Ngân hàng Nhà nước nhất quyết hút bớt tiền, thiết lập mặt bằng chi phí mới

Ngân hàng Nhà nước nhất quyết hút bớt tiền, thiết lập mặt bằng chi phí mới

Tất cả những chuyển động gần đây đều dẫn đến một thực tế: lãi suất các loại đồng loạt tăng lên (Ảnh minh họa)

Thị trường đang dần làm quen với hoạt động con thoi và thường trực của Ngân hàng Nhà nước, cũng như với mặt bằng chi phí mới.

Ngày 22/7, hoạt động điều tiết nguồn hệ thống ngân hàng đánh dấu Ngân hàng Nhà nước tạm ngừng hút bớt tiền về.

Một là, lượng VND rất lớn đã được hút bớt sau khi cơ quan này trở lại phát hành tín phiếu, “tạm nhốt” hơn 170.000 tỷ đồng lúc cao điểm và còn quanh 120.000 tỷ đồng gần đây.

Hai là, lượng VND lớn hơn nhiều được hút về qua kênh bán ra ngoại tệ (qua bán kỳ hạn trước đây cũng như bán giao ngay vừa qua). Một số công ty chứng khoán cập nhật quy mô này vào khoảng 12-13 tỷ USD.

Liên quan, nhìn lại dữ liệu dự trữ ngoại hối của Việt Nam theo thống kê của một số tổ chức quốc tế đã cho thấy sự sụt giảm đáng kể, bắt đầu từ tháng 3/2022.

Với lượng rất lớn VND đã được hút bớt về, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng lập tức tăng rất nhanh và rất mạnh: từ quanh 0,4%/năm đầu tháng 6/2022 vọt lên tới trên 4%/năm gần đây. Cập nhật đến phiên cuối tuần này (5/8), lãi suất VND liên ngân hàng đều đã ở đầu 4, trong đó lãi suất qua đêm ở 4,22%/năm.

Tại dấu mốc ngày 22/7, Ngân hàng Nhà nước tạm ngừng hút bớt tiền về qua ngừng phát hành tín phiếu, nhưng đảo pha sang bơm mạnh qua kênh cầm cố trên thị trường mở (OMO).

Lượng vốn bơm qua OMO liên tiếp có những phiên quy mô lớn ngay sau đó, rồi dần hạ nhiệt và chỉ còn 2.000 – 3.000 tỷ đồng/phiên gần đây. Nhưng điểm được chú ý hơn, lãi suất OMO cũng đã tăng vọt từ 2,5%/năm kéo dài hai năm qua lên gần như cố định trên 4%/năm, thậm chí phiên 5/8 đã lên 4,5%/năm.

Như vậy, mặt bằng chi phí mới trong cân đối nguồn của hệ thống ngân hàng đã thiết lập và có xu hướng củng cố ở mức cao. Độ chênh giữa lãi suất liên ngân hàng với lãi suất OMO đã được thu hẹp, và đã cùng tăng cao nhiều lần so với chi phí rất thấp chỉ mới hai tháng trước.

Các lãi suất trên được kéo cao, chênh lệch lãi suất VND đã cao vượt trội so với lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng. Liên quan, tỷ giá USD/VND đã có ba tuần liên tiếp bình ổn sau khi biến động rất mạnh và tiêu tốn nhiều nguồn lực dự trữ ngoại hối từ cuối tháng 5/2022 đến giữa tháng 7 vừa qua.

Sau quãng biến động tỷ giá, rồi đến lãi suất, thị trường tiền tệ Việt Nam dần khẳng định không còn dư âm của thời tiền rẻ “mùa Covid” trước đó; các lãi suất cân đối nguồn ngắn hạn như trên đã gần như trở lại bình thường như trước đại dịch; chính sách tiền tệ cũng đã có những chuyển động thắt chặt.

Thậm chí những chuyển động đó chưa dừng lại. Ngân hàng Nhà nước vẫn nhất quyết hút bớt tiền về chứ không ngừng hẳn sau tín hiệu ngày 22/7. Ngày 4/8 vừa qua thị trường lại chứng kiến Nhà điều hành trở lại hút bớt tiền về qua phát hành tín phiếu: 12.000 tỷ đồng hút về ở kỳ hạn 14 ngày và lãi suất tín phiếu cũng đã tăng lên 2,6%/năm thay vì cố định 2,5%/năm trước đó.

Tất cả những chuyển động trên đều dẫn đến một thực tế: lãi suất các loại đồng loạt tăng lên.

Tuy nhiên, có một “ẩn số” trong cân đối đối với đại chúng là nguồn tiền khác bơm vào hệ thống thời gian qua: tiền gửi Kho bạc Nhà nước. Với sự tắc nghẹn của giải ngân đầu tư công, nguồn ngân quỹ nhàn rỗi lớn và Kho bạc Nhà nước gửi vào hệ thống ngân hàng; báo cáo của một số công ty chứng khoán gần đây đề cập đến quy mô hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Dù vậy, như trên, khi các loại lãi suất có ảnh hưởng lớn đến chi phí vốn hệ thống ngân hàng đồng loạt tăng như trên, thị trường đang phải thích nghi với điều kiện chi phí vốn mới, không còn tiền rẻ hoặc mềm dễ chịu như vừa mới trước đó.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: