Triển vọng u ám của các nền kinh tế lớn đang tạo sức ép lớn lên thị trường dầu, khiến giá Brent (chuẩn toàn cầu), WTI (chuẩn Mỹ) lao dốc không phanh.
Đầu ngày 8/9 (theo giờ Việt Nam), ghi nhận trên Oilprice, giá dầu WTI của Mỹ giao dịch mức 88,3 USD/thùng, giảm 4,1%; trong khi dầu Brent chuẩn toàn cầu giao dịch ngưỡng 89,48 USD/thùng, giảm 3,6%.
Dầu thô thế giới mất giá ngay cả khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh (OPEC+) tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu. Theo các chuyên gia kinh tế, triển vọng u ám của những nền kinh tế lớn đang tạo sức ép lớn lên thị trường dầu.
Dữ liệu cập nhật của Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng nhập A95 nhập từ Singapore ở mức 102,7 USD/thùng, xăng A92 ở mức 98,3 USD/thùng, dầu diesel ở mức 134,6 USD/thùng. Mức giá này so với thời điểm 31/8 thì tăng nhẹ ở mặt hàng xăng song giảm mạnh ở dầu diesel.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, với mức giá này, khả năng trong kỳ điều hành tới (dự kiến ngày 11/9), giá xăng dầu bán lẻ trong nước sẽ giảm, riêng dầu diesel có thể giảm sâu.
“Xăng dầu thế giới liên tục lao dốc sẽ giúp hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước. Theo tôi, kỳ điều chỉnh tới đây, giá dầu chắc sẽ giảm mạnh, giá xăng giảm ít hơn. Mức giảm cụ thể phụ thuộc vào chi, sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) nữa”, vị này nói.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 5/9, cơ quan điều hành điều chỉnh giá xăng trong nước giảm 366 – 439 đồng, xuống còn 23.359 – 24.230 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 1.430 đồng/lít lên 25.180 đồng/lít, vượt giá xăng. Đây là điều chưa từng có trên thị trường xăng dầu trong nước vì giá xăng thường cao hơn giá dầu.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, tại thị trường thế giới, từ đầu năm 2022 đến nay, sau xung đột Nga – Ukraine, nguồn cung khí đốt cho thị trường châu Âu và Mỹ giảm, nhu cầu đối với dầu diesel và dầu hỏa tăng. Điều này dẫn đến giá các sản phẩm dầu tăng cao, ở mức tương đương hoặc cao hơn giá xăng. Đến những tháng gần đây, để chuẩn bị cho nhu cầu tăng vào mùa lạnh, người dân lại đang dần chuyển sang dùng dầu khi giá năng lượng tăng cao, đẩy giá dầu tiếp tục tăng mạnh, cao hơn nhiều so với giá xăng”.
Hầu như ở các nước châu Âu, giá dầu đều cao hơn giá xăng, ví dụ Italy, Hungary, Đức, Pháp, Đan Mạch, Áo, Cộng hoà Séc, Bỉ, Anh, Bồ Đào Nha. Hay như tại Mỹ, giá xăng hôm nay là 4,5 USD/gallon, còn giá dầu là 5,059 USD/gallon.
Trong nước, do cơ cấu giá xăng dầu, các mức thuế, chi phí kinh doanh dịch vụ rất khác nhau. Đối với các loại dầu, thuế nhập khẩu chỉ ở mức 0 – 0,72%, thuế tiêu thụ đặc biệt là 0%. Còn đối với các loại xăng, thuế nhập khẩu bình quân là 9,7%, thuế tiêu thụ đặc biệt là 8-10%. Do đó, giá bán lẻ xăng trong nước từ trước đến nay vẫn cao hơn giá dầu.
Tuy nhiên, tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 5/9, do giá xăng thế giới và giá dầu thế giới có sự chênh lệch lớn, giá dầu cao hơn giá xăng khoảng 30 – 35 USD/thùng nên giá bán lẻ dầu trong nước đã lần đầu tiên cao hơn giá xăng.
Nguồn: cafef.vn