Doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất được ghi nhận trong nửa đầu năm với mức khoảng 22.000 tỷ đồng. Tùy theo ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh, các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ đóng nhiều các loại thuế khác nhau.
Theo bạn, một doanh nghiệp sẽ phải đóng những loại thuế nào trong một năm?
Trong nửa đầu năm vừa qua, đã có nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm nhưng đóng hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế. Lý do là ngoài thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp còn đóng các sắc thuế khác.
Hiện, sắc thuế mà doanh nghiệp nào cũng phải nộp về cho Nhà nước là thuế thu nhập doanh nghiệp – được tính bằng thu nhập tính thuế trừ đi các khoản trích lập quỹ rồi nhân với thuế suất được quy định trong Thông tư 96/2015 của Bộ Tài chính. Thuế suất của một doanh nghiệp cũng tùy thuộc theo lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp đó được Bộ Tài chính Thông tư 78/2015, tuy nhiên đa số các doanh nghiệp hiện nay sẽ chịu mức thuế suất là 20%.
Ngoài ra, các công ty trong nước sẽ phải đóng nhiều những khoản thuế khác tùy thuộc vào ngành nghề kinh doanh như thuế tài nguyên – dành cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản; thuế xuất nhập khẩu; thuế bảo vệ môi trường; thuế sử dụng đất; thuế môn bài; thuế tiêu thụ đặc biệt… Và các công ty sẽ đóng thêm một số loại thuế hộ khách hàng của mình khi cộng khoản thuế này vào trong giá thành sản phẩm bán ra như thuế giá trị gia tăng (VAT) và thu nhập cá nhân hộ người lao động.
Trong nửa đầu năm, đơn vị đóng thuế nhiều nhất trên sàn chứng khoán là Petrolimex ( HoSE: PLX ) với số thực nộp là hơn 22.000 tỷ đồng. Trong quý II, đơn vị này lại ghi nhận lỗ và lợi nhuận nửa đầu năm giảm mạnh.
Cụ thể, khoản lỗ sau thuế của công ty quý II là 140,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đơn vị này lãi gần 1.600 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, Petrolimex thu được về 206,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 90,4%. Đơn vị này lý giải về nguyên nhân lỗ rằng, giá xăng trong quý II tăng cao, nhiều thời điểm ở trên mức 30.000 đồng/lít khiến công ty phải trích lập khoản dự phòng lớn.
Tại thời điểm cuối quý II, giá trị hàng tồn kho của tập đoàn ở mức 23.478 tỷ đồng, tăng 75,6% so với đầu năm và giảm nhẹ 1,2% so với cuối quý I. Tập đoàn đã phải trích lập dự phòng 1.330 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 224 tỷ đồng đầu năm và 523 tỷ đồng cuối quý I.
Trong số hơn 22.000 tỷ đồng tiền thuế đã đóng, thuế bảo vệ môi trường là loại thuế lớn nhất đơn vị này phải đóng với mức 12.645 tỷ đồng vì mặt hàng xăng dầu gây ra những tác động xấu đến môi trường. Ngoài ra, nhập khẩu dầu từ ngoài rồi cung cấp ra thị trường nên Petrolimex đã đóng gần 4.900 tỷ đồng VAT hàng nhập khẩu và 1.390 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu hộ cho khách hàng của mình. Xăng dầu còn chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt với số tiền doanh nghiệp đã đóng là 1.002 tỷ đồng, khoản mục này cũng là công ty đóng hộ cho người mua xăng dầu.
Sau Petrolimex, Vinhomes ( HoSE: VHM ) – công ty con thuộc tập đoàn Vingroup ( HoSE: VIC ) là đơn vị cũng đóng gần 20.000 tỷ đồng tiền thuế trong nửa đầu năm. Trong quý II, Vinhomes đã ghi nhận khoản lợi nhuận giảm từ 10.572 tỷ đồng về còn 622 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ quý IV/2017. Lũy kế 6 tháng, đơn vị này ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 5.347 tỷ đồng, giảm 66,6%.
Mặc dù lợi nhuận giảm 67% trong một quý nhưng doanh nghiệp này đã đóng 19.960 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022. Trong đó, khoản thuế thu nhập doanh nghiệp là 4.069 tỷ đồng, đóng VAT hộ khách hàng là là 954,3 tỷ đồng và các loại thuế khác khoảng 14.946 tỷ đồng. Là doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản với quỹ đất lớn nên khoản thuế sử dụng đất của Vinhomes sẽ chiếm phần lớn trong khoản 14.946 tỷ đồng các loại thuế khác trên.
Một doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản khác là Địa ốc No Va (Novaland, HoSE: NVL ) cũng đóng khoản thuế lớn trong kỳ vừa rồi dù lợi nhuận giảm. Trong quý II, lợi nhuận sau thuế của Novaland đạt 772 tỷ đồng, giảm 41,2% so với đầu năm. Lũy kế 6 tháng, lãi sau thuế của công ty giảm khoảng 10% còn 1.817 tỷ đồng.
Các loại thuế Novaland đã đóng trong kỳ cũng cũng tương tự Vinhomes với tổng số tiền là 1.028 tỷ đồng. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn là khoản thuế cao nhất đơn vị này đóng là 488,5 tỷ đồng. Tiền sử dụng đất công ty phải đóng trong kỳ là gần 8 tỷ đồng.
Với các doanh nghiệp sản xuất, các công ty này sẽ phải đóng thêm một số loại thuế phí đặc trưng khác so với ngành bất động sản. Quý II vừa qua, nếu tính số tuyệt đối, tập đoàn Hòa Phát ( HoSE: HPG ) có lợi nhuận giảm thứ nhiều thứ 2, từ 9.745 tỷ đồng xuống 4.022 tỷ đồng. Giá thép thành phẩm giảm trong khi giá nguyên vật liệu tăng cao cùng các tác động của tỷ giá, chi phí logistics đã khiến lợi nhuận “vua thép” Việt giảm sâu. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận của Hòa Phát đã giảm 27% còn 12.228 tỷ đồng.
Trong kỳ, tập đoàn này đã phải đóng nhiều loại thuế trong đó nhiều nhất là thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu với mức 5.622 tỷ đồng. Hòa Phát thường nhập khẩu quặng sắt và than từ Úc. Mức VAT dành cho thép của Hòa Phát là 10%. Khoản VAT trên đều được cộng vào chi phí bán sản phẩm của tập đoàn để khách hàng trả rồi sau đó sẽ nộp lại về ngân sách Nhà nước. Cùng với đó, lợi nhuận ở mức nghìn tỷ nên đơn vị này cũng nộp 853,4 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đơn vị có thị phần sửa lớn nhất Việt Nam là Vinamilk ( HoSE: VNM ) vừa mới ghi nhận khoản lợi nhuận thấp nhất trong 5 năm trở lại đây nhưng cũng đã đóng hơn 2.000 tiền thuế tiền thuế trong quý vừa qua. Xét về kết quả kinh doanh, công ty sản xuất và tiêu thụ sữa lớn nhất Việt Nam ghi nhận doanh thu 14.930 tỷ đồng, giảm 5%; lãi sau thuế đạt 2.082 tỷ đồng, giảm 26,5 % so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận đơn vị này giảm gần 20% còn 4.348 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho biết lạm phát tăng cao dẫn đến sức tiêu thụ giảm, khiến doanh thu và lợi nhuận giảm. Tại Việt Nam, giá trị tiêu thụ toàn ngành hàng tiêu dùng nhanh giảm 2% trong 5 tháng đầu năm (theo AC Nielsen) và cạnh tranh nhiều hơn khi có nhiều công ty mới gia nhập thị trường sữa. Đây là 2 nguyên nhân khiến doanh thu nội địa quý II giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu xuất khẩu quý II ghi nhận tương đương cùng kỳ và tăng 11% so với quý I. Trong đó, xuất khẩu trực tiếp tăng 24,2% so với quý I nhưng giảm 12% so quý II/2021 do sức mua thị trường xuất khẩu giảm trong ngắn hạn và giá cước vận chuyển vẫn neo ở mức cao. Ngược lại, hoạt động các chi nhánh ở nước ngoài như Driftwood và Anglormilk tăng 22% so với cùng kỳ. Việc sản xuất tại địa phương đã giúp các đơn vị này hạn chế ảnh hưởng của chi phí vận chuyển, giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng ổn định hơn.
Về các loại thuế đã đóng, VAT là khoản lớn nhất Vinamilk đã đóng với mức 933,6 tỷ đồng. Mức VAT của các sản phẩm sữa của đơn vị này là 8%. Thuế thu nhập doanh nghiệp công ty phải đóng là 788,7 tỷ đồng. Ngoài ra, “ông lớn” ngành sữa nhập khẩu nguyên liệu sữa để sản xuất sữa bột từ các nước Mỹ, Úc, New Zealand, EU và Nhật Bản nên đã đóng hơn 62 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu.
Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power, HoSE: POW) báo lãi sau thuế 582 tỷ đồng, giảm 32,5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 1.385 tỷ đồng, giảm 3,1%. Lý giải về nguyên nhân doanh thu và lợi nhuận giảm, lãnh đạo công ty cho rằng giá nhiên liệu than và khí được chấp nhận trong doanh thu thấp hơn giá than và khí thực tế phải trả cho bên cung cấp của các nhà máy nhiệt điện Cà Mau và Vũng Áng 1 khiến giá vốn giảm ít hơn doanh thu, kéo theo lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm.
Trong nửa đầu năm, PV Power đã nộp tổng tổng cộng 519,7 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó khoản lớn nhất là VAT của hàng bán nội địa. Vì có nhà máy sản xuất và thải khí từ các lò than ra môi trường nên PV Power cũng phải đóng thuế nhà đất và thuế tài nguyên với lần lượt số tiền là 91,3 tỷ đồng và 89,8 triệu đồng.
Nguồn: cafef.vn