Cạn room tín dụng, doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp có thể huy động vốn từ nguồn nội ứng hoặc từ các quỹ đầu tư.
Khó tiếp cận vốn ngân hàng
Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp đang tăng cao nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh kịp về đích trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, cầu đang có nhưng cung thì chưa đủ, hiện rất khó tiếp cận được vốn do ngân hàng hết hạn mức tín dụng.
Tiếp cận các khoản vay vốn ngân hàng đang là việc khó đối với doanh nghiệp du lịch này nói riêng và ngành du lịch lữ hành nói chung.
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Image Travel và Events cho hay, hiện tại không thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, cách duy nhất để phục hồi là tự xoay xở, dùng tài sản cá nhân thế chấp vay vốn và hoạt động đến khi du lịch quốc tế phát triển trở lại. Tuy nhiên sau thời gian ảnh hưởng của dịch COVID-19 vốn tự có giảm đi nhiều, nếu cạn vốn có thể đóng cửa vì chúng tôi không tìm được sự hỗ trợ vay vốn từ bất cứ đâu.
“Vấn đề không phải của riêng doanh nghiệp, đây cũng là trăn trở của rất nhiều doanh nghiệp du lịch khác, hiện tại vẫn chưa tìm được phương án giải quyết thỏa đáng”, ông Toản nói thêm.
Cùng hoàn cảnh, tiếp cận các khoản vay vốn còn nhiều trở ngại, ông Nguyễn Hoàng Sang, Giám đốc ABC English cho biết: “Vì là doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục nên tài sản thẩm định không đáp ứng được nhu cầu của ngân hàng. Mặc khác, ngân hàng đang siết chặt room tín dụng, bức tranh tài chính của công ty chúng tôi chủ yếu dựa vào nguồn thu từ các học viên, khi dịch xảy ra số lượng học viên sụt giảm. Điều này dẫn đến doanh thu sụt giảm, chúng tôi đang đứng trước khó khăn chưa từng có về nguồn vốn lưu động để duy trì hoạt động”.
Trong bối cảnh nhiều ngân hàng thương mại hết hạn mức tăng trưởng tín dụng, không thể giải ngân cho vay nhưng dư nợ tín dụng bất động sản vẫn tăng 14,07% so với cuối năm 2021. Dù vậy không ít doanh nghiệp trong ngành vẫn đang gặp khó.
Theo ông Phan Khắc Mạnh Vũ, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư Central Land, siết chặt cho vay đối với khách hàng đầu tư làm thị trường bất động sản chững lại vì đa phần người dân mua căn hộ dựa vào đòn bẩy tài chính từ ngân hàng. Ngoài ra, công ty cũng không tiếp cận được nguồn vốn vì là doanh nghiệp môi giới, dù có vay thì ngân hàng cũng không đủ room tín dụng. Ngân hàng nói sẽ hỗ trợ cho vay, tuy nhiên khi khách hàng đi sâu vào hoạt động chứng minh tài chính đến khi thông báo cho vay thì ngân hàng phản hồi lại là hết room tín dụng.
“Khách hàng không thể đầu tư, tính thanh khoản của bất động sản không có và tạo ra hệ lụy rất lớn cho chuỗi cung ứng bất động sản sau này” ông Vũ nói.
Tìm nhiều phương án xoay xở
Trong khi chờ đợi tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, các doanh nghiệp phải chủ động tìm phương án kinh doanh phù hợp. Theo ông Vũ, đây là việc bất khả kháng liên quan đến tổng thể, sẽ rất khó điều chỉnh cho từng cá nhân. Tuy nhiên giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư có thể ngồi lại làm việc với nhau để điều chỉnh nhịp độ thanh toán.
Đối với doanh nghiệp dịch vụ, mong muốn ngân hàng nhà nước cân nhắc nới room trong điều kiện kiểm soát để giải quyết cơn khát vốn phục vụ mở rộng sản xuất, phục hồi kinh tế.
“Có thể xem xét đối với các ngành nghề đặc thù bị ảnh hưởng nặng sau dịch có thể tiếp cận với các khoản vay vốn với mức lãi suất ưu đãi”, ông Sang đề nghị.
Tương tự theo ông Toản, mong muốn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch có cơ chế vay vốn linh động hơn, xuất phát không cần tài sản thế chấp mà là các nguồn tín chấp như giấy phép lữ hành quốc tế với lãi suất ưu đãi riêng.
Còn nhiều nguồn vốn
Kênh vốn ngân hàng không phải là kênh huy động vốn duy nhất mà chỉ chiếm 47%, còn các nguồn khác như giải ngân FDI (14,8%), thị trường trái phiếu doanh nghiệp (21,5%), cổ phiếu, đầu tư công…
“Hiện nay doanh nghiệp vừa và nhỏ còn được hỗ trợ bởi các quỹ đầu tư. Có thể là quỹ đầu tư công của nhà nước, quỹ đầu tư phi chính phủ trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp nên tìm hiểu tiếp cận với các quỷ đầu tư này để tiếp cận thêm nguồn vốn ngoài kênh tín dụng của ngân hàng” ông Nguyễn Văn Trình, PGS.TS Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết.
Theo ông Trình, Ủy ban Chứng khoáng Nhà nước, Bộ Tài chính nên phát triển kênh huy động vốn qua thị trường chứng khoán dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời cần có các thủ tục riêng, sàn riêng linh hoạt hơn để các doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn niêm yết trên sàn. Mặc khác dễ dàng tiếp cận được với các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào.
“Để huy động vốn thành công, doanh nghiệp cần minh bạch hoạt động và báo cáo tài chính. Những phương án hoạt động của doanh nghiệp phải có hiểu quả. Đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhìn được thị trường, cam kết đầu tư có hiệu quả thì những người cung cấp vốn cho vay mới tin tưởng và mở hầu bao cho vay”, ông Trình cho biết thêm.
Như vậy, nếu nới tín dụng quá mức sẽ tạo ra cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi giữa các ngân hàng, gây áp lực lạm phát lớn. Ngược lại, nếu thắt chặt tín dụng sẽ khiến doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, làm nguồn cung hàng hóa suy giảm, đẩy giá cả tăng cao. Đây là bài toán không hề đơn giản của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ.
Nguồn: cafef.vn