Kinh doanh xe hơi ngày càng khó khăn do thị trường đóng băng từ khi dịch Covid-19 bùng phát và chuỗi cung ứng bị đứt gãy, kéo theo nguồn cung cạn kiệt. Đại lý ôtô đã làm gì để tồn tại?
Ông P.N.T, giám đốc một công ty sở hữu chuỗi đại lý phân phối của một hãng xe lớn, cho hay trước đây, hãng xe buộc các đại lý nhập hàng theo kiểu “mua đứt, bán đoạn” với số lượng bắt buộc. Trong khi đó, cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt, số lượng đại lý tăng nhanh khiến nhiều nơi phải giành khách bằng mọi giá.
“Nhiều đại lý không ngại “đạp” giá xuống dưới mức đề xuất, rồi tặng quà, phụ kiện… để thu hút khách. Chạy đua doanh số để hưởng hoa hồng khiến nhiều đại lý rất mệt mỏi, nhiều khi chỉ hòa vốn, đa phần chấp nhận lỗ” – ông T. phản ánh.
Theo ông T., từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đại lý xe hơi kinh doanh ngày càng khó khăn nên không dám nhập đủ số lượng cam kết để hưởng hoa hồng. Hầu hết đại lý đề nghị hãng xe cho nhập số lượng nhỏ, phù hợp tình hình kinh doanh thực tế để tránh tồn kho.
Với khách hàng, các đại lý đề nghị đặt hàng trước, không giao xe ngay kể cả khi có sẵn. “Có khách đặt thì đại lý mới lấy xe về để cắt giảm các chi phí như thuê kho bãi, nhân lực…, từ đó giảm lãng phí, cân đối được tài chính để trả lương nhân viên, duy trì hoạt động” – ông T. lý giải.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại đại lý ôtô Toyota ở quận 1, TP HCM, khách muốn mua bất cứ mẫu xe nào cũng đều phải đặt hàng trước thì mới được giải quyết thủ tục. Đại lý Honda ở quận 10, TP HCM dù có sẵn vài chiếc CR-V nhưng khách mua xe này cũng không được giao ngay mà phải đặt hàng và chờ giao. Đại lý Kia ở TP Thủ Đức, TP HCM cũng đề nghị khách đặt hàng trước. Từ đó, đại lý mới thống kê số lượng đơn hàng để đặt nhà máy giao xe về.
Các đại lý cho hay họ không đạt doanh số do hãng ấn định để hưởng hoa hồng nên không còn mặn mà chạy đua doanh số, chấp nhận đặt hàng số lượng nhỏ với nhà máy sau khi đã tính toán được nhu cầu trong tháng. “Chúng tôi biết khách hàng sẽ thiệt thòi khi cần xe ngay mà không được giao nhưng không còn cách nào khác” – nhân viên kinh doanh ở một đại lý xe tại TP HCM phân trần.
Ngoài việc cắt giảm chi phí kho bãi, nhân công và giảm rủi ro tồn kho bằng cách đòi hỏi khách đặt hàng trước – giao xe sau, các đại lý còn đẩy mạnh dịch vụ sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng để kiếm lời. “Dịch vụ sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng vốn mang lại khoản thu khá đáng kể cho đại lý xe hơi thì nay trở thành nguồn thu chính. Hầu hết đại lý phải sống nhờ vào dịch vụ này, nhất là sau thời gian bị thiệt hại nặng do dịch Covid-19 khiến kinh doanh èo uột” – đại diện một đại lý ôtô tại TP HCM cho biết.
Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ hệ thống đại lý Ôtô Hiền (TP HCM), cho rằng thời gian qua có tình trạng thiếu chip dẫn đến giảm nguồn cung xe nhưng tình hình không quá trầm trọng. Các hãng xe đa quốc gia hầu như đều có nguồn dự trữ linh kiện hoặc đã chủ động tìm nguồn thay thế, đủ sức cung cấp xe ra thị trường. Thực tế, nguồn cung vẫn khá dồi dào nên lượng xe bán ra mỗi tháng tại thị trường Việt Nam vẫn duy trì hàng chục ngàn chiếc, cao điểm là mức tiêu thụ hơn 45.000 chiếc hồi tháng 4 vừa qua.
“Không loại trừ khả năng đại lý tạo khan hiếm giả để kiếm lợi nhuận nhiều hơn. Với lý do nguồn cung hạn chế, đại lý có thể tăng giá thêm vài chục, thậm chí cả trăm triệu đồng mỗi chiếc ôtô mà khách vẫn phải chấp nhận vì lo ngại không có xe” – bà Hiền nhận xét.
Tiêu thụ ôtô vẫn tăng
Báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam cho thấy trong tháng 7-2022, toàn thị trường tiêu thụ được 30.254 xe các loại, tăng 20% so với tháng 6. Trong đó, 23.087 xe du lịch, 6.945 xe thương mại và 222 xe chuyên dụng đã được bán ra. Riêng xe sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ được 13.759 chiếc, tăng 25% so với tháng 6.
Nguồn: cafef.vn