Bên cạnh sự quyết liệt vào cuộc của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, chuyên gia cho rằng, để có thể sớm khơi thông giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%, cần có quy chế riêng để gỡ “nút thắt”…
Gói hỗ trợ lãi suất 2% từng được ví như chiếc “phao cứu sinh” giúp cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, thế nhưng, sau gần 3 tháng triển khai, việc thực hiện hỗ trợ từ phía ngân hàng vẫn rất ì ạch. Không ít doanh nghiệp thuộc đối tượng hưởng ưu đãi nhưng vẫn chưa thể tiếp cận được với chính sách bởi vô vàn lý do.
Theo đó, Báo cáo tại cuộc họp mới đây do Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tổng hợp từ các ngân hàng thương mại, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất đến nay đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng và số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng. Một con số quá thấp nếu so với tổng số tiền hỗ trợ lãi suất trị giá 40.000 tỷ đồng.
Bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận sau gần 3 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại vẫn còn hạn chế.
Và nguyên nhân dẫn đến hiện trạng đã nêu cũng được cho giống như các gói hỗ trợ, ưu đãi trong thời gian qua, khi đối tượng được hưởng đa phần không đáp ứng được các thủ tục để vay.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị “tắc” khi thực hiện. Năm 2021, Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do COVID-19 được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Chính sách này nhằm mục đích cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất với lãi suất 0% với quy mô 7.500 tỷ đồng, tuy nhiên, để được vay vốn thì doanh nghiệp phải không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay. Đối với những lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú… còn phải hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn.
Theo các chuyên gia, đây là những “nút thắt” khiến nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng được vay nhưng lại không thể vay vốn để trả lương cho người lao động hay khôi phục sản xuất.
Ngay cả cơ quan thuế khi đó cũng khẳng định, chỉ có thể xác nhận tờ khai thuế, nộp thuế của doanh nghiệp trong năm 2020 mà không thể có bản sao thông báo quyết toán thuế. Hơn nữa, với chu kỳ quyết toán thuế 3 – 5 năm, nhiều doanh nghiệp chưa kịp quyết toán thuế năm 2020 sẽ không đủ điều kiện để làm thủ tục vay vốn.
Hay chính sách giãn nợ, cơ cấu lại nợ nhưng yêu cầu không có nợ xấu khiến nhiều doanh nghiệp bị chặn đứng. Sau rất nhiều kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, đến giữa tháng 10/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP sửa đổi Nghị quyết số 68/NQ-CP về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do COVID-19. Theo đó, Chính phủ bỏ điều kiện “doanh nghiệp không được có nợ xấu” mới được phép vay gói lãi suất 0%, nên việc giải ngân đã được thực hiện nhanh hơn…
Trước thực trạng đã nêu, chuyên gia tài chính – Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có thể nhiều ngân hàng sẽ không mặn mà trong việc thực hiện các gói hỗ trợ về lãi suất vì thông thường đối tượng cho vay là doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh, hợp tác xã nên có nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, trong bối cảnh bị giới hạn về tốc độ tăng trưởng tín dụng (room) và nhiều ngân hàng thương mại đã gần đụng trần, khó cho vay mới.
“Quan trọng hơn, việc Ngân hàng Nhà nước khi hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ cấp bù lãi suất của Chính phủ nhưng vẫn giữ nguyên các quy định cho vay thông thường thì rất khó để các đối tượng cần hỗ trợ đáp ứng được”, ông Hiếu chia sẻ.
Ông Hiếu nêu ví dụ, những doanh nghiệp đã đáp ứng điều kiện vay vốn của ngân hàng như có tài sản đảm bảo, đang kinh doanh tốt, có dòng tiền đảm bảo trả nợ đúng hạn… thì luôn được ngân hàng săn đón cho vay với lãi suất thấp hơn mặt bằng chung của thị trường. Những doanh nghiệp này đôi khi sẽ không quan tâm đến việc được hỗ trợ lãi suất 2% vì xét ra thì cũng không phải là quá nhiều, trong khi đó, hàng loạt doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh là những đơn vị gặp nhiều khó khăn sau hơn 2 năm đại dịch COVID-19 chắc chắn cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước để hồi phục trở lại, nhưng hầu hết không đáp ứng nổi quy định của ngân hàng về tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh tốt…
Từ đó, vị chuyên gia này đề xuất, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách riêng để đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%. Chẳng hạn, nên quy định cho phép các doanh nghiệp nếu không có tài sản thế chấp thì có thể được vay vốn thông qua kế hoạch kinh doanh chi tiết khi sử dụng vốn vay, chứng minh dòng tiền thu về trong vòng 1 năm.
“Rất nhiều ngân hàng từ trước đến nay do yếu về khả năng thẩm định kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp nên chỉ chăm chăm vào việc cho vay đối với khách hàng có tài sản đảm bảo. Nhưng trong điều kiện để thực hiện nhanh việc giải ngân các gói hỗ trợ cho vay nhằm thúc đẩy doanh nghiệp hồi phục, góp phần phát triển kinh tế thì Ngân hàng Nhà nước phải có chính sách riêng”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ.
Được biết, ngày 16/8 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký, ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước 40.000 tỷ đồng.
Theo đó, Thống đốc yêu cầu Chủ tịch hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại nghiêm túc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Các ngân hàng thương mại phải khẩn trương ban hành văn bản nội bộ hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định. Chủ động tiếp cận, đồng hành và hướng dẫn khách hàng, giúp khách hàng hiểu đúng về chính sách để hạn chế tối đa các kiến nghị, khiếu nại;
Giải ngân kịp thời nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất, đảm bảo hỗ trợ lãi suất công khai, minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích, ngăn ngừa các rủi ro, trục lợi chính sách;…
Nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, phiền hà, ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định tại nghị định của Chính phủ và thông tư của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế đối tượng được hỗ trợ lãi suất, các trường hợp khách hàng đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện mà không được hỗ trợ lãi suất.
Nguồn: cafef.vn