Mạnh tay xử lý những dự án ”rùa bò”

Thời gian qua, việc để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí, cho thuê lại đất sai quy định vẫn còn xảy ra ở một số địa phương. Trước thực trạng này, thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp xử lý, trong đó có những biện pháp mạnh tay như kiên quyết thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất với những dự án “rùa bò”.

Dự án đầu tư xây dựng tại lô đất 5.1NO và 5.5NO đường Lê Văn Lương, phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) treo gần 20 năm nay.

Đất vàng bỏ hoang

Từ năm 2018, tại quận Nam Từ Liêm có 48 dự án chậm triển khai như: Dự án Trung tâm Dạy nghề Cửu Long (phường Xuân Phương), dự án khách sạn Hoa Sen ( phường Mễ Trì), dự án đầu tư xây dựng trụ sở kết hợp văn phòng sinh thái thương mại và khu trưng bày sản phẩm (phường Trung Văn)… Quá trình thanh tra, kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, đến nay, chỉ có 5 dự án đã xây công trình đưa vào sử dụng, còn lại vẫn chậm tiến độ ở khâu giải phóng mặt bằng và thủ tục hồ sơ pháp lý để đầu tư xây dựng công trình.

Bà Nguyễn Hồng Nhung (phường Xuân Phương) bức xúc: “Dự án Trung tâm Dạy nghề Cửu Long ghi thời gian hoàn thành vào năm 2021 mà bây giờ vẫn ngổn ngang, chưa xong. Các khu đất làm nông nghiệp của chúng tôi bị giải phóng mặt bằng 10 năm nay phục vụ dự án này đến nay vẫn quây tôn để đấy”.

Quận Hoàng Mai cũng tồn tại nhiều dự án đã có quyết định giao đất, chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng vẫn không triển khai trong nhiều năm. Kết quả rà soát, thống kê của UBND quận Hoàng Mai cho thấy, có 9 dự án chậm triển khai, 9 dự án chậm nộp nghĩa vụ tài chính, 17 dự án chuyển nhượng cho các nhà đầu tư thứ phát chậm triển khai.

Ông Nguyễn Văn Đính (Khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp) cho biết, khu đô thị hình thành hơn chục năm nay với nhiều nhà tòa nhà cao tầng, tập trung số lượng dân cư đông đúc, nhưng các ô đất xây dựng trường học, nhà trẻ vẫn bỏ hoang hoặc cho thuê làm bãi để xe, cửa hàng, điểm tập kết vật liệu xây dựng.

Tương tự, người dân ngõ 80 phố Hoàng Ngân (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) cũng gồng mình chịu đựng quy hoạch treo gần 20 năm nay tại dự án đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng nhà ở tại lô đất có ký hiệu 5.1NO và 5.5NO (đường Lê Văn Lương).

Theo ông Trịnh Thanh Phong (số 5/80 Hoàng Ngân), dự án 2 lần điều chỉnh ký hiệu lô đất, 2 lần thay đổi nhà đầu tư nhưng vẫn “đắp chiếu” để đấy, trong khi nhà dân trong vùng quy hoạch không được sửa chữa, xây dựng ngày càng xuống cấp. Quy định của Nhà nước là dự án quá 24 tháng không triển khai sẽ bị thu hồi nhưng đến nay người dân vẫn chưa nhận được thông báo nào về kết quả xử lý dự án treo, chậm tiến độ.

Các huyện ngoại thành như Mê Linh, Quốc Oai… cũng là tâm điểm tồn tại hàng chục dự án chậm triển khai trong nhiêu năm gây dư luận bức xúc và thất thu nguồn ngân sách cho Nhà nước.

Một dự án nhà ở chậm triển khai tại xã Tiền Phong (huyện Mê Linh). Ảnh: Minh Khôi

Thu hồi dự án nếu chủ đầu tư không đủ năng lực

Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Huy Cường cho biết, trong số các dự án chậm triển khai, có một số dự án phải điều chỉnh quy hoạch phân khu, một số dự án có thay đổi thủ tục giữa quy định của Luật Đất đai năm 2003 với Luật Đất đai năm 2013, vướng mắc chính sách về đất dịch vụ nên tiến độ bị kéo dài. Cũng phải kể đến thực trạng nhà đầu tư năng lực hạn chế, chưa phối hợp với UBND quận hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định khiến dự án chậm triển khai. UBND quận sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị và chỉ đạo các phòng ban liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án đúng quy định.

Theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, trong số 60 dự án chậm triển khai trên địa bàn, huyện Mê Linh xác định sẽ chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thành hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền điều chỉnh, phê duyệt dự án. Với những dự án đã hoàn thành điều chỉnh quy hoạch, chủ trương đầu tư và bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, huyện tập trung đôn đốc, đề nghị nhanh chóng thi công. Nếu chủ đầu tư không phối hợp, hoặc không đủ năng lực thực hiện, huyện sẽ kiên quyết báo cáo UBND thành phố thu hồi dự án và giao cho chủ đầu tư khác theo quy định.

Để tạo sự thống nhất, giải quyết kịp thời, dứt điểm những vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, đất đai, thuế, xây dựng, thành phố Hà Nội đã đưa ra 14 giải pháp xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai. Trong đó, sau khi phân loại, rà soát các dự án để xử lý theo đúng quy định pháp luật, sẽ kiên quyết thu hồi dự án không còn phù hợp, nhà đầu tư không có năng lực triển khai dự án. Cơ quan chức năng cũng công khai danh mục các dự án không đủ điều kiện thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và xuống tận cơ sở để người dân giám sát…

Với những giải pháp quyết liệt của thành phố, hy vọng các dự án tiến độ “rùa bò” trên địa bàn Thủ đô sẽ có chuyển biến tích cực

iframe#playerVideo{
width: 100%;
}

Nguồn: cafeland.vn

Bài viết cùng chủ đề: