(Tổ Quốc) – Một loạt ngân hàng đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu trong quý III và quý IV.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây chấp thuận cho VPBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.377 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu, theo Nghị quyết đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.
Cụ thể, VPBank sẽ phát hành tối đa hơn 2,23 tỷ cổ phiếu theo theo tỷ lệ 50%, tăng vốn điều lệ từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng. Kế hoạch này dự kiến sẽ thực hiện vào quý III/2022.
Trước đó, MB thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 23/8 để trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế của năm 2021. Tỷ lệ thực hiện quyền là 20% (cổ đông cứ sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận được 2 cổ phiếu mới). Với hơn 3,77 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, MB dự kiến phát hành thêm 755,6 triệu cổ phiếu mới, qua đó tăng vốn điều lệ từ hơn 37.700 tỷ đồng hiện tại lên trên 45.339 tỷ đồng.
SHB cũng cho biết đã hoàn thiện hồ sơ trình NHNN phương án tăng vốn điều lệ mà Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 thông qua. Trong đó, SHB sẽ phát hành hơn 400 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông, tương ứng với tỷ lệ cổ tức là 15%. Thời gian dự kiến phát hành trong quý III/2022.
Cũng trong nửa đầu tháng 8, cơ quan quản lý đã chấp thuận để HDBank tăng vốn điều lệ từ 20.273 tỷ đồng lên 25.503 tỷ đồng. Số vốn tăng thêm dự kiến được lấy từ phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm 2021, thông qua phát hành hơn 503 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 (tỷ lệ phân phối 25%), dự kiến hoàn thành trong quý II/2022 và ESOP cho nhân viên.
MSB cho biết đã gửi hồ sơ lên NHNN để chờ chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ. Trong đó, ngân hàng có kế hoạch phát hành 458,25 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 30% và tối đa 14,25 triệu cổ phiếu ESOP.
Sau 8 năm chờ đợi, cổ đông Eximbank cũng chuẩn bị nhận được cổ tức từ nguồn lợi nhuận từ năm 2017 đến năm 2021. Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành gần 245,9 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức theo tỷ lệ 20%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu EIB sẽ được nhận số cổ phần mới tối đa là 20 cổ phần. Thời gian dự kiến hoàn thành việc phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ là trong quý III/2022
Nhiều ngân hàng tư nhân khác cũng có kế hoạch phát hành hàng trăm triệu cổ phiếu trả cổ tức trong năm nay như OCB (30%), Nam A Bank (29%), VietBank (21%), Kienlongbank (16%), SHB (15%), VietCapital Bank (15%), LienVietPostBank (15%), SeABank (12,7%), VietABank (11%), ABBank (10%),…Trong đó, NHNN đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 của một số ngân hàng là NamABank, Kienlongbank, VietBank, Vietcapital Bank, OCB.
Bên nhóm quốc doanh, dù chưa công bố thông tin nhưng các ngân hàng này đều có kế hoạch chi trả cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay.
Tại đại hội thường niên 2022, cổ đông Vietcombank đã thông qua phương án phát hành 856 triệu cổ phiếu phổ thông với tỷ lệ phát hành 18,1%, để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 và 2020. Thời gian thực hiện là trong năm 2022.
Cổ đông VietinBank cũng phê duyệt phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020. Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành hơn 569 triệu cổ phiếu để chia cổ tức, tương đương tỷ lệ 11,85%.
Tại BIDV, ngân hàng này dự kiến phát hành thêm hơn 607 triệu cổ phiếu (tương đương 12% số cổ phần đang lưu hành) để trả cổ tức năm 2021 từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Các ngân hàng đều phát hành cổ phiếu trong năm nay do yêu cầu không chia cổ tức bằng tiền mặt của NHNN.
Ngay từ đầu năm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022. Trong đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng không chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2022 để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Đây là năm thứ ba liên tiếp NHNN yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt. Trong năm 2021, cơ quan này cũng đã ra chỉ thị tương tự buộc các ngân hàng phải chuyển sang trả cổ tức bằng cổ phiếu. Ngoại lệ duy nhất đối với việc trả cổ tức tiền mặt là đối với các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank) do yêu cầu từ Kho bạc Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc phát hành cổ phiếu cũng xuất phát từ nhu cầu tăng vốn luôn thường trực tại nhiều ngân hàng. Đặc biệt là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh.
Fitch Ratings nhận định, mức vốn thấp có khả năng vẫn là điểm yếu tín dụng đối với các ngân hàng Việt Nam, vì tốc độ tăng trưởng cho vay tăng nhanh sẽ khiến việc nâng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trở nên khó khăn trong 2-3 năm tới. Theo ước tính của tổ chức xếp hạng này, các ngân hàng chỉ cần huy động thêm khoảng 0,6 tỷ USD để đáp ứng yêu cầu CAR tối thiểu 8% của Basel II trước thời hạn tháng 1 năm 2023.
Trong trường hợp phải tăng dự phòng rủi ro để bù đắp các khoản lỗ tiềm ẩn từ các khoản vay có vấn đề và duy trì CAR bình quân ở mức 10%, hệ thống ngân hàng có thể phải huy động thêm 10,7 tỷ USD (~2,9% GDP). Trong đó, sự thiếu hụt vốn đặc biệt xảy ra tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước.
Nguồn: cafef.vn