Chuyên gia cho rằng, cần phát triển cân bằng, hài hòa hơn thị trường tài chính; kiến tạo phát triển song vẫn kiểm soát rủi ro, tận dụng được các cơ hội mới; nắn dòng vốn chứ không làm nghẽn…
-
Có thể cân nhắc nâng mức tăng trưởng tín dụng cao hơn một chút so với 14% bởi dòng tiền năm nay đi vào sản xuất kinh doanh nhiều hơn là vào đầu cơ và thực thi sớm, sẽ càng có lợi cho doanh nghiệp và nền kinh tế.Tại: Tăng vốn cho doanh nghiệp: Đã có điều kiện, cho nới “trần” tín dụng sớm
-
Tôi cho rằng ngoài việc chúng ta phục hồi kinh tế, năm nay cần chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có câu chuyện về lạm phát, rủi ro hệ thống tài chính, nhất là thị trường chứng khoán và bất động sản- không có nghĩa là siết chặt nhưng phải lành mạnh hoá.Tại: Rủi ro thị trường tài chính của Việt Nam ở mức “Trung bình cao”
Đây là một trong những giải pháp đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước được TS. Cấn Văn Lực đề cập tại Diễn đàn “Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới”, tổ chức tại TP.HCM ngày 24/8.
Đề cập tới bối cảnh kinh tế thế giới, TS. Cấn Văn Lực nêu, năm nay đà phục hồi kinh tế thế giới tương đối khó khăn, sẽ đạt khoảng 2,9-3,2%, bằng một nửa năm ngoái. Trong đó Trung Quốc tăng trưởng chậm lại tương đối đáng kể do chiến lược “zero Covid”.
Đây là câu chuyện lượng hóa 3 rủi ro lớn, một là lạm phát, các ngân hàng trung ương nhất là Mỹ đã và đang tăng lãi suất; hai là chiến sự làm giá cả tăng; ba là chiến lược “zero Covid” của Trung Quốc làm cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm.
Tuy nhiên, điểm tích cực hiện nay là giá hàng hóa, xăng dầu đang có xu hướng giảm, dự báo giá dầu giảm 10% trong năm tới, theo cơ quan năng lượng Mỹ. Tất cả giá cả tăng từ giữa tháng 5, đỉnh lạm phát của thế giới có vẻ tương đối rõ nét.
Với Việt Nam, chúng ta là điểm sáng với dự báo tăng trưởng 6-7%. Về cơ bản Việt Nam đang phục hồi tương đối tốt ở các lĩnh vực chính về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, một số lĩnh vực trở về trạng thái trước dịch. Đầu tư trong nước và nước ngoài tăng trưởng tích cực 6-8%, đặc biệt FDI tích cực. Về tiêu dùng, mảng bán lẻ về trước dịch, thậm chí cao hơn khi tăng 16%…
Về hoạt động của doanh nghiệp có sự phân hóa, vẫn còn lượng doanh nghiệp đóng cửa sản xuất kinh doanh, tỷ lệ gần 40%, chứng tỏ một bộ phận tương đối khó khăn, kinh tế phục hồi không đồng đều.
Rủi ro thách thức kinh tế năm nay và 2023, bên cạnh các rủi ro bên ngoài, trong nước phục hồi không đồng đều, lãi suất, nghĩa vụ trả nợ, thâm hụt ngân sách, giải ngân đầu tư công chậm, cơ cấu DNNN, đặc biệt thị trường chứng khoán, bất động sản đang điều chỉnh…
Theo chuyên gia, với tình hình hiện nay, từ nay tới cuối năm giải ngân đầu tư công đạt khoảng 80-85% kế hoạch. Chương trình phục hồi triển khai còn chậm. Năm nay chỉ giải ngân được khoảng 25-30% tổng vốn chương trình phục hồi kinh tế.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đề ra một số quyết sách lớn, trong đó có 4 quyết sách doanh nghiệp cần lưu ý. Một tiếp tục phòng chống dịch, đẩy mạnh tiêm vaccine; hai thúc đẩy chương trình phục hồi kinh tế; ba đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, hoàn thiện các luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp; bốn chú trọng phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh.
Quy mô thị trường trái phiếu còn nhỏ
Đề cập bài toàn vốn cho doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực nêu, thông thường doanh nghiệp có 6 dòng vốn chính, gồm ngân sách, nước ngoài, thị trường vốn gồm cổ phiếu và trái phiếu; vốn từ đối tác – một số đối tác cho nhau vay nợ 45 90 ngày; tín dụng bảo lãnh; thuê tài chính.
Hiện nay vốn tín dụng đóng góp 47% tổng lượng vốn, FDI 15%, đầu tư 13,5%, riêng TPDN đã và đang tăng tốt, chiếm 21,5%; huy động vốn từ thị trường cổ phiếu, phát hành thêm khoảng 3,2% tổng lượng vốn đầu tư toàn nền kinh tế.
Với vốn từ ngân sách, năm nay và năm sau doanh nghiệp lưu tâm hơn gói phục hồi, thực hiện trong 2 năm với tổng vốn 347.000 tỷ đồng gồm 5 cấu phần khác nhau. Trong đó có 3 cấu phần liên quan trực tiếp tới doanh nghiệp như về an sinh xã hội, 18.000 tỷ cho vay nhà ở xã hội, công nhân và sinh viên; liên quan hỗ trợ 10.000 tỷ đồng giãn hoãn thuế, giảm thuế VAT; gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ, hiện triển khai còn chậm; phát triển hạ tầng 113.000 tỷ, kỳ vọng sau khi quy trình thủ tục thời gian tới giải ngân gói này được thúc đẩy, ước tính năm nay được 25-30% tổng chương trình phục hồi.
Về tín dụng, dự báo năm nay có điểm khác năm trước là huy động vốn khối ngân hàng chậm hơn, tín dụng tăng trưởng tương đối nhanh, hiện khoảng 9,6%. Nếu giả định NHNN không thay đổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14%, tức còn khoảng 4,7% room tăng trưởng tín dụng từ nay tới cuối năm.
Kênh thứ 3 cho thuê tài chính, quy mô chưa lớn khoảng 30.000 tỷ, nếu quan tâm thúc đẩy sẽ là kênh quan trọng trong bối cảnh tài sản thế chấp bị thiếu.
Kênh huy động qua cổ phiếu, mặc dù vốn hóa thị trường tương đối lớn tuy nhiên huy động vốn qua đây thấp, năm cao nhất cũng chỉ đạt 100.000 tỷ, chiếm 3,2% tổng vốn đầu tư của nền kinh tế. Quy mô thị trường cổ phiếu Việt Nam so với khu vực còn tương đối nhỏ, còn nhiều dư địa để phát triển thị trường cổ phiếu tốt hơn.
Tương tự, thị trường trái phiếu thời gian qua phát triển mạnh, đặc biệt giai đoạn 2019-2021 tăng trưởng bình quân đạt 45-50%/năm. Mức tăng nóng, một số sự cố xảy ra buộc Chính phủ phải siết lại. Năm nay lượng phát hành trái phiếu giảm khoảng 15%, riêng bất động sản giảm 35%.
“Quy mô thị trường trái phiếu còn nhỏ. Nếu tính doanh nghiệp niêm yết phát hành tương đương 8% GDP, tính cả doanh nghiệp không niêm yết là 15% GDP, con số nhỏ so với Thái Lan, Trung Quốc, đạt 25-36% GDP”, TS. Cấn Văn Lực đánh giá.
Thách thức, giải pháp
Đề cập thách thức huy động vốn, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, triển vọng phục hồi kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khiến khẩu vị rủi ro của các định chế tài chính chặt chẽ hơn. Quy mô thị trường vốn vẫn còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực, thiếu tính ổn định; các sản phẩm còn ít, chưa đa dạng, tính minh bạch, chuyên nghiệp tuân thủ chưa cao trong khi chế tài chưa đủ sức răn đe.
Ngoài ra, nền tảng nhà đầu tư chưa bền vững, chưa đa dạng, chủ yếu là cá nhân hay một số nhà đầu tư tổ chức, chưa có quỹ hưu trí, quỹ tín thác bất động sản… Hạn mức tăng trưởng tín dụng hết khá nhanh, chờ bổ sung. Những vụ việc gần đây khiến cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ hơn dòng vốn vào thị trường trái phiếu bất động sản… Thói quen của doanh nghiệp, tính công khai, minh bạch, chuẩn mực quản trị doanh nghiệp chưa được quan tâm nhiều.
Về giải pháp đối với cơ quan quản lý, TS. Cấn Văn Lực nhận định, còn nhiều dư địa phát triển tín dụng nhà ở, các phân khúc còn thiếu cung, lĩnh vực xây dựng, thị trường cổ phiếu và TPDN; từ nay đến 2030 mỗi năm Việt Nam cần khoảng 700 nghìn đến 1 triệu tỷ đồng vốn trung dài hạn, ngoài phần vốn tín dụng ngân hàng.
Chuyên gia cho rằng, cần phát triển cân bằng, hài hòa hơn thị trường tài chính; kiến tạo phát triển song vẫn kiểm soát rủi ro, tận dụng được các cơ hội mới; nắn dòng vốn chứ không làm nghẽn, quan tâm rủi ro hệ thống tài chính; chú trọng điều tiết cung – cầu bất động sản…
Hoàn thiện thể chế theo hướng sửa đổi Nghị định 153 và 156 phù hợp; rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, nhất là điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp; quy định cần thiết chính sách xếp hạng tín nhiệm.
Quy định phân nhóm phân khúc bất động sản để có chính sách tín dụng, vốn, tài chính phù hợp; phân nhóm trái phiếu doanh nghiệp.
Cần sớm giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư trong các vụ việc vừa qua. Có hướng dẫn, cho phép thành lập các định chế tài chính bất động sản chuyên biệt như quỹ/cơ quan tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác đầu tư bất động sản, cơ quan tái tài trợ bất động sản thế chấp nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản…
Với doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng, ngoài tín dụng, doanh nghiệp cần lưu tâm, linh hoạt huy động vốn từ các kênh khác như phát hành trái phiếu, chào bán cổ phần, quỹ đầu tư, thuê tài chính.
Doanh nghiệp cần hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết… Huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; quan tâm quản lý rủi ro tài chính về lãi suất, tỷ giá, dòng tiền…
Nguồn: cafef.vn
TÁC GIẢ KHÁC
Chuyên gia Đinh Thế Hiển
PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi
Chuyên gia