Theo phản ánh của doanh nghiệp, thủ tục để vay rất khó khăn, đặc biệt liên quan đến phần tài sản đảm bảo.
Sau hơn ba tháng triển khai chương trình hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hầu hết các doanh nghiệp tiếp cận vẫn chưa thể vay được vốn cũng như chưa khẳng định có vay được hay không.
Trước thực tế này và tiến độ thời gian qua, một số ý kiến đề nghị xem xét lại cơ chế và điều kiện, dù rằng việc bàn tính đã được các cơ quan liên quan họp hàng chục cuộc từ cuối năm 2021.
“Có những giấy tờ không thể đáp ứng được”
Ngay khi có thông tin triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, cộng đồng doanh nghiệp vui mừng, bởi đây là thời điểm họ cần có nguồn vốn để duy trì, đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động sau đại dịch.
Tiếp cận từ khá sớm, đã chuẩn bị các hồ sơ giấy tờ, nhưng vượt qua được “ải” thủ tục không dễ.
Ông Lại Hoàng Dương – Giám đốc Công ty máy tính Thánh Gióng cho biết, doanh nghiệp mình đã gửi hồ sơ vay vốn đến các các ngân hàng thương mại và phải qua chỉnh sửa nhiều lần theo yêu cầu, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn hỗ trợ.
“Các ngân hàng thì chưa trả lời chính thức có được vay vốn hỗ trợ 2% hay không, nhưng khâu hành chính đều yêu cầu phải bổ sung văn bản giấy tờ, có những giấy tờ mà doanh nghiệp không thể đáp ứng được”, ông Dương chia sẻ.
Ông Đinh Văn Hưng – Tổng giám đốc Công ty TNHH Sivac cũng cho biết, do có nhu cần vốn để khôi phục sản xuất kinh doanh nên doanh nghiệp có làm hồ sơ để vay gói hỗ trợ 2% từ phía NHNN. Tuy nhiên, thủ tục để vay rất khó khăn, đặc biệt liên quan đến phần tài sản đảm bảo.
“Hai năm bị COVID-19, do cần vốn, chúng tôi cũng đã thế chấp hết các ngân hàng rồi, giờ cũng không còn gì mà”, ông Hưng nói, khi mà một trong những điều kiện/yêu cầu hàng đầu để tiếp cận là cần có tài sản đảm bảo bên sau khi xét các diện được hỗ trợ…
Đó cũng là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp, khi họ không có nhiều tài sản đảm bảo, nhất là khẩu vị của nhiều nhà băng vẫn ưu tài sản là bất động sản.
Cần có chính sách riêng?
Theo kế hoạch, gói hỗ trợ lãi suất 2% trong năm 2022 sẽ giải ngân khoảng 16.035 tỷ đồng. Tuy nhiên sau gần ba tháng triển khai ngành ngân hàng mới giải ngân được 4.100 tỷ đồng cho gần 550 doanh nghiệp.
Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, nếu thực hiện giải ngân tốt hơn thì sẽ hỗ trợ đáng kể cho các doanh nghiệp phục hồi, phát triển. Tính thời điểm và tính kịp thời sẽ phát huy giá trị của nguồn lực hỗ trợ. Ngược lại, độ trễ kéo dài, khi lãi suất tăng lên và sức chờ đợi của doanh nghiệp cạn đi thì cơ hội phục hồi càng khó hơn hoặc giá trị hỗ trợ bị nhạt đi…
Theo ông Phạm Quang Anh – Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony, với gói hỗ trợ lãi suất này, công ty kỳ vọng sẽ có thêm nguồn tài chính để tái đầu tư trang thiết bị, đồng thời hỗ trợ cho người lao động và người tiêu dùng tốt hơn trong bối cảnh lạm phát tăng cao.
“Tôi mong muốn Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% này sẽ chủ động tạo điều kiện, để doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu được hưởng chính sách vay ưu đãi một cách nhanh nhất”, ông Quang đề xuất.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, bà Vũ Thị Thương Huyền – Giám đốc HTX chè Thịnh An tại Thái Nguyên cho rằng do tác động của dịch COVID-19, hầu hết các HTX rơi vào cảnh khó khăn trong sản xuất như đầu ra bị thu hẹp, doanh thu, lợi nhuận đều sụt giảm. Và khi dịch bệnh dần được kiểm soát, các HTX cũng dần khôi phục hoạt động song khó vẫn tiếp tục chồng khó. Cụ thể, giá phân bón, xăng dầu cùng các vật tư đầu vào khác liên tục tăng cao, trong khi HTX chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nên chịu tác động nặng nề.
“Nếu được tiếp cận với gói hỗ trợ lãi suất 2% kịp thời thì sẽ tạo điều kiện cho các HTX phục hồi và phát triển”, bà Huyền chia sẻ.
Dù đánh giá cao nỗ lực từ phía NHNN, song Luật sư Nguyễn Đình Vinh – Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink cho rằng, các ngân hàng thương mại không hạ chuẩn, nới lỏng các điều kiện tín dụng trong quá trình cho vay hỗ trợ lãi suất thì doanh nghiệp khó có thể tiếp cận được.
Vì vậy, theo ý kiến này, Chính phủ với vai trò là “bà đỡ” thì cũng cần có hỗ trợ đằng sau với các ngân hàng thương mại, để các ngân hàng này vừa có nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp vừa đảm bảo mục tiêu kinh doanh của họ.
“Bản thân các ngân hàng thương mại cũng cần phải có chính sách riêng để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn đầu tư và phát triển. Khi doanh nghiệp phát triển thì họ sẽ trở thành khách hàng tiềm năng của ngân hàng”, ông Vinh kiến nghị.
Đồng tình với quan điểm cần có cơ chế riêng cho doanh nghiệp vay vốn, ông Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính cho rằng, theo Luật các tổ chức tín dụng thì doanh nghiệp phải đáp được các điều kiện: không có nợ xấu, phải có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản bảo đảm. Trong khi đó, hơn hai năm dịch bệnh nhiều doanh nghiệp không tránh khỏi tình trạng nợ xấu hay chuyển nhóm nợ.
“NHNN cần có chính sách riêng để đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%. Chẳng hạn, nên quy định cho phép các doanh nghiệp nếu không có tài sản thế chấp thì có thể được vay vốn thông qua kế hoạch kinh doanh chi tiết khi sử dụng vốn vay, chứng minh dòng tiền thu về trong vòng một năm” ông Hiếu đề xuất.
Trước đó, tại buổi họp với NHNN và các bộ ngành về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị NHNN phải chủ động nắm bắt tình hình từ cơ sở, nếu phát hiện các khó khăn, vướng mắc thì kịp thời có các giải pháp khắc phục theo thẩm quyền, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao NHNN sớm thành lập một số đoàn công tác (có sự tham gia của các bộ ngành liên quan) để tiến hành khảo sát tình hình triển khai thực hiện của các ngân hàng thương mại, nắm bắt các vấn đề đặt ra trong thực tiễn để kịp thời có các biện pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc của cơ sở.
Nguồn: cafef.vn