Giới phân tích nhận định, xu hướng mua ròng của khối ngoại cho thấy triển vọng cũng như định giá hấp dẫn của nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Cổ phiếu ngân hàng gây chú ý trong những tuần giao dịch gần đây khi là nhóm chủ lực kéo điểm thị trường. Bên cạnh xu hướng tích cực của nhà đầu tư trong nước, đà tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng còn có sự hỗ trợ từ lực cầu đến từ khối ngoại.
Tâm điểm mua gom của khối ngoại thời gian qua là cổ phiếu CTG của VietinBank. Chỉ tính riêng 2 phiên đầu tuần, khối ngoại đã mua vào hơn 2 triệu cổ phiếu ngân hàng này, giá trị hơn 60 tỷ đồng. Với con số này, nhà đầu tư nước ngoài đã bước sang phiên mua ròng thứ 16 liên tiếp tại CTG với tổng khối lượng gần 13,8 triệu đơn vị.
Cổ phiếu STB của Sacombank cũng được khối ngoại gom mạnh. Tính từ đầu tháng 8 tới nay, khối ngoại đã mua ròng gần 13,3 triệu cổ phiếu STB. Làn sóng mua ròng STB liên tục duy trì từ giữa tháng 6 tới nay góp phần giúp cổ phiếu này tăng giá xấp xỉ 36% tính từ mức đáy ghi nhận vào ngày 20/6.
Một mã cổ phiếu khác cũng được khối ngoại mua ròng liên tục trong những tuần gần đây là HDB của HDBank. Trong phiên giao dịch 15/8, khối ngoại đã chi gần 63 tỷ đồng mua ròng gần 2,4 triệu cổ phiếu HDB – mức lớn nhất kể từ đầu năm. Lũy kế từ đầu tháng 8 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã gom thêm gần 10,8 triệu cổ phiếu HDBank thông qua 12 phiên mua ròng liên tiếp.
Sau nhịp mua ròng mạnh thời gian qua, khối ngoại đã nâng tỷ lệ sở hữu tại HDB lên gần 17,5%, tương đương gần 354 triệu cổ phiếu và tiến gần đến mức tối đa được phép là 18%. Lực mua này giúp cổ phiếu HDB tăng giá có 8/12 phiên với tổng tỷ suất sinh lời 9%.
Tương tự, cổ phiếu VCB của Vietcombank và BID của BIDV cũng được khối ngoại tập trung mua gom với khối lượng lũy kế trong nửa đầu tháng 8 là hơn 3,5 và 3,2 triệu đơn vị.
Trước đó, trong tháng 7/2022, khối nhà đầu tư nước ngoài nói chung đã mua ròng hơn 44 triệu cổ phiếu ngành ngân hàng trên HOSE và HNX, giá trị hơn 840 tỷ đồng, tập trung vào các mã STB, HDB, CTG.
Mặt khác, trong cơ cấu danh mục của các quỹ ngoại, lượng cổ phiếu ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Cụ thể, theo thống kê của Quỹ VFMVN Diamond, trong 10 cổ phiếu nắm giữ có tỷ trọng lớn nhất thì có 4 cổ phiếu ngân hàng, gồm VPB, TCB, ACB, MBB.
Thông báo mới nhất của Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) cũng cho biết, quỹ này đang phân bổ hơn 31,9% giá trị danh mục (tính đến ngày 4/8/2021) vào nhóm ngân hàng với các cổ phiếu chủ chốt: VPB, ACB, VCB, TCB.
Vừa qua, Nhóm quỹ thuộc Dragon Capital Việt Nam đã mua thêm 2,25 triệu cổ phiếu STB của Sacombank trong ngày 2/8/2022, nâng khối lượng sở hữu lên 132 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ nắm giữ trên 7% vốn điều lệ. Đây là giao dịch nối tiếp chuỗi mua ròng mạnh mẽ của nhóm này sau khi trở thành cổ đông lớn (sở hữu trên 5%) tại Sacombank vào ngày 10/3/2022, rồi tăng lên trên 6% vào đầu tháng 7.
Các chuyên gia của Dragon Capital Việt Nam nhận định, năm 2022, tín dụng được cải thiện, lợi nhuận bình quân toàn ngành có thể đạt mức tăng 30% so với năm 2021. Các thông tin khác hỗ trợ cổ phiếu ngân hàng là một số nhà băng đang triển khai kế hoạch bán vốn chiến lược, ghi nhận lợi nhuận đột biến từ bán bảo hiểm độc quyền, hay khả năng được chấp thuận tăng room ngoại.
Triển vọng lạc quan của nhóm cổ phiếu ngân hàng
Trong báo ngành mới phát hành, SSI Research cho biết các cổ phiếu ngân hàng đã giảm 6% – 40% so với đầu năm. Theo đó, định giá của các ngân hàng thuộc phạm vi phân tích của nhóm đã giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm. Một số ngân hàng thậm chí đã có chỉ số P/B thấp hơn một độ lệch chuẩn so với mức trung bình 5 năm.
SSI Research tin rằng sự điều chỉnh này phản ánh cả môi trường lãi suất dần tăng lên cũng như một phần lo ngại liên quan đến rủi ro nợ xấu. Ngoài ra, rủi ro tín dụng liên quan đến lĩnh vực bất động sản có thể xuất hiện từ năm 2023.
Với nhịp sụt giảm trên, SSI Research dự báo khả năng xảy ra một đợt điều chỉnh mạnh đối với cổ phiếu ngân hàng trong nửa cuối năm 2022 là không quá lớn, đặc biệt là trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể cân nhắc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng (khi điều kiện thị trường thuận lợi) và lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm 2022 (đặc biệt là quý 3/2022). Đây có thể là những động lực tích cực cho ngành trong ngắn hạn.
Đồng quan điểm, Chứng khoán Rồng Việt dự báo nhóm ngân hàng sẽ dẫn đắt đà tăng của thị trường trong tháng 8 nhờ giá vẫn ở vùng chiết khấu tốt và triển vọng kinh doanh tích cực trong quý III.
Theo VDSC, trong cuộc họp ngày 30/07/2022, Thống đốc NHNN vẫn giữ quan điểm mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 14%, nhằm tránh cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng, đồng thời ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Tính đến cuối tháng 07/2022, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 9,42%, như vậy hạn mức tín dụng cho năm tháng còn lại là 4,6%. Điều này dẫn tới các NHTM chưa có nhiều động lực tăng huy động tiền gửi. Từ đó dự báo lãi suất huy động sẽ biến động không đáng kể trong tháng 08/2022.
Về lãi suất điều hành, với sự ưu tiên hàng đầu “hỗ trợ phục hồi kinh tế song song với kiểm soát lạm phát, duy trì lãi suất điều hành và lãi suất cho vay trên thị trường 1 ổn định”. Bên cạnh các động thái nhất quán gần đây của Chính phủ về hỗ trợ giá xăng dầu, lạm phát bình quân vẫn đang được kiểm soát ở mức 2,54%. VDSC kỳ vọng lãi suất điều hành vẫn giữ ổn định trong nửa cuối 2022.
Nguồn: cafef.vn