SSI Research dự báo nhu cầu điện trên toàn quốc năm 2022 có thể tăng 8% so với cùng kỳ. Do đó, ngành điện nói chung được dự báo có nhiều cơ hội tăng trưởng nhưng có sự phân hóa rõ rệt giữa các loại hình sản xuất.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán còn nhiều biến động khó lường, các nhóm ngành mang tính phòng thủ tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Trong nhóm lĩnh vực tiện ích, ngành điện được đánh giá phức tạp nhất bởi nhiều phân nhánh có đặc thù riêng. Và thực tế, không phải loại hình nào cũng có triển vọng lạc quan dù ngành điện nói chung được dự báo có nhiều cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới.
Nhu cầu điện năng trên toàn quốc ghi nhận mức tăng trưởng 14,7% so với cùng kỳ trong tháng 8 và 6,5% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm 2022, cao hơn nhiều so với mức tăng 3,8% trong nửa đầu năm. Mức tăng trưởng này phản ánh cơ sở so sánh thấp nửa cuối năm ngoái và được dẫn dắt bởi mức tăng trưởng 15,6% so với cùng kỳ của chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 8. SSI Research dự báo nhu cầu điện trên toàn quốc năm 2022 có thể tăng 8% so với cùng kỳ.
Thủy điện tiếp tục tỏa sáng trước khi El Nino trở lại
Theo IRI, khả năng xảy ra La Nina tạm thời suy yếu trong tháng 7 và mạnh trở lại từ tháng 8-10 với xác suất 68%, kéo dài cho đến mùa đông với xác suất khá cao, 63-70%. Từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, thủy điện liên tục được huy động tới 50% trong giờ cao điểm buổi trưa, thậm chí là 90% công suất trong giờ cao điểm buổi tối.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng La Nina thường kéo dài 2 năm nhưng lần này đã diễn ra gần 3 năm. Dự báo trong năm nay sẽ có 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, nhất là khu vực miền Bắc và miền Trung. Chứng khoán KIS cho rằng thủy văn dồi dào sẽ tác động tích cực đến các nhà máy thủy điện ở các khu vực này như VSH, CHP, SBA, REE, TBC…
Tuy nhiên, theo NOAA, điều kiện thủy văn có thể kém thuận lợi hơn vào năm 2023. Hiện tượng La Nina kéo dài khoảng 30 tháng nếu tính tới cuối năm 2022 và tương đương với thống kê trong giai đoạn 1950 – 2019 (ngoại trừ giai đoạn La Nina kéo dài 42 tháng từ tháng 7/1998 – 12/2001). Trong trường hợp điều kiện thủy văn kém thuận lợi và giá khí điều chỉnh vào năm 2023, các nhà máy nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện khí có thể được huy động cao hơn.
Điện khí sẽ trở nên cạnh tranh hơn so với điện than
Tương tự, VNDirect đánh giá thủy điện sẽ đóng vai trò quan trọng là nguồn năng lượng nền tảng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia bởi tính ổn định cao. Mặt khác, rủi ro thiếu hụt than và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến các nhà máy phải chủ động tìm kiếm nguồn than nhập khẩu để bổ sung sản lượng thiếu hụt, ảnh hưởng đến nhóm nhiệt điện. Tuy nhiên, việc thiếu than chỉ là rủi ro trong ngắn hạn và sản lượng điện than cũng sẽ hưởng lợi từ nhu cầu phục hồi và giá bán trung bình cao hơn trên thị trường phát điện cạnh tranh (CGM).
Giá CGM trong tháng 8/2022 ước tính vào khoảng 1.390 đồng/kwh, tăng 4% so với tháng trước và tăng 39% so với cùng kỳ. Mức giá CGM trong 8 tháng đầu năm 2022 cũng tăng 35% so với cùng kỳ, đạt 1.427 đồng/kwh. Với việc giá than đầu vào cho nhiệt điện than tăng lên và nhu cầu điện trên toàn quốc tiếp tục phục hồi, SSI Research cho rằng, giá CGM trung bình cả năm 2022 có thể đạt 1.400 đồng/kwh, tăng 41% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, mức chênh lệch giá bán điện giữa nhóm điện khí và điện than đang thu hẹp dần. Theo EIA, tình trạng thiếu khí gần đây ở EU đã làm tăng nhu cầu nhiệt điện than và đang thúc đẩy giá than tăng lên. Giá than trộn của Vinacomin đã tăng khoảng 30~35% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2022. Theo Genco2 & Genco3, QTP & HND, chưa xuất hiện việc điều chỉnh tăng thêm về giá than trộn nhưng SSI Research cho rằng giá than trộn trong nước có thể sẽ tiếp tục tăng do giá than trong khu vực tăng cao.
Trong khi đó, SSI Research giả định giá FO năm 2022 là 500 USD/tấn, tăng 28% so với cùng kỳ nhưng dự báo sẽ giảm 14% so với cùng kỳ vào năm 2023, xuống mức 430 USD/tấn. Giá khí điều chỉnh sẽ giúp thu hẹp chênh lệch giá bán bình quân giữa nhiệt điện khí và nhiệt điện than. Với đà giảm của giá khí, các nhà máy nhiệt điện khí sẽ trở nên cạnh tranh hơn so với nhiệt điện than.
Ngoài ra, sau 4 bản dự thảo quy hoạch điện 8, ngành điện đã có những thay đổi lớn trong cơ cấu phát triển nguồn điện. Đặc biệt, bản sửa đổi mới nhất nhấn mạnh vào quá trình chuyển đổi năng lượng sạch mạnh mẽ để đáp ứng cam kết “net zero” của Việt Nam. VNDirect kỳ vọng vào sự gia tăng đáng kể của điện năng lượng tái tạo trong dài hạn và cơ chế giá điện mới sẽ tiếp tục hấp dẫn trong thời gian tới.
Nguồn: cafef.vn