Lãi sau thuế chưa phân phối tích lũy qua các năm đã tạo nguồn vốn để TCBS có thể tăng vốn điều lệ gấp hơn 8,2 lần từ 1.126 tỷ đồng lên gần 9.250 tỷ đồng.
Ngày 23/8 vừa qua, ĐHĐCĐ bất thường lần 2 của CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) đã thông qua một loạt phương án tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, chào bán 853,5 triệu đồng cổ phiếu riêng lẻ, giá chào bán dự kiến 10.000 đồng/CP. Đối tượng chào bán dự kiến là 31 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đáp ứng các tiêu chí như là thành viên Ban Tổng Giám đốc, Giám đốc các mảng chức danh trọng yếu khó tuyển dụng và sẽ có đóng góp quan trọng vào quá trình thực thi chiến lược của công ty; và các tổ chức/cá nhân là đối tác quan trọng do Chủ tịch HĐQT TCBS đề xuất.
Bên cạnh đó, Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường cũng thông qua nội dung phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ phát hành 720,75%. Giá phát hành 10.000 đồng/CP. Nguồn vốn phát hành dự kiến đến từ quỹ dự phòng tài chính và nghiệp vụ rủi ro (112,3 tỷ đồng), quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (112,3 tỷ đồng), và đáng chú ý là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (7.898 tỷ đồng).
Giống với Techcombank – ngân hàng mẹ sở hữu 94,49% vốn điều lệ TCBS, công ty chứng khoán này cũng không chi trả cổ tức. Do đó, có thể thấy nguồn lợi nhuận tích lũy trong nhiều năm đã giúp TCBS có thể tăng quy mô vốn điều lệ gấp hơn 8,2 lần từ 1.126 tỷ đồng lên gần 9.250 tỷ đồng.
Với con số này, vốn điều lệ TCBS sẽ vượt CTCP Chứng khoán VPBank với quy mô 8.920 tỷ đồng, để trở thành công ty có vốn điều lệ lớn thứ 3 trong ngành, xếp sau CTCP Chứng khoán SSI 14.911 tỷ đồng và CTCP Chứng khoán VnDirect là 12.178 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý II/2022, vốn điều lệ SSI mới chỉ đạt 9.947,5 tỷ đồng, đợt phát hành tăng vốn chào bán cho cổ đông hiện hữu cách đây ít tuần đã giúp SSI tăng vốn và huy động được lượng tiền lớn từ các cổ đông. Theo Trung tâm lưu ký chứng khoán, 496.380.115 cổ phiếu SSI vừa phát hành sẽ được lưu ký từ ngày 25/8. Sau đó, lô cổ phiếu mới này có thể về tài khoản nhà đầu tư trong tháng 9 tới.
Cả SSI và VnDirect đều có quy mô vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng, tương đương với quy mô một số ngân hàng tầm trung.
Thống kê cho thấy, thị trường trong năm 2021 ghi nhận có 44 trong số 79 công ty chứng khoán tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, chào bán riêng lẻ… Vốn điều lệ của nhóm công ty chứng khoán trong năm 2021 đã tăng thêm khoảng 35.300 tỷ đồng, trong khi tổng mức tăng 4 năm trước đó cộng lại chỉ là 25.200 tỷ đồng.
Với nguồn vốn huy động bổ sung, các công ty có thể tăng vốn kinh doanh, cho vay margin, tự doanh, đầu tư….
Nguồn: cafef.vn