Chính sách miễn phí toàn bộ giao dịch chuyển khoản trên kênh số được những ngân hàng này kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng CASA, mở rộng cơ sở khách hàng dù sẽ ảnh hưởng đến kết quả thu phí hoạt động thanh toán.
Đầu năm 2022, cả 3 ngân hàng lớn là Vietcombank, BIDV, VietinBank đã bất ngờ thông báo miễn phí toàn bộ giao dịch chuyển tiền trên kênh số. Chính sách miễn phí dịch vụ “vô điều kiện” này được kỳ vọng sẽ tạo nên một lực đẩy mạnh cho ngân hàng số, giúp ngân hàng tiếp tục gia tăng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Tuy nhiên, việc này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu phí thanh toán – một trong những nguồn thu quan trọng trong các hoạt động dịch vụ.
Vậy sau 6 tháng triển khai chính sách miễn phí này, thu nhập hoạt động dịch vụ của những ngân hàng trên bị ảnh hưởng ra sao và tỷ lệ CASA có sự bứt phá như kỳ vọng?
Tại Vietcombank, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trong 6 tháng đầu năm ở mức 3.405 tỷ đồng, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2021. BCTC quý 2/2022 của Vietcombank không thuyết minh cụ thể các cấu phần trong thu nhập dịch vụ. Trong khi đó, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, sự sụt giảm của thu nhập phí ròng có thể một phần do chương trình miễn thu phí mà ngân hàng đã triển khai từ năm 2022.
Đổi lại, theo Chứng khoán SSI, tỷ lệ khách hàng sử dụng ngân hàng số của Vietcombank tăng lên đáng kể. Vào cuối tháng 6/2022, có khoảng 8 triệu khách hàng dùng ngân hàng số Vietcombank (tăng so với 6,6 triệu khách hàng vào đầu năm 2022), tương đương với khoảng 36% tổng số khách hàng cá nhân của Vietcombank. Ngân hàng này đặt mục tiêu có 10 triệu người dùng ngân hàng số vào cuối năm 2022 (tương đương tỷ lệ sử dụng đạt 40-45%).
Một trong những mục tiêu quan trọng khi triển khai miễn phí dịch vụ là để thu hút nguồn tiền gửi thanh toán, giúp ngân hàng cải thiện chi phí vốn. Trong 6 tháng đầu năm, CASA (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn) của Vietcombank chủ yếu duy trì đi ngang, từ mức 35,7% hồi đầu năm tăng lên 36,1% vào cuối quý 1 rồi lại lùi về 35,4% vào cuối quý 2.
Trên thực tế, không riêng Vietcombank mà đa số ngân hàng lớn đều ghi nhận CASA sụt giảm trong quý 2. Theo Chứng khoán SSI, mặc dù CASA của Vietcombank có sụt giảm nhưng mức giảm thấp hơn các ngân hàng khác cho thấy chương trình miễn phí chuyển khoản đang mang lại kết quả như mong muốn.
Tương tự Vietcombank, lãi thuần từ dịch vụ của BIDV cũng đi xuống, giảm 12,5% so với cùng kỳ xuống 2.778 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022.
Tuy nhiên, việc miễn phí dịch vụ đã góp phần thúc đẩy mạnh giao dịch qua kênh số tại BIDV. Khối lượng giao dịch trên ứng dụng Smartbanking của nhà băng này trong nửa đầu năm đã đạt tới 3,5 triệu tỷ đồng, bằng 86% khối lượng giao dịch của cả năm 2021. Tỷ trọng giao dịch qua kênh số đã lên tới 73% và số lượng khách hàng sử dụng ngân hàng số đạt 7,1 triệu người.
Số dư tiền gửi không kỳ hạn ở BIDV có tăng trong nửa đầu năm, thêm 5.700 tỷ lên hơn 278 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ CASA vẫn đi ngang ở mức 19,8%, không thay đổi so với cuối năm 2021.
VietinBank cũng ghi nhận lãi thuần từ hoạt động thanh toán sụt giảm do ngân hàng duy trì các chính sách miễn giảm nhiều loại phí dịch vụ. Tuy nhiên, nhờ nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ khác tăng trưởng khả quan nên hoạt động dịch vụ nói chung vẫn có tăng trưởng dương. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ 6 tháng đầu năm của nhà băng này đạt 2.838 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ.
Ngân hàng cho biết, thu phí tài trợ thương mại và phí hoa hồng bảo hiểm đã tăng trưởng tốt so cùng kỳ năm trước nhờ việc triển khai thúc đẩy bán đi đôi với nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng đa dạng, toàn diện các nhu cầu dịch vụ tài chính của khách hàng.
Tỷ trọng thu nhập từ thanh toán của VietinBank đã giảm mạnh từ 38,6% trong 6 tháng đầu năm 2021 xuống còn 31,5% trong 6 tháng đầu năm 2022. Trong khi đó, tỷ trọng của thu từ bảo hiểm tăng mạnh từ 23% lên 29%.
VietinBank cho biết, chính sách miễn giảm phí dịch vụ tác động đến kết quả thu phí từ hoạt động thanh toán trong ngắn hạn nhưng là giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng CASA, mở rộng cơ sở khách hàng và mang lại những hiệu quả lâu dài cho ngân hàng trong thời gian tới.
Trong nửa đầu năm nay, số dư tiền gửi không kỳ hạn của VietinBank có cải thiện, tăng hơn 5.700 tỷ lên 240.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ CASA chưa có bứt phá đáng kể nào, vẫn đi ngang quanh mức 20%.
Trên thực tế, mặc dù có sự sụt giảm ở thu nhập dịch vụ thanh toán nhưng điều này không ảnh hưởng nhiều tới lợi nhuận của những nhà băng này bởi nguồn thu từ tín dụng vẫn là động lực tăng trưởng chính. Trong khi đó, việc miễn phí dịch vụ đã giúp họ đẩy mạnh giao dịch qua kênh số, giúp tối ưu hóa chi phí vốn, chi phí hoạt động.
Tỷ lệ CASA của Vietcombank, VietinBank, BIDV chưa có sự bứt phá đáng kể nào trong 6 tháng đầu năm. Song đây cũng là xu hướng chung của thị trường khi hầu hết các nhà băng lớn nhỏ trong hệ thống cũng khó gia tăng CASA thời gian gần đây.
Nguồn: cafef.vn