sắp công bố sẽ tăng cao, trong khi bảng Anh cũng giảm bất chấp Ngân hàng trung ương Anh tăng lãi suất mạnh nhất kể từ 1995.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 4/8 theo giờ Việt Nam giảm 0,338% xuống 106,110, trong đó đồng euro tăng 0,35% lên 1,02 USD. Đồng yên Nhật tăng 0,40% so với đồng bạc xanh lên 133,32 JPY/USD.

Thị trường tạm bỏ qua những thông điệp giọng điệu ‘diều hâu’ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để tập trung theo dõi dữ liệu việc làm của Mỹ – dự báo sẽ đạt mức cao, gây áp lực giảm giá lên đồng USD, bất chấp tâm lý bi quan về nguy cơ xuất hiện một cuộc suy thoái kinh tế kéo dài.

Số lượng người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua đã tăng lên, trong khi thâm hụt thương mại của Mỹ tháng 6 thu hẹp lại với xuất khẩu tăng lên mức cao kỷ lục – một xu hướng có thể thấy thương mại tiếp tục đóng góp quan trọng vào tổng sản phẩm quốc nội nước này trong quý III.

Juan Perez, giám đốc phụ trách giao dịch của Monex USA ở Washington, cho biết: “Hiện nay trên các thị trường đều có tâm lý rằng chúng tôi biết điều gì sẽ xảy ra trong điều kiện thắt chặt tiền tệ”. Các nhà đầu tư đang có quan điểm rằng “bất kỳ cuộc suy thoái nào mà chúng ta đang đối mặt trong vài tháng tới sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.”

Các quan chức Fed tiếp tục phủ nhận quan điểm rằng lãi suất của Mỹ đã gần đạt đến đỉnh. Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly và Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari cho biết Fed vẫn quyết tâm kiềm chế lạm phát cao.

Tuy nhiên, những tác động đối với USD từ những lời hùng biện đó của các quan chức Fed đang mờ nhạt dần. Các nhà đầu tư vẫn tin tưởng hơn vào những đánh giá của chính bản thân mình dựa trên những dữ liệu kinh tế Mỹ, mà gần đây nhất sẽ là dữ liệu việc làm.

Các nhà đầu tư sẽ có một “bức ảnh chụp nhanh” về tình trạng nền kinh tế Mỹ sau khi Bộ Lao động nước này báo cáo dữ liệu việc làm tháng Bảy vào ngày thứ Sáu (5/8). Các dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm Mỹ tiếp tục mạnh mẽ có thể sẽ củng cố kỳ vọng về việc Fed tiếp tục lộ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ.

Francesco Pesole, chiến lược gia tiền tệ của ING, cho biết: “Hôm qua, chúng ta đã thấy một số bình luận ‘diều hâu’, nhưng có lẽ điều đó là chưa đủ và các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm sự xác nhận từ dữ liệu, đặc biệt là số liệu việc làm của ngày mai”. “Ảnh hưởng đối với đồng đô la đang giảm dần trong ngày hôm nay. Tâm lý rủi ro cũng lạc quan hơn và có vẻ như thị trường không quá lo lắng về vấn đề Đài Loan.”

Kết quả một cuộc thăm dò của Reuters công bố hôm 4/8 cho thấy sức mạnh của đồng đô la vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm. Trong số những người được thăm dò ý kiến, 70% cho rằng đồng đô la vẫn còn dư địa để tăng thêm trong chu kỳ này, ngay cả sau khi đã đạt mức cao nhất trong hai thập kỷ vào tháng Bảy.

Hiện thị trường định giá Fed sẽ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc hop vào tháng 9 tới, và không loại trừ khả năng tăng 75 điểm cơ bản (44% khả năng này). Fed đã tăng lãi suất 75 điểm cơ bản trong cả cuộc họp tháng 6 và tháng 7.

Đồng bảng Anh lúc kết thúc ngày 4/8 theo giờ Việt Nam giảm 0,22% xuống 1,2116 USD, bất chấp việc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vừa tăng lãi suất nhiều nhất kể từ năm 1995, do BoE cảnh báo rằng một cuộc suy thoái kéo dài đang đến, với lạm phát lên tới 13%. Trước đó, khi BoE chưa công bố quyết định tăng lãi suất, bảng Anh tăng 0,3% lên 1,2184.

Trong cuộc họp vào ngày thứ Năm (4/8), BOE quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, lên 1,75% – đợt tăng lãi suất lần thứ 6 kể từ tháng 12/2021 và là đợt tăng mạnh nhất trong 27 năm qua, đưa lãi suất của Anh lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2008, nhằm giải quyết tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao, bất chấp lo ngại rằng nền kinh tế đang tiến tới suy thoái.

Lạm phát tại Anh đã tăng lên 9,4% trong tháng 6/2022 và dự báo có thể lên tới 13% vào cuối năm nay khi nền kinh tế có thể bước vào suy thoái. Động thái quyết liệt tăng lãi suất của BOE đã đưa quỹ đạo thắt chặt tiền tệ của ngân hàng này tiến gần hơn với xu hướng do Fed và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đặt ra khi hai cơ quan này đã tăng lãi suất tương ứng 0,75 và 0,5 điểm phần trăm trong tháng 7 vừa qua.

Tại Châu Á, đồng nhân dân tệ Trung Quốc tăng trong phiên vừa qua mặc dù đà tăng bị cản trở bởi lo ngại về căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ nội địa phiên 4/8 tăng 27 pip lên 6,7570 CNY.

Trên thị trường tiền điện tử, đồng Bitcoin đúng như dự đoán, tiếp tục biến động thất thường trong bối cảnh các tài sản rủi ro cao có diễn biến tương tự.

Lúc kết thúc phiên 4/8 theo giờ Việt Nam, Bitcoin có giá 22.906 USD.

Đáng chú ý, giá vàng tăng hơn 1% để đạt mức cao nhất trong một tháng do USD thoái lui và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm giữa bối cảnh các nhà đầu vàng đang tư theo dõi chặt chẽ vấn đề căng thẳng Mỹ-Trung.

Lúc kết thúc ngày 8/8 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 1,1% lên 1.784,70 USD/ounce, trước đó có lúc vọt lên mức cao nhất kể từ ngày 5/7. Giá vàng kỳ hạn tháng 12 cũng tăng 1,5% lên 1.803,50 USD/ounce.

David Meger, giám đốc giao dịch kim loại thuộc High Ridge Futures cho biết: “Vào cuối năm, lợi suất đang giảm nhẹ, cùng với sự suy yếu gần đây của đồng đô la, một trong những yếu tố chính có lợi cho vàng”.

Sự thoái lui của đồng đô la đã củng cố sức hấp dẫn của vàng đối với những người mua ở nước ngoài, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn tham chiếu giảm làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi vốn không sinh lời.

Ông Meger nói thêm: “Chúng ta đã chứng kiến một số căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, đó là một lý do bổ sung nữa khiến giá vàng đang được hỗ trợ tích cực”.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: