Việc CASA của nhiều ngân hàng giảm mạnh trong thời gian qua có thể được lý giải khi nhìn vào đặc điểm lỏng lẻo của nguồn vốn giá rẻ…
Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) là một trong những yếu tố quan trọng cho tăng trưởng về hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại (NHTM), đặc biệt đặt trong bối cảnh nền kinh tế còn đối mặt nhiều khó khăn như hiện nay.
Tuy nhiên, những con số trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm nay tại các nhà băng cho thấy diễn biến không mấy khả quan liên quan đến chỉ số này.
Tỷ lệ CASA giảm mạnh tại nhiều thành viên
Khảo sát tại 27 ngân hàng đã công bố BCTC quý 2/2022 cho thấy, có tới 19 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm trong 6 tháng đầu năm (tương đương tỷ lệ 70,4%). Tỷ lệ CASA bình quân của nhóm theo đó đã giảm khá mạnh, xuống còn 17,1%, từ mức 18,4% hồi đầu năm nay.
Tại KienLongBank, tính tới cuối tháng 6/2022, lượng tiền gửi khách hàng giảm tới 16% so với đầu năm trong khi lượng tiền gửi không kỳ hạn giảm mạnh tới 50,9%, xuống còn gần 3,9 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ CASA của ngân hàng theo đó giảm mạnh từ 15,5% hồi đầu năm xuống còn 9,1% kết thúc quý 2/2022, nằm trong nhóm những nhà băng có CASA giảm mạnh nhất và ở mức thấp trong nhóm khảo sát.
Tương tự, lượng tiền gửi không kỳ hạn tại VietABank đã giảm tới 48,6% trong kỳ, khiến CASA giảm xuống chỉ còn 6,2%, so với mức 11,9% hồi đầu năm.
Một số thành viên khác cũng ghi nhận lượng tiền gửi này giảm mạnh bao gồm TPBank giảm 5,2 điểm %, VPBank giảm 3,4 điểm %, VIB giảm 2,3 điểm %…
Đáng chú ý, việc tỷ lệ CASA đi xuống không chỉ diễn ra ở các thành viên có quy mô vừa và nhỏ. Những nhà băng vốn luôn đứng đầu hệ thống trong việc thu hút nguồn vốn rẻ cũng ghi nhận lượng tiền gửi không kỳ hạn sụt giảm khá mạnh trong 6 tháng qua.
Duy trì vị trí “quán quân” về tỷ lệ CASA trong suốt vài năm qua, nhưng trong 2 quý đầu năm nay, lượng tiền gửi không kỳ hạn tại Techcombank cũng đã bắt đầu có dấu hiệu đi xuống khi chỉ còn hơn 152,6 nghìn tỷ đồng, giảm 3,9% so với đầu năm. Tỷ lệ CASA đến cuối tháng 6 chỉ còn 47,5%, so với mức cao kỷ lục 50,5% hồi cuối năm 2021.
Tương tự, lượng tiền gửi không kỳ hạn của MB cũng đã “hụt” mất gần 7,2 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,9% trong nửa năm qua. Tỷ lệ CASA theo đó cũng giảm 3,3 điểm %, xuống còn 44,3%.
Khảo sát cũng cho thấy, có tới 14/27 nhà băng (tương đương 51,9%) sở hữu tỷ lệ CASA ở mức dưới 15%. Trong đó, VietBank là ngân hàng có tỷ lệ CASA ở mức thấp nhất khi chỉ 5,6% tổng số tiền gửi khách hàng là tiền gửi không kỳ hạn. VietCapitalBank và BacABank lần lượt đứng thứ hai và ba với tỷ lệ CASA ở mức 5,57% và 6%.
Một số ngân hàng khác cũng có tỷ lệ CASA ở mức khiêm tốn bao gồm VietABank (6,2%), LienVietPostBank (7,7%), SHB (8,2%)…
Bối cảnh đã thay đổi
Với lợi thế chi phí vốn thấp, gần như bằng 0%, tiền gửi không kỳ hạn là một cấu phần quan trọng trong huy động vốn của các NHTM.
Ngân hàng sở hữu tỷ lệ CASA càng lớn thì càng có lợi thế hóa giải áp lực chi phí hoạt động, cải thiện lãi biên (NIM), và đây cũng là tiền đề quan trọng giúp họ có lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay.
Chính vì vậy, trong những năm gần đây, thị trường chứng kiến cuộc đua quyết liệt của các nhà băng trong việc giành nguồn vốn quan trọng này.
Để thu hút CASA, nhiều thành viên đã chuyển hướng tập trung sang cho vay bán lẻ, liên tục đưa ra các chính sách miễn các loại phí giao dịch, miễn phí chuyển tiền và rút tiền…
Đặc biệt, nhiều ngân hàng chú trọng đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt là phát triển hệ thống ngân hàng giao dịch và gia tăng các sản phẩm, chính sách tiện ích, thiết lập và kết nối những hệ sinh thái mở rộng nhằm thu hút được tệp khách hàng lớn.
Kết quả là, dù có sự phân hóa về tốc độ tăng trưởng CASA ở mỗi thành viên, nhưng nhìn chung, tỷ lệ CASA của toàn hệ thống đã có sự cải thiện tích cực trong vài năm qua.
Tuy nhiên, như trên, nguồn vốn giá rẻ đã bắt đầu trở nên “khan hiếm” hơn trong năm 2022. Điều này có thể được lý giải khi nhìn vào tính chất lỏng lẻo trong cơ cấu cân đối vốn cùng độ nhạy với mức độ thay đổi lãi suất của nguồn vốn, đặt trong bối cảnh lãi suất huy động tại Việt Nam đã và đang dần tăng cao trở lại từ đầu năm nay.
Bởi, khi lãi suất huy động tăng, một phần lượng tiền từ tài khoản thanh toán sẽ được dịch chuyển vào tài khoản tiết kiệm với kỳ hạn dài hơn để hưởng lãi suất hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, lượng tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp và người dân cũng không còn được dồi dào như trước.
Một lý do quan trọng nữa, nhiều NHTM đã lấp gần đầy room tín dụng sau nửa đầu năm, trong khi Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa nới chỉ tiêu, nguồn tín dụng mới trở nên hạn chế. Khi khó vay vốn mới, các doanh nghiệp có xu hướng tăng cường tận dụng nguồn vốn nhàn rỗi để tại ngân hàng cho sản xuất kinh doanh và khiến CASA giảm.
Dù vậy, với CASA của hệ thống vẫn mới chỉ đang duy trì ở mức trên dưới 20% như hiện nay, giới chuyên gia cho rằng, dư địa để tăng trưởng vẫn còn rất lớn. Việc gia tăng CASA cũng chính là xu hướng của một ngân hàng hiện đại, của một thị trường hiện đại.
Và để tăng tính bền vững cho nguồn tiền gửi này, điều quan trọng là các thành viên phải ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng và dĩ nhiên là chi phí và lợi ích tối ưu cho họ để giữ chân hoặc cạnh tranh thu hút.
Nguồn: cafef.vn