Theo nhiều chuyên gia dự đoán, diễn biến giá kẽm trong phần còn lại của năm nay sẽ bị ảnh hưởng bởi chi phí năng lượng châu Âu tăng cao, xung đột đang diễn ra ở Ukraine và sự ảnh hưởng từ Trung Quốc.
Nếu nhìn vào diễn biến giá kẽm trong năm qua, thật khó để có thể xác định được một xu hướng rõ ràng. Sau khi giữ ở mức thấp do đại dịch gây ra chỉ 1.960 USD/tấn, kim loại này đã tăng vọt lên hơn 4.500 USD chỉ khoảng 4 tháng trước. Tuy nhiên, đà tăng không duy trì được lâu. Vào giữa tháng 7, kẽm đã giảm xuống dưới 2.700 USD và phục hồi trở lại mức 3.000 USD vào giữa tháng 8.
Vậy, câu chuyện chính xác đằng sau những biến động giá kẽm là gì? Theo nhiều chuyên gia dự đoán, diễn biến giá kẽm trong phần còn lại của năm sẽ bị ảnh hưởng bởi chi phí năng lượng của châu Âu tăng cao, xung đột đang diễn ra ở Ukraine, và sự ảnh hưởng từ Trung Quốc.
Các nhà máy luyện kim trên khắp châu Âu cắt giảm sản lượng
Giá năng lượng ở châu Âu đã tăng mạnh trong nhiều tháng nay. Theo Bloomberg, những cuộc đàm phán về việc phân bổ năng lượng trong những tháng mùa đông lạnh giá đã được diễn ra. Một mùa hè nóng nực kéo dài đã khiến nhu cầu gia tăng mạnh và làm nhiều quốc gia châu Âu đau đầu trong việc duy trì nguồn cung.
Cung và cầu đang gặp khó khi khí đốt từ Nga giảm đã khiến giá năng lượng trên khắp lục địa tăng vọt. Do đó, điều này đã buộc nhiều hoạt động luyện kim phải hạn chế tiêu thụ năng lượng tổng thể. Nhôm và kẽm nằm trong số các mặt hàng bị ảnh hưởng. Lí do là bởi, cả hai kim loại này đều cần lượng điện lớn, và trên thực tế, nhiều lò luyện không đủ khả năng.
Theo Reuters, năng lượng hiện chiếm khoảng 80% giá thành của cả kẽm và nhôm ở châu Âu. Con số này cao gấp đôi so với mức phân bổ ngân sách trung bình trong những năm trước. Theo Glencore, nhà sản xuất kẽm lớn nhất châu lục, sự căng thẳng đã gây ảnh hưởng đến cuộc cạnh tranh nguồn cung .
Cuộc khủng hoảng đối với lĩnh vực luyện kim cũng vượt ra ngoài châu Âu. Trong năm nay tại Mỹ, chi phí điện năng cao hơn và giá nhôm tương đối thấp đã buộc Alcoa, nhà sản xuất nhôm lớn nhất nước, phải đóng cửa vĩnh viễn một nhà máy luyện kim ở bang Indiana và Công ty nhôm Century Aluminium tạm dừng hoạt động nhà máy luyện nhôm khổng lồ ở bang Kentucky.
Trên thực tế, người ta ước tính rằng việc đóng cửa các nhà máy luyện kim có thể làm giảm sản lượng kẽm toàn cầu khoảng 150.000 tấn trong mùa đông này. Đây là mức cao nhất của việc cắt giảm từng được thực hiện vào năm 2021. Một lần nữa, cung và cầu đang giằng co, một đợt tăng giá kẽm là điều không thể tránh khỏi.
Vấn đề về giá kẽm: Nguồn cung giảm, nhưng nhu cầu có thể quan trọng hơn
Theo LME, các kho dự trữ kẽm và nhôm đã cạn kiệt. Về quy mô, chỉ còn khoảng 74.000 tấn so với gần 250.000 tấn thời điểm một năm trước. Và có khoảng một phần ba trong số 74.000 tấn đó đã được đặt sẵn để giao hàng. Geordie Wilkes, một nhà phân tích cấp cao tại Sucden, cho biết: “Có lẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi giá kẽm tăng trở lại”.
Tuy nhiên, các chuyên gia khác lại cho rằng nguồn cung có thể không phải là yếu tố quyết định. Họ cho rằng suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ cắt giảm nhu cầu đủ để giữ giá ở mức thấp, bất kể sản xuất bị gặp khó khăn.
Công dụng chính của kẽm là bảo vệ sắt và thép khỏi bị ăn mòn thông qua quá trình mạ kẽm. Và nếu nền kinh tế toàn cầu chững lại, nhu cầu về thép mạ kẽm có thể sẽ giảm đáng kể. Nhưng trong khi ngành công nghiệp xây dựng trên toàn thế giới đang gặp khó khăn, kim loại này dự kiến sẽ tăng trưởng hàng nghìn tỷ đô la vào năm 2030. Ngay cả khi có sự lên xuống thất thường, đây vẫn là một thị trường rộng lớn và sẽ có nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm mạ kẽm.
Vì vậy, nhu cầu có thể sẽ giảm mạnh cùng với giá. Nhưng ngay cả khi điều này xảy ra thì nó sẽ kéo dài trong bao lâu? Ngoài ra, liệu sự sụt giảm có thể vượt qua một cuộc khủng hoảng năng lượng dường như không có hồi kết?
Trung Quốc hạn chế sản xuất kẽm
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nguồn cung cấp chính của vô số loại hàng hóa thiết yếu, Trung Quốc có sự ảnh hưởng lớn tới giá kim loại. Bắc Kinh gần đây đã áp đặt các hạn chế trên toàn quốc, làm giảm đáng kể năng lực luyện kim của quốc gia này. Không nghi ngờ gì, kẽm chính là mặt hàng bị ảnh hưởng đầu tiên. Trên thực tế, người ta ước tính rằng những thiệt hại sản xuất sẽ tương đương khoảng 5.000 đến 6.000 tấn một tuần.
Tại tỉnh Tứ Xuyên, chính quyền đã ra lệnh cho tất cả các nhà máy công nghiệp tạm ngừng sản xuất trong 5 ngày để chuyển hướng năng lượng tới các khu dân cư. Tương tự như ở châu Âu, đây phần lớn là phản ứng trước mắt với những đợt nắng nóng đang kéo dài mấy tháng nay. Mặc dù 5 ngày không phải là quá dài, nhưng các ước tính cho thấy tổng công suất bị ảnh hưởng bởi những đợt ngừng hoạt động này là gần 500.000 tấn mỗi năm.
Từ trước đến nay, Trung Quốc chủ yếu là nước nhập khẩu kẽm. Tuy nhiên, vào đầu năm nay, họ đã chính thức trở thành một nhà xuất khẩu. Vì vậy, nguồn cung để xuất khẩu hiện đang trở thành một câu hỏi lớn.
Trong một thị trường bị chi phối bởi cả nguồn cung hạn chế và nhu cầu giảm, thật khó để nói yếu tố nào sẽ trở thành động lực chính ảnh hưởng lên giá. Hơn nữa, khó có thể xác định liệu nhu cầu kẽm có thực sự giảm hay không, chưa nói đến việc nó có thể giảm trong bao lâu.
Tham khảo: Oilprice
Nguồn: cafef.vn