Ngay cả doanh nghiệp thuộc nhóm ưu tiên hàng đầu, đang vay vốn, cũng không thấy ngân hàng đả động đến, mà chỉ biết qua báo đài…
Theo quy định tại Nghị định 31 năm 2022, đối tượng được ưu tiên nhận hỗ trợ lãi suất 2% cho vay thuộc đối tượng khách hàng ở các lĩnh vực, ngành nghề, như du lịch, vận tải, nông nghiệp, giáo dục…; các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản thuộc càng thuộc diện ưu tiên hàng đầu.
Nhưng giữa chính sách và thực tiễn thường có khoảng cách. Hiện khoảng cách liên quan đến chương trình hỗ trợ nói trên đang quá xa và quá lớn.
Qua rất nhiều thủ tục vẫn chưa rõ có được không…
Ưu tiên hàng đầu, bởi vì các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản một mặt mang ngoại tệ về cho đất nước, mặt khác hầu hết là những ngành thâm dụng lao động, tạo và duy trì lượng việc làm lớn.
Cũng như nhiều phản ánh thời gian qua, sau ba tháng và hành trình vượt qua “núi thủ tục”, kết quả hỗ trợ lãi suất ở nhóm doanh nghiệp trên vẫn thực sự chưa thấy đâu.
Ông Nguyễn Văn Đạo – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thuỷ sản Gò Đàng (GODACO) cho biết, các nhà máy chế biến thủy sản của công ty giải quyết được một lượng lao động khá lớn, và là doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, lại là công ty xuất khẩu thủy sản nên GODACO thuộc nhóm đối tượng ưu tiên hàng đầu và theo quy định được nhận gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Khi nói về các điều kiện ưu tiên, theo CEO của GODACO, vì là ngành hàng giải quyết một lượng lớn lao động và là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản – lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch, và là lĩnh vực nhà nước đang khuyến khích nên trường hợp này luôn nằm trong diện ưu tiên.
Hiện công ty đã làm xong hồ sơ xin được hưởng hỗ trợ trong gói 2%, tuy nhiên vẫn chưa nhận được, vì đang trong quá trình các cơ quan chức năng phối hợp với bên ngân hàng xem xét, rà soát lại để chọn đối tượng cho đúng.
“Sở dĩ đến nay công ty chưa được nhận hỗ trợ do phải thực hiện rất nhiều thủ tục theo quy định của nhà nước, và đang trong giai đoạn bổ sung thẩm tra hồ sơ của doanh nghiệp. Quy trình này đòi hỏi rất nhiều hồ sơ thủ tục. Đây là cái khó đối với doanh nghiệp.
Thủ tục hành chính chúng ta đã cải tiến rất nhiều, song vẫn còn nhiều việc phải cải tiến thêm. Chủ trương của Đảng và Nhà nước rất tốt nhưng người thực hiện bên dưới đôi lúc, đôi nơi, đôi việc còn cố tình gây khó khăn dẫn đến ảnh hưởng doanh nghiệp cũng khá nhiều.
Đến thời điểm này mọi vấn đề về thủ tục đều đã được hoàn tất, tuy có chậm nhưng chưa thấy báo là hồ sơ không được chấp nhận. Chính sách rất nhanh, chủ trương Đảng và Nhà nước rất kịp thời nhưng quá trình triển khai thực hiện thì rất là phức tạp, cộng với vô vàn lý do khác nhau…”, CEO của GODACO nói.
Thực tế thì đang gánh lãi suất tăng lên…
Còn theo ông Trần Quốc Phương – Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Tài chuyên kinh doanh, xuất khẩu gạo ở thành phố Cần Thơ cho biết, công ty biết được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp qua các báo, đài, chứ đến nay công ty chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ ngân hàng. Không chỉ vậy, lãi suất vay tín dụng ở các ngân hàng nay đã tăng lên từ 8% đến 9%, so với mức 7% đến 8% trước đây.
Đai diện doanh nghiệp này đặt ra góc nhìn, do ảnh hưởng của việc siết room tín dụng nên các ngân hàng phải đẩy lãi suất lên, có như vậy mới đạt kế hoạch lợi nhuận đề ra hồi đầu năm. Trước đây nhóm “Big 4” có lãi suất cho vay thấp hơn nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, nhưng bây giờ lãi suất của nhóm ngân hàng này đã gần bằng.
“Hiện các ngân hàng phải siết room tín dụng nhưng vì phải giữ kế hoạch lợi nhuận đề ra trong năm, bắt buộc họ phải đẩy lãi suất lên để giữ kế hoạch lợi nhuận trong năm nay. Như vậy, cái khó của ngân hàng thương mại đang đẩy về cho doanh nghiệp”, Giám đốc Công ty Hiệp Tài nhìn nhận.
Còn theo lý giải của ông Nguyễn Quốc Phong – Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) Eximbank, các khó khăn của doanh nghiệp SME tại Việt Nam là do đa phần là sử dụng báo cáo nội bộ, và tính minh bạch chưa cao nên áp báo cáo tài chính thuế (phải có kiểm toán hoặc báo cáo thuế), họ không đủ điều kiện để tham gia gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng rất ngần ngại gói hỗ trợ lãi suất lần này giống như năm 2009, lo ngại các điều kiện sau đó không đáp ứng và bị thu hồi lại phần lãi suất đã hỗ trợ.
Còn với thông tin “phía ngân hàng sợ trách nhiệm nên yêu cầu doanh nghiệp cung cấp quá nhiều giấy tờ kiểu như hành doanh nghiệp”, lý do này là chưa chính xác hoàn toàn, vì tất cả các thủ tục hiện nay đều chiếu theo các tiêu chí của Nghị định 31. Đã có rất nhiều các cuộc họp giữa ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước để hướng dẫn và tháo gỡ.
Nguồn: cafef.vn