Thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong năm thị trường bán lẻ tiềm năng nhất châu Á và toàn cầu, tốc độ đô thị hóa còn thấp nhưng vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng.
MWG: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Với quy mô dân số lên đến 100 triệu dân và thu nhập bình quân đầu người được cải thiện qua các năm, ngành bán lẻ trong dài hạn được dự báo sẽ có mức tăng trưởng tốt. Thống kê cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong năm thị trường bán lẻ tiềm năng nhất châu Á và toàn cầu, tốc độ đô thị hóa còn thấp nhưng vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng, các thành phố thứ cấp sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính cho các doanh nghiệp bán lẻ thay vì các thành phố lớn.
Trong báo cáo phát hành về thị trường bán lẻ, Công ty Chứng khoán Phú Hưng từng cho biết, mặc dù bán lẻ truyền thống chiếm chiếm 74%, nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ ở mức 1%, trong khi kênh bán lẻ hiện đại chiếm 26% thị phần nhưng đang tăng trưởng hai con số ở mức 11.8%/năm. Theo Chứng khoán Phú Hưng, kênh bán lẻ hiện đại sẽ “soán ngôi” kênh bán lẻ truyền thống trong thời gian tới. Cụ thể, tỷ trọng bán lẻ hàng hóa theo các loại hình phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị…) có thể đạt 50% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng số cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini giai đoạn 2017-2021 cao nhất Đông Nam Á, khoảng 37,4%.
Mặc dù trong ngắn hạn, lạm phát ảnh hưởng tiêu cực đến chi tiêu của người tiêu dùng tuy nhiên, với nền so sánh quý 3/2021 rất thấp (làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 tại Việt Nam) nên tổng mức bán lẻ dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong các tháng tiếp theo.
Tái cấu trúc thành công Bách Hóa Xanh, tăng trưởng MWG có thể bắt kịp mức trước dịch
Theo thông tin cập nhật mới nhất trên website của Bách Hóa Xanh, tính đến ngày 28/8/2022, Bách Hóa Xanh hiện có 1.741 cửa hàng trên toàn quốc. Nếu so với thời điểm tháng 4/2022 khi Bách Hóa Xanh sở hữu 2.140 cửa hàng, tổng số cửa hàng của Bách Hóa Xanh hiện đã giảm gần 400 cửa hàng.
Động thái đóng cửa số lượng lớn cửa hàng Bách Hóa Xanh nằm trong kế hoạch tái cấu trúc toàn diện năm 2022 của CTCP Thế Giới Di Động (mã MWG). Cụ thể, trong quý 3, toàn bộ cửa hàng Bách Hóa Xanh hiện hữu sẽ hoạt động với cách bố trí (layout) mới. Đồng thời, MWG cũng cho biết sẽ rà soát và xử lý triệt để các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả, đồng thời hoàn tất xử lý tồn kho phát sinh do hạ diện tích và giảm số lượng đơn vị hàng tồn kho (SKU) kinh doanh tại cửa hàng.
Chia sẻ trên báo chí, đại diện MWG cho biết, đến quý 4/2022, dự kiến Bách Hóa Xanh có thể đạt doanh thu bình quân 1,3 tỷ/cửa hàng, phát triển mạnh kênh online.
Công ty Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng doanh thu/cửa hàng Bách Hóa Xanh sẽ có sự cải thiện rõ rệt kể từ nửa cuối năm 2022 sau khi tất cả các cửa hàng được nâng cấp vào tháng 7/2022. “Chúng tôi kỳ vọng doanh thu/cửa hàng Bách Hóa Xanh có thể tăng 30% so với 6 tháng 2022 lên mức 1,39 tỷ đồng/cửa hàng trong nửa cuối 2022. Tuy nhiên, do tiến trình nâng cấp Bách Hóa Xanh diễn ra chậm hơn dự kiến, chúng tôi hạ dự báo doanh thu 2022/23 lần lượt 14%/12% xuống 33.167 tỷ đồng/44.285 tỷ đồng (~ 22,5%/24,8% tổng doanh thu).
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 của MWG phụ thuộc vào thành công của hoạt động tái cơ cấu Bách Hóa Xanh được thực hiện trong quý 2 và quý 3 năm 2022. Nếu quá trình tái cấu trúc thành công, tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai có thể bắt kịp mức tăng trưởng trước đại dịch (mức tăng trưởng 30-40% trong giai đoạn 2017-2019).
Năm 2022, SSI dự báo doanh thu Bách Hóa Xanh đạt 25.982 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2021. Và năm 2023 tăng 20%, lên mức 31.280 tỷ đồng.
Thông tin mới đây trên Reuter cho biết, MWG đã thuê cố vấn để tư vấn về việc bán 20% cổ phần của chuỗi Bách Hoá Xanh. Nguồn tin quen thuộc nói rằng Thế giới Di động định giá Bách Hóa Xanh giá trị hơn 1,5 tỷ USD.
Bán lẻ (Winmart/Winmart+) chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu Masan
Theo báo cáo tài chính quý 2/2022 của CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN), 6 tháng đầu năm 2022, bán lẻ (Winmart/Winmart+) chiếm tỷ trọng cao nhất với doanh thu lên đến hơn 14.000 tỷ đồng, trong đó chuỗi 2.873 cửa hàng tiện lợi Winmart+ đem về 9.528 tỷ đồng, cao gấp đôi chuỗi 127 siêu thị lớn Winmart (4.708 tỷ đồng).
Trước đó, Masan mới chính thức tham gia thị trường bán lẻ vào cuối năm 2019 thông qua việc mua lại chuỗi Vinmart của Tập đoàn Vingroup, đây được coi là một trong những trụ cột trong tương lai của Tập đoàn Masan, coi như một bàn đạp nhờ các cửa hàng rộng rãi giúp Masan thúc đẩy doanh số các mảng khác.
Trong khi đó, hàng tiêu dùng bao gồm mì, nước chấm, đồ uống đem về hơn 11.700 tỷ đồng. Masan cho biết, trong quý 2/2022, Ban điều hành đã điều chỉnh, đưa lượng hàng tồn kho về mức bình thường, tạo điều kiện cho mức tăng trưởng doanh thu hai chữ số và gia tăng lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm 2022 với kế hoạch kiểm soát chặt chi phí khuyến mãi.
Tất cả các mảng này được Masan gộp trong một nền tảng gọi tên nền tảng tiêu dùng The CrownX. Năm 2022, Masan dự kiến The CrownX đạt doanh thu thuần trong khoảng 68.000 tỷ đồng – 76.000 tỷ đồng, tăng từ 17% đến 31% so với năm 2021.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, ông Danny Lê, Tổng giám đốc Masan cho biết, tầm nhìn năm 2025 Masan dự kiến tiết kiệm 15% chi phí của chuỗi giá trị từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Công ty cũng hướng đến việc phục vụ 30 – 50% người tiêu dùng Việt Nam, với giá trị vòng đời đạt đến 30 – 50 tỷ USD.
Thời gian vừa qua, Masan không ngừng đưa vào các thử nghiệm mới nhằm gia tăng doanh số bình quân của cửa hàng. Chẳng hạn, việc Masan đặt các ki-ốt Phúc Long trong các cửa hàng Winmart+ bán từ 15-20 sản phẩm tốt nhất của Phú Long. Hay các quầy thuốc Phano, Techcombank cũng được tích hợp bên trong. Theo Masan, thử nghiệm này đem thêm 20% doanh thu các cửa hàng được thử nghiệm.
Doanh nghiệp ngoại thu hẹp ảnh hưởng
Bên cạnh hệ thống bán lẻ thuộc Masan, Thế Giới Di Động (MWG) là những doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, thị trường bán lẻ Việt Nam còn có sự tham gia của doanh nghiệp bán lẻ nội với quy mô lớn và có lịch sử lâu đời là Liên hợp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op). Hiện tại với hơn 1.000 siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại lớn nhỏ với ước tính, hệ thống đón tiếp hơn 1 triệu lượt khách tham quan mua sắm mỗi ngày. Theo công bố mới đây, đại diện Saigon Co.op cho biết sẽ nâng số điểm bán lên 2.000 vào năm 2025.
Năm năm 2021, Saigon Co.op ghi nhận doanh thu đạt 30.671 tỷ đồng, giảm 7,8% so cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch bệnh và mở mới gần 40 điểm bán. Năm 2022, Saigon Co.op lên kế hoạch doanh thu tăng 3-5% so với cùng kỳ, đồng thời mở mới 3-5 siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại và 80-100 điểm bán lẻ nhỏ. Kiên quyết đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình các điểm bán hoạt động không hiệu quả.
Big C Việt Nam (TopsMarket, GO!), Metro (MM Mega Market), AEON Việt Nam, Seven Eleven… là những đại diện doanh nghiệp ngoại có tương đối nhiều xáo trộn trong thời gian qua như việc chuyển nhượng, đổi tên thương hiệu… cũng đang cố gắng gia tăng ảnh hưởng, thị phần tại thị trường Việt Nam. Chẳng hạn, AEON Việt Nam cho biết, kế hoạch trung hạn tới năm 2025, sẽ có ít nhất 15 trung tâm mua sắm AEON đi vào hoạt động; trong khi đó hệ thống chuỗi siêu thị vừa và nhỏ MaxValu dự kiến đạt 100 cửa hàng ở Hà Nội. Song song đó, AEON Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển hệ thống các cửa hàng chuyên doanh, như Glam Beautique, AEON Bicycle, Petamo, Daiso… và kênh thương mại điện tử AEON EShop.
Thời gian vừa qua ảnh hưởng của doanh nghiệp ngoại trên bản đồ thị trường bán lẻ Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Giai đoạn năm 2012 đến năm 2016, hàng loạt tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ nước ngoài lần lượt đổ bộ hoặc mở rộng tại Việt Nam. Nổi bật nhất có thể kể đến tập đoàn Casino (Pháp) và BigC với 3 trung tâm phân phối; Metro Cash&Carry (Đức) với 7 trung tâm phân phối chỉ riêng trong năm 2012. Theo một thống kê, ở thời điểm năm 2016, 50% thị phần bán lẻ của Việt Nam thuộc về doanh nghiệp nước ngoài, thì đến nay doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang chiếm khoảng 70-80% số điểm bán trên cả nước.
Không phải cuộc chuyển nhượng từ doanh nghiệp Việt sang doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí điều ngược lại đã xảy ra khi cuối 2021 THISO – Tổng Công ty thành viên thuộc Tập đoàn THACO, chính thức hoàn tất ký kết thỏa thuận chuyển nhượng vốn và nhượng quyền độc quyền hoạt động kinh doanh với Emart Inc. (Hàn Quốc).
Tại Hội nghị khách hàng được tổ chức đầu tháng 8/2022 với hơn 500 nhà cung cấp, đối tác của Emart Việt Nam, ông Chun Byung Ki – Tổng giám đốc THISO Retail cho biết, Emart Việt Nam đang khẩn trương triển khai kế hoạch khai trương thêm hai đại siêu thị trong năm 2022: Emart Sala Thủ Thiêm (tháng 10/2022) và Emart Phan Huy Ích (tháng 12/2022). Đồng thời, đặt kế hoạch đạt 20 siêu thị trong 5 năm tới, đến năm 2026 mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD.
Nguồn: cafef.vn