Mặc dù làm trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thế nhưng một cán bộ tín dụng của ngân hàng vẫn không thoát khỏi cái bẫy của các đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội bởi… lòng tham.
Theo trình bày của anh Nguyễn Quốc D.., SN 1998, ở thị trấn Núi Đối, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng), hiện đang là nhân viên tín dụng của một Ngân hàng thương mại trình bày, gần đây anh có được một người bạn quen biết qua mạng xã hội rủ tham gia một nền tảng mua bán, giao dịch trên mạng có tên là ZE… (đường link: https://ze…org/User/index).
Quy trình hoạt động của nền tảng này hướng dẫn người mua bán USDT, là loại tiền trung gian trên hệ thống giao dịch tiền ảo Binance. Sau đó chuyển vào hệ thống cho phép người dùng bán USDT ra với giá chênh lệch để kiếm lợi nhuận. Theo đó, 1 đồng USDT tương đương với 1 đô la Mỹ và bằng khoảng 24.000 VNĐ, sau khi được chuyển vào hệ thống sẽ bán ra được với giá từ 24.600 – 24.800 VNĐ. Tính ra người chơi sẽ kiếm được lợi nhuận từ 600 – 800 VNĐ/USDT.
Những ngày đầu khi mới tham gia chỉ giao dịch với số tiền nhỏ khoảng vài triệu đồng, anh D. cho biết hệ thống hoạt động rất trơn tru. Mỗi lệnh nạp, bán và rút tiền đều được thực hiện rất nhanh, chỉ mất 10 – 15 phút để hoàn thành.
Thế nhưng, sau khi anh D. đầu tư với số tiền lớn hơn để giao dịch, hệ thống bắt đầu phong tỏa số tiền của người chơi trong tài khoản của nền tảng và đưa ra những yêu cầu lệnh nạp bắt buộc với các nội dung như: xác thực tài khoản; xác thực eKYC, liên kết ví điện tử metamask, đóng phí xử lý rút tiền, đóng thuế… Đáng chú ý là mỗi lần thực hiện lệnh nạp bắt buộc là một số tiền rất lớn, lên tới hàng nghìn, thậm chí cả chục nghìn USDT, để xác thực những yêu cầu đó.
Đến lúc này, anh D. cho biết đã liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng của nền tảng trên thì được nhân viên trả lời rằng, sau khi thực hiện lệnh nạp thì người chơi mới có thể thực hiện lệnh rút tiền, nhằm đưa người dùng vào phương án bắt buộc phải thực hiện lệnh nạp mới có thể rút tiền ra được.
Vậy nhưng khi anh D. hoàn thành một lệnh nạp thì nền tảng lại đưa ra một lệnh nạp bắt buộc khác. Cứ như vậy, hệ thống liên tục giam giữ tiền của người chơi và bắt người chơi phải nạp thêm tiền vào nền tảng qua nhiều lần nạp xác minh. Anh D. cho biết thêm, tổng số tiền mình đã nạp vào nền tảng ZE… và bị chiếm đoạt đến thời điểm hiện tại là 41.955,2 USDT, tương đương với hơn 1 tỷ VNĐ.
Cho đến lệnh nạp gần đây nhất, nền tảng hiển thị thông báo về việc nộp thuế khi giao dịch tiền ảo, thậm chí còn trích dẫn cả quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Vì đang làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, đến lúc này anh D. mới nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bởi tiền ảo không được công nhận ở nước ta. Tuy nhiên, đến lúc này thì đã quá muộn, khi mà số tiền hơn 1 tỷ VNĐ của anh D., nạp vào hệ thống chỉ là… con số, mà không thể rút ra được.
Anh Nguyễn Quốc D. trình bày, mặc dù mình làm trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thường ngày tiếp cận rất nhiều thông tin lừa đảo khi tham gia các hoạt động đầu tư chứng khoán trên mạng, tiền ảo… Thế nhưng, đến bây giờ thì mình mới hiểu tại sao khi mình bị cuốn trò chơi bỏ tiền thật để mua tiền ảo này mà không thể thoát ra được. Cũng chỉ bởi… lòng tham.
Cụ thể ở đây là người bạn quen trên mạng xã hội đã tạo niềm tin cho D. bằng việc thường xuyên chia sẻ cuộc sống riêng cũng như công việc làm ăn một cách rất… chân thành. Sau đó người này mời D. tham gia vào một nhóm trên Zalo kinh doanh tiền ảo. Trong nhóm các thành viên hàng ngày chia sẻ cách đầu tư mua vào, bán ra như thế nào để có lợi nhuận tốt nhất. Sau đó các thành viên đều đăng ảnh màn hình số tiền lợi nhuận mỗi ngày, trong đó có người thu về cả nghìn USDT, tương đương hàng chục triệu VNĐ. Đến khi biết D. có ý định tham gia thì rất nhiều thành viên trong nhóm quan tâm hơn, nhắn tin riêng bày cho cách kiếm được tiền 1 cách hiệu quả nhất của hệ thống này.
Anh D. cho biết thêm, thời gian đầu tham gia, các giao dịch đều rất thuận lợi từ khi nạp vào cho đến khi rút về tài khoản cá nhân của mình. Có ngày hệ thống trả về cho anh D. lợi nhuận vài triệu VNĐ, thậm chí hôm nào giao dịch nhiều người chơi kiếm được cả chục triệu VNĐ. Đến khi biết “con mồi” đã cắn câu, các đối tượng điều hành hệ thống đưa ra yêu cầu “kỹ thuật” hoặc các điều khoản, quy định, buộc người chơi phải nạp thêm tiền vào. Lo sợ nếu không bỏ thêm thì toàn bộ số tiền nạp vào trước đó sẽ bị mất nên người chơi đành chấp nhận và hy vọng sẽ rút được hết tiền của mình ra như lúc đầu…
Đến lúc này, anh D. chỉ hy vọng sau khi trình báo cơ quan Công an sẽ điều tra tìm ra những người lập ra nền tảng này để xử lý và lấy lại tài sản cho mình. Bởi thực tế đến nay hệ thống chăm sóc khách hàng của nền tảng ZE.., anh K. không thể liên lạc được. Cùng với đó, người bạn quen trên mạng xã hội và những thành viên trong nhóm Zalo đều chặn mọi liên lạc của anh D. Thông qua báo chí, truyền thông, từ việc của mình, anh D. cũng muốn để mọi người biết thêm những phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội và tránh mắc.
Nguồn: cafef.vn