Tiền gửi thanh toán từ dân cư tiếp tục đổ vào hệ thống ngân hàng trong bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục đi lên và các kênh đầu tư khác nhiều rủi ro.
Theo dự báo, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng khoảng 1 – 2%/năm trong cả năm nay, và các tổ chức tín dụng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 11,5% trong năm 2022.
Chị Hồng Minh, sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, 2 năm dịch bệnh, lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng giảm mạnh, chị phần tiền nhàn rỗi không dùng đến gửi ngân hàng để đầu tư vào chứng khoán, cũng thu về được khoản lợi kha khá. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường chứng khoán đang lao dốc, trong khi lãi suất tiền gửi lại tăng, nên chị quyết định gửi vào ngân hàng.
“Tôi đã lựa chọn gửi tiết kiệm bằng hình thức gửi ngân hàng, lãi suất tiền gửi tuỳ từng ngân hàng còn với mức 5,6% lãi suất cho kỳ hạn 24 tháng mà ngân hàng của tôi đang lựa chọn gửi tiết kiệm hiện tại. Ngoài ra tôi không đầu tư bất cứ hình thức tiết kiệm tiền nào khác, bởi vì tôi luôn tin tưởng và yên tâm khi gửi tiền vào ngân hàng uy tín, mặc dù là lãi suất không cao nhưng mà nó ổn định khi cần thì cũng rút tiền được nhanh chóng” – chị Hồng Minh nói.
Theo khảo sát của phóng viên, mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đồng loạt tăng ở các kỳ hạn. Cùng kỳ hạn 12 tháng, có ngân hàng là 5,6%/năm, nhưng có ngân hàng lại huy động với lãi suất lên tới 7,3%/năm. Trong đó, biểu lãi suất tiết kiệm tại VPBank vừa điều chỉnh tăng ở nhiều kỳ hạn với mức tăng từ 0,1-0,5%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6-11 tháng tại ngân hàng này tăng 0,4%/năm so với trước, dao động từ 5,2-6,2%/năm.
Mặc dù không thay đổi lãi suất so với tháng trước, nhưng biểu lãi suất huy động tại ngân hàng SCB vẫn được xem là hấp dẫn nhất trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam. Kỳ hạn từ 1-5 tháng được SCB công bố ở mức 4%/năm, kỳ hạn 6 tháng có mức lãi suất là 6%/năm. Đối với kỳ hạn từ 7-11 tháng, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất dao động từ 6,3-6,7%/năm.
Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng đang ở mức hấp dẫn, trong khi các kênh đầu tư khác lại đang trong giai đoạn điều chỉnh, nhiều người dân đã quay lại kênh gửi tiết kiệm ngân hàng.
“Đối với bản thân tôi thì tôi sẽ sử dụng số tiền, số vốn của mình để gửi tiết kiệm ngân hàng. Thứ nhất là rất an toàn, tiếp theo là mức lãi suất ở thời điểm hiện tại là chấp nhận được so với việc sử dụng số vốn đó để đi đầu tư vào thị trường chứng khoán hay hoạt động kinh doanh khác. Bởi vì vốn của mình ít thế nên đầu tư vào các hoạt động kinh doanh khác lãi suất cũng không cao mà lại tiềm ẩn nhiều rủi ro” – anh Bùi Tiến, sống tại Long Biên, Hà Nội chia sẻ.
Cũng có một số ý kiến lại cho rằng lãi suất ngân hàng vẫn chưa đủ hấp dẫn bằng các kênh đầu tư khác. Chị Mai Trang, sống tại Ba Vì, Hà Nội thì cho rằng: “Trước đây thì mình có gửi nhưng bây giờ thì mình không gửi nữa rồi, thấy gửi tiết kiệm lãi suất thấp. So với các kênh đầu tư khác thì mình đang đầu tư vào bất động sản. Bất động sản thì mình cảm thấy an toàn và chắc chắn, mình có thể mua một mảnh đất rồi để đấy một vài năm cũng được, nếu cảm thấy hợp lý giá mình sẽ bán còn không mình để vài năm không vấn đề gì cả”.
Cũng từ đầu tháng 8/2022, các ngân hàng chính thức triển khai cho khách hàng rút tiền gửi một phần trước hạn theo Thông tư số 04/2022 của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, khách hàng có nhu cầu về tài chính, rút trước hạn một phần tiền gửi, các ngân hàng sẽ áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của ngân hàng. Số tiền còn lại, sẽ áp dụng mức lãi suất có kỳ hạn như thỏa thuận tại ngày gửi tiền. Quy định này được đánh giá sẽ góp phần thu hút tiền nhàn rỗi từ dân cư chuyển sang gửi tiết kiệm ngân hàng.
Theo các chuyên gia kinh tế, động thái tăng lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng trong giai đoạn này là dễ hiểu khi nhu cầu vay vốn đang tăng cao. 6 tháng đầu năm, tín dụng tăng 9,35% so với cuối năm 2021 – đây là mức tăng 6 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 10 năm qua. Con số này phản ánh nhu cầu về vốn đang tăng mạnh trở lại để phục vụ sản xuất kinh doanh sau thời gian dài đình trệ vì dịch bệnh, đồng thời cũng lý giải phần nào cho áp lực thanh khoản kể trên, đẩy lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động liên tiếp nhích tăng.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng lãi suất huy động có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong năm nay: “Lãi suất huy động đầu vào sẽ tiếp tục gia tăng ở một số thời điểm do áp lực lạm phát, do người dân vẫn muốn chuyển dịch kênh đầu tư, do đó chúng ta phải tăng lãi suất huy động để thu hút dòng vốn tiền gửi từ dân cư và kể cả doanh nghiệp”.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 5-2022, tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đạt hơn 11,37 triệu tỷ đồng, tăng hơn 430.000 tỷ đồng (tăng 3,93%) so với cuối năm ngoái. Gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn đang thu hút dòng tiền nhàn rỗi của người dân trong bối cảnh kênh đầu tư như chứng khoán trồi sụt bất thường, còn thanh khoản trên thị trường bất động sản lại quá trầm lắng./.
Nguồn: cafef.vn