Chính doanh nghiệp cũng e ngại nhận hỗ trợ lãi suất

Chính doanh nghiệp cũng e ngại nhận hỗ trợ lãi suất

Các ngân hàng thương mại phải kiểm soát chặt chẽ và e ngại rủi ro đã đành, chính trong doanh nghiệp cũng có tâm lý e ngại nhận hỗ trợ lãi suất 2%…

Các ngân hàng thương mại phải kiểm soát chặt chẽ và e ngại rủi ro đã đành, chính trong doanh nghiệp cũng có tâm lý e ngại nhận hỗ trợ lãi suất 2%…

Theo chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, các đối tượng là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc một số ngành nghề ưu tiên sẽ được vay vốn với mức lãi suất hỗ trợ là 2%/năm.

Thời hạn được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại (NHTM) và khách hàng, phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023.

Đến nay, các ngân hàng thương mại đã hoàn thành đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất, đồng thời, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 tới từng ngân hàng thương mại để triển khai sớm chính sách. Các bộ, ngành có liên quan cũng đang khẩn trương các bước thủ tục để chính sách được triển khai bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

Tuy nhiên, sau 3 tháng triển khai, con số thực hiện vẫn còn ở mức rất khiêm tốn.

Cụ thể, theo báo cáo nhanh từ các NHTM, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng mới chỉ đạt vỏn vẹn 1,02 tỷ đồng (trong tổng gói hỗ trợ khoảng 40.000 tỷ), dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng.

Do kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các NHTM vẫn còn hạn chế nên ngày 9/8/2022, NHNN đã có công văn yêu cầu các NHTM báo cáo nhanh một số thông tin về kết quả hỗ trợ lãi suất, tình hình tiếp cận, tiếp nhận, hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ, xử lý đề nghị hỗ trợ lãi suất của khách hàng.

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Quốc hội mới đây, Phó thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, qua ghi nhận sơ bộ từ báo cáo của các NHTM, một số nguyên nhân, khó khăn dẫn tới chính sách chậm triển khai bao gồm khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất, nguyên nhân từ phía khách hàng và nguyên nhân từ phía ngân hàng.

Cụ thể, về khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất, các ngân hàng cho biết, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã có Văn bản giải đáp số 5251/BKHĐT-PTDN ngày 29/7/2022 về đối tượng được hỗ trợ lãi suất.

Tuy nhiên, hiện các NHTM vẫn gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất trong một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành.

Về nguyên nhân liên quan đến khách hàng vay, một số chi nhánh NHTM đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ. Tuy nhiên, bản thân khách hàng (nhất là các doanh nghiệp) cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ phải làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, hiện nay nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các NHTM nhưng không có đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã công bố 4 dự án với tổng nhu cầu 1.751 tỷ đồng. Tuy nhiên chưa phát sinh dư nợ đối với chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ do số lượng dự án còn ít và mới được công bố.

Về nguyên nhân từ phía các ngân hàng, các NHTM có tâm lý e ngại do một số chương trình hỗ trợ lãi suất đã triển khai thực hiện trước đây nhưng vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia Chương trình được hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: