Hoạt động “tín dụng đen” đã biến tướng và đang len lỏi khắp nơi, chúng để lại những bi kịch nặng nề cho xã hội, “ám ảnh” người dân như “bóng ma” … “hút máu”…
Đường dây cho vay lãi nặng qua app, dùng mọi thủ đoạn để ép trả nợ bị Công an TP.Hà Nội triệt phá hồi tháng 5/2022. Ảnh: CAHN
Theo đánh giá của Bộ Công an, hoạt động “ tín dụng đen ” không còn lộng hành, công khai, nhưng các đường dây “tín dụng đen” vẫn lách luật hoạt động và gây ra nhiều hệ lụy phức tạp.
Nỗi khiếp sợ mang tên… “tín dụng đen”
Theo các chuyên gia, không phải tự nhiên “tín dụng đen” lại được coi là vấn nạn nhức nhối trong xã hội, nền kinh tế. Bởi tín dụng đen hoành hành đã và đang để lại những hậu quả nặng nề cả về mặt kinh tế, chính trị, xã hội cho đất nước và người dân. Bản thân “tín dụng đen” không phải là nguyên nhân bắt đầu nhưng lại là nguyên nhân kéo theo sự nảy nở phát triển không kiểm soát của các tệ nạn xã hội.
Hoạt động “tín dụng đen” làm cạn kiệt sức lực và tinh thần của người đi vay, giống như chiếc “vòi bạch tuộc” len lỏi khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, bám riết và đe dọa cuộc sống của những người dân trót vướng vào vòng xoáy của loại hình này. Đáng chú ý, hoạt động thu hồi nợ gắn với nhóm tội phạm này là hàng loạt những thủ đoạn, hành vi “tàn khốc” gây ra nỗi khiếp sợ, bất an cho xã hội.
Đó là từ việc bắt giữ người, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, gọi điện, nhắn tin đe dọa, chửi bới, đổ chất bẩn, chất thải, bom xăng, đổ bê tông trước cửa nhà, đến đặt vòng hoa tang, treo đầu động vật, phun sơn, máu tươi, hay kéo đông người đến nhà riêng, nơi làm việc để gây áp lực với “con nợ”.
Bằng những chiêu trò đòi nợ tàn nhẫn như vậy, tội phạm “tín dụng đen” đã đẩy hàng loạt gia đình vào cảnh cùng quẫn. Thậm chí, có những trường hợp phải trả giá bằng cả tính mạng, hậu quả nặng nề cho xã hội. Cái chết của giảng viên một trường cao đẳng tại tỉnh Kiên Giang vào năm 2020 do vướng đến vay tiền qua app vẫn như một dẫn chứng ám ảnh nhiều người.
Theo đó, chỉ vay có 5 triệu đồng qua app để chi tiêu, đến hạn 7 ngày không trả kịp, số tiền phạt và tiền lãi liên tục tăng. Sau đó, app cho vay đã giới thiệu các app khác để anh vay tiếp, trả nợ khoản vay trước. Cứ thế, mấy tháng sau, số tiền nợ tăng lên hơn 200 triệu đồng. Liên tục bị đe dọa, khủng bố tinh thần, lại bị đe dọa bôi nhọ và làm mất uy tín, khiến nạn nhân phải tìm đến cái chết để được giải thoát.
Trước đó không lâu, một nữ công nhân 23 tuổi ở Biên Hòa (Đồng Nai) cũng tìm đến cái chết vì “tín dụng đen”. Điều tàn nhẫn là sau khi nữ công nhân này qua đời, mẹ của nạn nhân vẫn liên tục bị các app gọi điện “khủng bố”, nói xấu, bôi nhọ danh dự để “ép” bà trả nợ.
Hàng triệu người “sa bẫy”
Những tháng đầu năm 2022, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.Hà Nội phát hiện, trên địa bàn nhiều tỉnh, thành trên cả nước xuất hiện tình trạng cho vay qua app và đòi nợ dưới hình thức “tín dụng đen”.
Người vay chỉ cần chụp ảnh chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và thế chấp bằng danh bạ điện thoại là có thể vay số tiền từ 2 triệu đồng đến 30 triệu đồng mà không cần gặp mặt hay ký kết bất cứ một giấy tờ vay nợ nào. Theo đó, người vay sẽ phải thanh toán trong 3 – 5 ngày số tiền gốc ban đầu, tiền lãi sẽ được các đối tượng cắt ngay khi giải ngân. Nếu “con nợ” không thanh toán được tiền gốc như cam kết, số tiền sẽ được nhân lên, “lãi mẹ đẻ lãi con” lên tới 1.570 – 2.190%/năm.
Tuy nhiên, khi người vay không thanh toán được, các đối tượng sẽ nhắn tin, gọi điện nhắc nhở, đe dọa, khủng bố tinh thần từ “con nợ” đến người thân của họ và toàn bộ các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại mà “con nợ” cung cấp trước đó. Thậm chí, chúng còn cắt ghép hình ảnh của “con nợ” rồi tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ uy tín, danh dự để thúc ép “con nợ” hoặc người nhà phải trả tiền, gây bức xúc trong dư luận.
Trước tình trạng bất ổn, phức tạp của đường dây này, Công an Hà Nội đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an và các đơn vị có liên quan, xác lập chuyên án triệt phá.
Theo đó, tháng 5/2022, lực lượng chức năng đã triệt phá đường dây tín dụng đen thông qua hình thức cho vay qua app với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Nhóm này lập 3 app “cashvn”, “vaynhanhpro” và “ovay” cho vay, giải ngân trung bình mỗi tháng khoảng 100 tỉ đồng. Theo công an, sơ bộ có gần 1 triệu người dính vào đường dây này. Sau đó, Công an Hà Nội đã khởi tố 26 người về các tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cưỡng đoạt tài sản…”.
Mới đây nhất, giữa tháng 7, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an phối hợp với Công an Lào Cai triệt phá đường dây cho vay lãi nặng qua app xuyên biên giới, với lãi suất gần 2.100%/năm. Có khoảng 159.000 khách hàng vay tiền qua các ứng dụng Vndong, Hitien, Zdong, Hvay với tổng số tiền là hơn 1.802 tỉ đồng. Trong đó, số tiền đã giải ngân là 659,6 tỉ đồng, số tiền thực tế khách hàng đã trả nợ là 830 tỉ đồng, lượng tiền chiếm hưởng là 322,6 tỉ đồng.
Theo Trung tướng Trần Ngọc Hà – Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an – nhận định, các đối tượng hoạt động tín dụng đen hiện nay thường lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)… len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền.
Các đối tượng này thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật; lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay; một số hợp đồng vay tiền tuy số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất gấp nhiều lần.
Trung tướng Trần Ngọc Hà cho biết, khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác.
“Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác” – Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự chia sẻ.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vấn đề này, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho rằng, “tín dụng đen” là vấn đề không mới. Thời gian qua, dù cơ quan quản lý đã có nhiều giải pháp ngăn chặn nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng. Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp cho rằng, tình trạng “tín dụng đen” vẫn nóng đi nóng lại qua các năm. Điều này cho thấy, nhu cầu về khoản vay nhỏ, cấp bách của người dân vẫn rất lớn nhưng lại không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng do không đủ điều kiện.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Hồng Tình – Trưởng đại diện Văn phòng Luật Nguyễn Thanh Bình cho rằng, để ngăn chặn “tín dụng đen”, việc trấn áp là chưa đủ bởi theo nữ luật sư, để giải quyết vấn đề kinh tế phải bằng giải pháp kinh tế.
“Tín dụng đen bùng phát chủ yếu là do nhu cầu vay cấp bách của người dân. Vì vậy, để giải quyết tín dụng đen, giải pháp gốc rễ là phải đáp ứng được nhu cầu vốn của người dân có thu nhập thấp, trung bình. Muốn làm được điều này, cần khuyến khích các kênh cho vay chính thức tham gia cho vay tiêu dùng”, luật sư Trần Hồng Tình nói.
Còn nữa…
Nguồn: cafef.vn